• Zalo

Bi đát số phận game Việt

Kinh tếThứ Năm, 04/07/2013 06:12:00 +07:00Google News

(VTC News) - Đại diện các doanh nghiệp game của Việt Nam cho biết tình trạng kinh doanh của mình ngày càng bi đát.

(VTC News) -  Đại diện các doanh nghiệp game của Việt Nam cho biết tình trạng kinh doanh của mình ngày càng bi đát.

Nguy cơ thua ngay trên sân nhà

Tính đến tháng 7/2013, có tổng số 73 game online được cấp phép còn hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh một vài game thuần Việt do các doanh nghiệp trong nước tự sản xuất thì phần lớn các trò chơi được nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Các thể loại rất đa dạng từ game nhập vai nhiều người chơi, webgame cho đến game giải trí thông thường ...
Doanh thu ngành game tại thị trường Việt Nam năm 2012 đạt 250 triệu USD tương đương với hơn 5.000 tỷ đồng. Tính đến thời điểm trên ngành công nghiệp giải trí này có khoảng 4.500 lao động. Không chỉ có thế, doanh thu gián tiếp của ngành game thông qua việc bán máy tính, internet, điện thoại di động, tạo công ăn việc làm trong chuỗi cung cấp giá trị cho ngành game cũng có còn số không nhỏ khi ước tính đạt 20.000 tỷ đồng mỗi năm.
game online
Doanh nghiệp game online Việt Nam đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn 
Tổng số người chơi game tại Việt Nam qua các thiết bị như máy tính, tablet, smartphone ... là khoảng 20 triệu người. Đây là con số rất lớn giúp phần đưa ngành công nghiệp game Việt Nam, cũng như khả năng tự sản xuất game lên vị trí số 1 Đông Nam Á. Điều mà không có nhiều ngành công nghiệp khác của nước ta có thể làm được.
Tuy có tiềm năng phát triển lớn nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn kêu "trời" khi tính hình kinh doanh đang rất bi đát trong 3 năm trở lại đây, tính từ thời điểm ngừng cấp phép game online mới vào năm 2010. Thậm chí, một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này là FPT Online cũng than rằng chỉ có thể chịu nổi tình cảnh hiện tại từ nửa năm đến một năm nữa là cùng.
Qua thời gian kể từ khi Bộ Thông tin và Truyền thông dừng thẩm định nội dung và cấp phép cho game online, đa số các trò chơi cũ đã được cấp phép hoạt động không còn thu hút được nhiều người chơi. Các sản phẩm mới không được cấp phép dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt Nam rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn và bế tắc, nhiều đơn vị còn đặt ra bài toán tồn tại hay không tồn tại.
Đơn cử như FPT Online cho biết doanh nghiệp mình đang rơi vào khủng hoảng, tăng trưởng âm liên tục trong 2 năm rưỡi trở lại đây. Doanh nghiệp này thẳng thắn thừa nhận đang rất bối rối, không biết xoay sở thế nào khi chi phí vận hành tăng, cũng như ngày càng xuất hiện nhiều đơn vị tham gia cung cấp game online nhưng lại vướng mắc về mặt cơ chế nến không thể nào phát triển được.
Các doanh nghiệp hàng đầu trong làng game online Việt khác như VTC và VNG cũng thừa nhận tình trạng tương tự và đang cố gắng vùng vẫy để tìm một lối ra.

Phía các doanh nghiệp này cũng cho biết, rào cản chính hiện là các cơ chế, chính sách từ phía cơ quan quản lý. Trong khi cách doanh nghiệp đang đi theo xu hướng chung của thế giới thì lại bị kìm hãm ngay trên "sân nhà" bởi các cách thức và tư duy quản lý tụt hậu so với nước ngoài.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đỗ Quý Doãn cũng thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay nếu như quản lý theo kiểu "đóng cửa, khép chặt", không cho game online phát triển một cách tự nhiên sẽ vô hình chung tạo điều kiện cho các doanh nghiệp game online nước ngoài tràn ngập tại Việt Nam. Hay nói cách khác, các doanh nghiệp game online của nước ta sẽ "thua ngay trên sân nhà".
Doanh nghiệp mong được "quản lý" 
Khi nhu cầu game online của Việt Nam còn rất lớn mà doanh nghiệp trong nước bị hạn chế khả năng cung cấp dịch vụ, người chơi chắc chắn sẽ tìm đến các sản phẩm quốc tế. Thậm chí là các game online được Việt hóa do các nhà phát hành nước ngoài cung cấp mà không cần sự đồng ý của các cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam.
Tình trạng trên không chỉ dẫn tới nhiều khó khăn trong công tác quản lý mà còn tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt và nước ngoài. Các quy định, chế tài hiện nay không những không giúp các doanh nghiệp game Việt phát triển mà dường như đã loại các đơn vị này ra khỏi thị trường cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến ngay tại nước ta, tạo điều kiện cho công ty nước ngoài thao túng, làm chủ thị trường, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế.
game online
Doanh nghiệp game Việt đang bị kìm hãm bởi cơ chế quản lý 
Theo đại diện của VNG, những chính sách của các cơ quan quản lý trong suốt những năm vừa rồi vẫn chưa thực sự hiệu quả, thậm chí nhiều biện pháp trong số đó không khác gì "trói tay, trói tay" doanh nghiệp. Ngay trong việc cấp phép cho game online không có bất kỳ văn bản nào đưa ra tiêu chí thế nào là game giáo dục, thế nào là game bạo lực ... ngay cả thế nào là game được phép phát hành, thế nào là bị cấm cũng còn rất mù mờ.
Trước thực trạng đó, các doanh nghiệp game online Việt Nam rất "tha thiết" mong được quản lý bởi các cơ quan có chức năng bằng các chính sách quản lý phù hợp với thực tế khách quan. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng muốn có hành lang pháp lý, cách thức cung cấp giấy phép cho game online làm sao cho vừa quản lý được chặt chẽ vừa thúc đẩy sự phát triển. 
Một gợi ý đáng lưu tâm được phía doanh nghiệp đưa ra cho cơ quan chức năng về biện pháp quản lý nội dung game online đó là học tập kinh nghiệm của các nước đang có nền công nghiệp game phát triển như Mỹ, Hàn Quốc hay Trung Quốc. Theo đó, nước ta không cần phải tự nghĩ ra các tiêu chuẩn về quản lý mà chỉ mang về và áp dụng sao cho phù hợp. Bởi các tiêu chuẩn trên đều đã được kiểm định tính khả thi và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát hành game.
Bên cạnh đó doanh nghiệp như VTC, VNG, FPT Online cũng mong muốn được tạo điều kiện tối đa để có một thị trường phát triển lành mạnh, ổn định, lâu dài và tạo nhiều giá trị cho xã hội. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp trụ vững tại thị trường trong nước mà còn chắp cánh cho ước mơ mang game thuần Việt xuất khẩu sang nước ngoài.


Hà Thanh
Bình luận
vtcnews.vn