• Zalo

Bi hài đằng sau việc “đại gia” tậu máy bay

Kinh tếThứ Hai, 14/11/2011 09:57:00 +07:00Google News

Thời buổi quần áo xịn, ô tô sang, chân dài để đánh bóng thương hiệu đã nhường cho việc sở hữu máy bay. Đằng sau đó có lắm câu chuyện bi hài khác...

Thời buổi quần áo xịn, ô tô sang, chân dài để đánh bóng thương hiệu đã nhường cho việc sở hữu máy bay. Dù giá trị một chiếc máy bay có khi chỉ tương đương một ô tô hạng sang.

Đằng sau đó có lắm câu chuyện bi hài khác...

Rắc rối quanh chiếc máy bay riêng

Trong giới doanh nhân được xem là giàu có của Việt Nam, hiện sở hữu 2 loại máy bay: Trực thăng cánh quạt và cánh bằng (như của bầu Đức). Thông thường loại cánh bằng dễ dàng hoạt động hơn vì đã có sẵn các đường hàng không (của các chuyến bay thương mại), máy bay trực thăng (của tư nhân) muốn hoạt động trên vùng trời Việt Nam không phải chuyện dễ.

Một trong các loại máy bay được Cty Hành Tinh Xanh mua về.
Ảnh: Robinsonheli.
  
Nhiều đại gia cho rằng mua máy bay chủ yếu phục vụ công việc. Trên thực tế, với sự hiếu kỳ của nhiều người dân hiện nay, việc sở hữu một chiếc máy bay nhiều khi gây được sự chú ý tốt cho thương hiệu hơn cách quảng cáo khác.

Một quan chức Cục Hàng không VN cho biết, với loại máy bay cánh bằng, mỗi lần muốn cat cánh phải xin phép. Nhanh nhất phải mất vài tiếng (nếu đặc biệt), thông thường phải mất 7 ngày. Trong trường hợp này, có khi mua vé máy bay thương mại đi còn nhanh hơn dùng máy bay cá nhân. Trường hợp, nếu máy bay trực thăng (loại như của ông chủ Hoà Phát mua) muốn xin cấp phép bay còn khó hơn do phải được phía Bộ Quốc phòng thẩm định và đồng ý.

Các đại gia thường nói, dùng máy bay cho những chặng ngắn, tuy nhiên những loại máy bay cánh bằng không dễ hạ cánh ở mọi địa hình. Còn nếu bay đường dài sẽ vô cùng bất tiện, không chỉ phải hạ cánh dọc đường đổ nhiên liệu hay xin phép bay nhiều chặng (trước đó phải nộp phí bay các loại nếu bay quốc tế).

Đã từng có câu chuyện vui, sau chầu nhậu, doanh nhân nọ leo lên đi nhờ máy bay của một đại gia. Báo hại cả hành trình hôm đó, ông doanh nhân kia phải chịu trận vì máy bay không có nhà vệ sinh. Muốn dùng chai nước (rỗng ruột) để “giải quyết nỗi buồn” cũng không được vì trên máy bay còn có nữ giới. Chuyến bay đó thành nỗi khiếp đảm với người đi nhờ máy bay ca nhân.

Ở Việt Nam, hễ ai có máy bay, du thuyền đều được “bốc” lên hàng đại gia khủng. Một chuyên gia kinh tế cho biết, ở nhiều nước, cách đây hàng chục năm, chiêu dùng máy bay, du thuyền để đánh bóng thương hiệu được dùng phổ biến. Bởi vì, so với mức sống người dân, máy bay và du thuyền được sở hữu riêng đã gây hiếu kỳ cho đại bộ phận lúc bấy giờ.

