• Zalo

Bị đồng nghiệp tố đạo văn, Phó khoa trường ĐH Luật TP.HCM nói gì?

Giáo dụcThứ Tư, 08/08/2018 16:57:00 +07:00Google News

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó khoa trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng không có chuyện đạo văn của đồng nghiệp mà đó là do lỗi kỹ thuật trong lúc biên tập.

Không có dấu hiệu “đạo văn” 

Theo đơn phản ánh của ông Võ Hồng Tú – giảng viên trường ĐH Luật TP.HCM, trong cuốn sách “Cơ chế giám sát Hiến pháp với việc đảm bảo quyền con người”( xuất bản 2012) của tập thể tác giả TS Vũ Văn Nhiêm, Ths Nguyễn Mạnh Hùng, Lưu Đức Quang, đã sao chép (đạo văn) một số phần từ cuốn “Xây dựng và bảo vệ Hiến pháp - Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam” (xuất bản 2010) của nhóm tác giả GS.TS Nguyễn Đăng Dung, PGS.TS.Trương Đắc Linh, Ths Nguyễn Mạnh Hùng, Lưu Đức Quang, Ths Nguyễn Văn Trí.

38542179_2179906565589066_1296251692920078336_n

 Cuốn sách "Cơ chế giám sát Hiến pháp với việc đảm bảo quyền con người”. 

Trước sự việc này, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó khoa trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng, việc giảng viên Võ Hồng Tú tố “đạo văn” là không đúng.

Ngay thời điểm cuốn sách “Cơ chế giám sát Hiến pháp với việc đảm bảo quyền con người” được xuất bản vào tháng 5/2012, nhóm tác giả biên soạn đã phát hiện ra sai sót về lỗi kỹ thuật và nội dung, làm đơn đề nghị thu hồi toàn bộ sách đã phát hành.

Cách trình bày cuốn sách chưa thể hiện rõ ràng về sự phân công những người tham gia biên soạn, chỉ ghi chung chung là tập thể tác giả chứ không ghi rõ ra ai là tác giả của chương, mục nào.

Khi biên soạn cuốn sách này, ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Lưu Đức Quang sử dụng tư liệu do chính mình đã viết trong cuốn sách “Xây dựng và bảo vệ Hiến pháp – Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam” đã xuất bản trước đó, có sử dụng thêm tư liệu của PGS.TS Trương Đắc Linh nhưng không trích nguồn đầy đủ.

Từ những lỗi về kỹ thuật và nội dung nêu trên, nhóm tác giả thống nhất với nhau biên soạn lại sách mới đồng thời đề nghị ban lãnh đạo ĐH Luật TP.HCM thu hồi và tiêu hủy hết cuốn sách này.

“Tại sao không rõ ràng ai là tác giả viết phần nào, thầy Tú lại không nằm trong thành viên biên soạn sách, thì lấy gì khẳng định những phần trong cuốn “Cơ chế giám sát Hiến pháp với việc đảm bảo quyền con người” giống với một số phần cuốn sách “Xây dựng và bảo vệ Hiến pháp – Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam” được xuất bản trước đó, tôi là tác giả của phần nội dung giống đó? Nếu có xảy ra chuyện “đạo văn” thì thầy Tú phải tố cả 3 người cùng đạo, sao lại có thể “quy chụp” nói cho tôi chép lại một số phần từ cuốn sách của thầy Trương Đắc Linh?”, ông Hùng nói.

Và ông Hùng khẳng định: “Không có dấu hiệu đạo văn vì không có sự tranh chấp về quyền tác giả, không có tranh chấp giữa người “đạo văn” với “người bị đạo”, vì PGS.TS Trương Đắc Linh không có ý kiến gì từ khi xảy ra vụ việc (2012), cho đến khi thầy mất vào tháng 8/2015.”

pho-khoa-truong-dh-luat-tp-hcm-bi-1326445 3

Trích đơn tố cáo của ông Võ Hồng Tú. 

