Cảm giác hơi đau ở dương vật, anh Minh đến phòng khám nhờ bác sĩ lấy hai viên bi mình tự đặt vào. Khi lấy dị vật bác sĩ phát hiện có cả mủ ở trong. Nam bệnh nhân thú thật đã lấy quai cốc thủy tinh, mài nhẵn các đầu thành hình lục giác sau đó tự đặt vào dương vật.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Lao động (Hà Nội) cho biết, nhiều ông cho rằng đeo bi vào dương vật giúp làm tăng kích thước, tăng sự chà xát nên tăng khoái cảm khi quan hệ tình dục.
Đây được coi là một giải pháp để cải thiện "chuyện ấy". Tuy nhiên, bệnh nhân tự làm cho mình, không có sự hỗ trợ của bác sĩ, vật dụng không được vô trùng nên rất nguy hiểm.
Những trường hợp tự tìm cách làm tăng kích cỡ dương vật như anh Minh không phải hiếm gặp và không ít trường hợp gặp nạn vì điều này.
Vật dụng phổ biến nhất mà nhiều người hay dùng là viên bi trong các chai rượu ngoại (dùng để lắc tạo sủi và hạn chế tốc độ khi rót). Nhiều bạn trẻ tự giải phẫu, tự gắn bi vào dương vật. Đeo bi trong điều kiện không hợp vệ sinh, không được vô trùng còn dễ gây nhiễm trùng, gây rò tắc niệu đạo..., chưa kể nguy cơ lây truyền HIV, viêm gan B nếu gây chảy máu, dụng cụ không đảm bảo vô trùng.
Có trường hợp gắn cả bi xe đạp vào “cậu nhỏ”. Có người đến khám trong tình trạng vùng bìu bị tụ máu do quá trình cọ xát của dương vật.
Video: Người đàn ông có 'của quý' dài nhất thế giới từ chối phẫu thuật
Trong y học, các bác sĩ không cấy bi cho bệnh nhân. Hiện nay y học hiện áp dụng nhiều biện pháp để giúp các bệnh nhân cải thiện kích cỡ dương vật. Có thể uống thuốc nội tiết tố, giải phẫu độn dương vật bằng chính mỡ cơ thể của bệnh nhân hoặc đặt vật giả bằng silicon vào vật hang...
Theo bác sĩ Dung, chất lượng "yêu" không phụ thuộc hoàn toàn vào dương vật to hay nhỏ mà chính là sự hòa hợp giữa hai người về tâm sinh lý, biết kích thích những điểm nhạy cảm của nhau... Hơn nữa, âm đạo có khả năng co giãn và hầu như có thể phù hợp với mọi kích cỡ dương vật. Vì thế, cánh mày râu không nên quá tự ti.
Bình luận