Chưa kể, các đối tác sẽ đánh giá doanh nghiệp đó có tiềm lực kinh tế, ngân hàng không quá khắt khe khi cho vay... Tuy nhiên, Giám đốc Cty Hành Tinh Xanh (vừa mua 4 máy bay hạng nhẹ cánh bằng về Việt Nam, mỗi chiếc khoảng 100.000 euro) trả lời báo chí không nhận mình là đại gia. Dù dư luận tôn sùng ông chân đi xăng-đan, mua nhiều máy bay (dù chưa biết khi nào cất cánh).

Thực tế, Giám đốc Cty Hành Tinh Xanh nói đúng. Trụ sở của công ty này thuê một căn phòng nhỏ khoảng 20m2 nằm hẻo lánh (dưới lùm hoa giấy) trong ngõ trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội). Từ chính ông giám đốc, đến nội thất văn phòng không toát lên vẻ của người giàu có.

Được biết, những đại gia thực sự (cổ đông chính) sở hữu các máy bay này là những doanh nhân khủng giấu mặt và sở hữu nhiều siêu xe ô tô. Thế nhưng, vì cứ sở hữu máy bay ắt sẽ nổi tiếng nên Trưởng phòng PR (Cty Hành Tinh Xanh) thốt lên với phóng viên Tiền Phong: “Chúng tôi đã chuẩn bị gì cho việc quảng bá đâu, tự dưng báo chí tung tin. Tiền lưu kho mỗi chiếc máy bay phải trả tại cảng Hải Phòng mới là mối bận tâm chính hiện nay”.

Máy bay riêng: Thường thôi

“Với máy bay chủng loại mới, người mua hoặc nhà sản xuất phải bỏ tiền để cơ quan quản lý cử người đi học nhằm lấy kiến thức về giám sát chính chiếc máy bay đó”, Cục phó Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh nói. Với máy bay của bầu Đức cũng thế, khi mới nhập về Việt Nam, nó là loại mới. Trong bối cảnh đó, Cục Hàng không chưa có chuyên môn giám sát. Do đó, cán bộ của Cục này được đi học nhờ tiền phí công nhận chứng chỉ (loại do cá nhân mua hoặc nhà sản xuất đóng). “Từ chỗ mua về tới khi bay được là quá trình không đơn giản”, ông Thanh cho biết.

Theo đó, chủ sở hữu phải đăng ký như tài sản và khai thác, Cục hàng không sẽ cấp các loại chứng chỉ liên quan (như khả phi, tiếng ồn, thiết bị vô tuyến...), mua bảo hiểm tai nạn (loại có thể gây ra với bên thứ 3 trên mặt đất), phi công phải có bằng lái...

Vì quá phức tạp để sử dụng một chiếc máy bay nên có doanh nghiệp chọn giải pháp: Cho một đơn vị có chức năng và chuyên môn thuê, khi nào cần dùng thì thuê lại. Thông tin từ Cục Hàng không cho biết, máy bay của ông chủ tập đoàn Hòa Phát dù sơn tên thương hiệu, nhưng thực tế trao quyền quản lý cho một công ty dịch vụ bay của quân đội. Công ty này chuyên cho thuê máy bay khảo sát địa hình, tham quan...

Thực ra, ít người biết, ngay ở Việt Nam từ lâu dịch vụ thuê máy bay đã khá phát triển. Nhiều khách du lịch nước ngoài thuê máy bay trực thăng để tham quan Vịnh Hạ Long hoặc lên Tây Bắc... Cty Trực thăng miền Bắc (thuộc Tổng Cty Trực thăng VN) là địa chỉ quen thuộc của nhiều người thích khám phá từ trên cao, chi phí mỗi chuyến cũng không đến mức phải tầm đại gia mới thuê được.

Cty này nhiều lần hạ cánh xuống nóc nhà Bệnh viện 108 và Bệnh viện Bỏng để đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Nhiều người Việt Nam du lịch tới New York (Hoa Kỳ) chỉ cần bỏ ra vài trăm USD là được tha hồ lượn quanh Tượng nữ thần tự do.

Đình Thắng/ Tiền Phong

Bình luận
vtcnews.vn