Video: Xe 'máy chém' nghênh ngang diễu phố
Ngày 16/1, tổ công tác thuộc Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT - Công an TP Hà Nội) ra quân xử lý các loại phương tiện xe thô sơ, xe tự chế chở hàng cồng kềnh.
Trong ngày đầu ra quân, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp.
Vào khoảng 11h15, lực lượng chức năng phát hiện một tài xế xe tự chế ngang nhiên chất hơn 20 cọc sắt dài loằng ngoằng chạy trên đường hướng Hoàng Cầu - Đê La Thành.
Khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng, người này lập tức quay xe nhưng bị các chiến sĩ CSGT giữ lại.
Tài xế T. cho biết, sáng cùng ngày, ông nhận được việc chở hàng đi giao ở khu vực quận Đống Đa. Khi đi đến khu vực đường Hoàng Cầu thì bị lực lượng chức năng dừng xe vì sử dụng xe tự chế chở theo hàng cồng kềnh, không bọc kín đầu sắt. Theo ông T., dù biết nguy hiểm và có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào nhưng vì không có việc làm nên ông đành chọn nghề này để chủ động được thời gian.
"Tôi biết hành vi của bản thân gây mất an toàn cho mọi người, nghe nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe ba bánh tôi cũng rất sợ. Tuy nhiên vì tuổi cao sức yếu, ngoài việc chạy xe ba gác kiếm thêm thu nhập thì tôi không có việc gì để trang trải cuộc sống", ông T. phân trần.
Đa số các tài xế khi bị kiểm tra đều cho biết, bản thân họ ý thức được sự nguy hiểm khi chở những vật liệu cồng kềnh, nhưng vì mưu sinh nên “nhắm mắt làm liều”.
Giống ông T., anh N. cũng bị lực lượng chức năng xử lý do chở hàng cồng kềnh gây nguy hiểm cho người đi đường. "Sắp Tết rồi, tôi cũng phải cố gắng chạy để tăng thêm thu nhập, lo cho vợ con ở quê", anh T. nói.
Các xe vị phạm bị lực lượng CSGT lập biên bản, niêm phong.
Dù là thủ phạm gây nhiều vụ tai nạn thương tâm trong thời gian qua, cướp đi mạng sống của nhiều người nhưng xe "máy chém" vẫn ngang nhiên lộng hành trên các tuyến phố Hà Nội, khiến người tham gia giao thông khiếp sợ.
Điểm chung của những phương tiện này là đều cũ, nát, không còi, không gương, không biển số, phần yên được chế lại để có thể liên kết với chiếc xe kéo chở hàng. Đặc biệt, các bộ phận an toàn như chân ga, phanh... đều được thiết kế sơ sài, không qua kiểm định an toàn của các cơ quan chức năng.
Theo Khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019 của Chính phủ, xe tự chế bị cấm lưu thông, người điều khiển xe tự chế bị phạt 800.000 - 1.000.000 đồng. Người điều khiển phương tiện xe tự chế tham gia giao thông còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 - 3 tháng. Trường hợp xe tự chế gây tai nạn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác thì người điều khiển phương tiện còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt 3 - 10 năm tù
Đối với hành vi chở hàng cồng kềnh, chở hàng vượt quá giới hạn quy định, căn cứ theo điểm k khoản 3 Điều 6 và khoản 2 điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng. Ngoài ra, tài xế có thể bị tước giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.
Bình luận