Sai sót trong quá trình biên tập

Cũng trong đơn tố cáo, ông Võ Hồng Tú cho rằng 1 cuốn giáo trình khác là “Luật Hiến pháp Việt Nam” do PGS.TS Vũ Văn Nhiêm chủ biên xuất bản năm 2017, ông Nguyễn Mạnh Hùng tham gia biên soạn, trong phần tiểu mục 1.3 Chương II của cuốn sách này, ông Hùng là tác giả đã sao chép từ 2 bài viết khác nhau: Quy trình và kỹ thuật Lập hiến của Lưu Đức Quang (in trong Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về sửa đổi Hiến pháp ở Việt Nam hiện nay do PGS.TS Nguyễn Như Phát chủ biên) và Bình luận về quyền lập hiến và quy trình lập hiến theo Hiến pháp năm 2013 của tác giả Lưu Đức Quang đăng trên tạp chí Khoa học pháp lý số ra tháng 1/2014. 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng lời tố cáo trên của thầy Tú là cố tình bóp méo sự việc, không đúng bản chất vấn đề.

Ông Hùng giải thích rằng, khi tham gia biên soạn giáo trình “Luật Hiến pháp Việt Nam”, ông được phân làm chủ mục chương II và phân công ông Lưu Đức Quang viết mục 1 (có các tiểu mục: 1.1, 1.2, 1.3, 1.4), mục 2 sẽ do ông và ông Võ Hồng Tú cùng viết.

Thế nhưng, khi hết hạn được giao thì ông Lưu Đức Quang chỉ viết được các tiểu mục 1.3 và 1.4 trả lại ông Nguyễn Mạnh Hùng tiểu mục 1.1 và 1.2. Mục 2 của ông Võ Hồng Tú viết cũng chậm tiến độ.

IMG20180808035140 4

Bản giải trình xác nhận về việc nhầm tên tác giả. 

Với tư cách là chủ biên PGS.TS Vũ Văn Nhiêm quyết định phân công ông Nguyễn Mạnh Hùng viết luôn phần 1.1 và 1.2 của thầy Quang và một số phần mục 2 của thầy Tú.

Tuy nhiên trong quá trình biên tập, thư ký của nhóm tác giả là Phan Nguyễn Phương Thảo, Trương Minh Thùy đã đề tên tác giả ở mục 1.3 là Ths Nguyễn Mạnh Hùng, nhưng thực ra phần mục này là thầy Quang viết.

Trong bản giải trình của cô Phan Nguyễn Phương Thảo và cô Trương Thị Minh Thùy trước lãnh đạo ĐH Luật TP.HCM là đã sai sót trong lúc biên tập: “Do trong quá trình các tác giả thực hiện có một số thay đổi so với phân công ban đầu nên ở giai đoạn cuối của công tác biên tập tại Tổ Bộ môn, chúng tôi đã kiểm tra và xác định đúng tên tác giả của từng chương, mục và tiểu mục. Tuy nhiên rất đáng tiếc, chúng tôi đã sai sót ở tiểu mục 1.3 Chương II do Ths Lưu Đức Quang viết nhưng ghi chép nhầm lẫn sang Ths Nguyễn Mạnh Hùng viết.”

Sau khi phát hiện sai sót, nhầm lẫn tên tác giả trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã trực tiếp xin lỗi ông Lưu Đức Quang và cả 2 thống nhất phương án chỉnh sửa những sai sót trong lần tái bản tiếp theo.

“Nhầm lẫn tên tác giả trong lúc biên tập là do sai sót về kỹ thuật. Trong tiểu mục 1.3 thầy Quang có sử dụng tư liệu từ những bài viết trước đó của thầy. Sự việc là như vậy nhưng thầy Tú lại nói rằng tôi đi đạo văn của thầy Quang. Chuyện này tôi thật sự rất buồn."

Mạnh Dũng - Quang Hải
Bình luận