• Zalo

Bị cơ quan chuyên môn thờ ơ, người dân buộc phải chôn lợn dịch tả ngay tại nhà

Thời sựThứ Hai, 03/06/2019 06:38:00 +07:00Google News

Dù gia đình bà Oanh (Chương Mỹ, Hà Nội) thông báo cơ quan chuyên môn nhiều lần nhưng lợn chết bốc mùi hôi thối không được đưa đi, buộc bà phải chôn lợn tại nhà.

Clip: Bị cơ quan chuyên môn thờ ơ, người dân buộc phải chôn lợn chết thối tại nhà

Vào đầu tháng 5 vừa qua, người dân thôn Sơn Đồng (xã Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội) bức xúc về việc chính quyền xã tự ý chôn hàng chục con lợn chết do dịch tả châu Phi ở gần đường dân sinh. Sau đó, hàng chục tấn lợn chết được lực lượng chức năng di dời đi nơi khác tiêu hủy ngay trong đêm.

Tuy nhiên, chỉ sau đó khoảng nửa tháng, người dân nơi đây lại bức xúc về việc lợn bị bệnh dịch tả chôn trong ngay vườn nhà dân, bốc mùi hôi thối.

“Vào hôm 21/5, gia đình tôi ngửi thấy thoang thoảng mùi hôi thối, khi đó, tôi nghĩ là con vật gì đó chết thôi. Tuy nhiên đến trưa 22/5, khi thời tiết nắng nóng, mùi con vật chết bốc nồng nặc thì tôi ra vườn nhà bà Oanh, cách nhà tôi khoảng 20-30m phát hiện bọt máu ở hai hố đất chôn lấp chảy lênh láng”, anh Nguyễn Văn Lăng (người dân đội 4, thôn Sơn Đồng) chia sẻ.

“Luồng gió Tây Bắc thổi về Đông Nam nhà tôi, khiến nhà tôi hứng chịu tất. Buổi trưa, ăn cơm cả nhà phải đóng cửa, khi ngủ thì mùi không chịu được”, ông Tống Quang Thùy (48 tuổi) cho hay.

tieu-huy-lon-chet-4 4

 Bãi tiêu hủy lợn chết nhà bà Oanh được đổ thêm đất và rắc vôi bột.

Được biết, khu vực người dân phát hiện mùi hôi thối là hai bãi chôn ở sát ao cạn nước tù nhà bà Phạm Thị Oanh. Vị trí chôn được đào bằng tay, không đúng tiêu chuẩn nên gây ô nhiễm.

"Họ chôn lấp là đào bằng tay chứ không phải bằng máy xúc, nên việc tiêu hủy mới không đảm bảo. Chúng tôi thắc mắc rằng không biết chính quyền có văn bản chỉ đạo hay không mà giải quyết như vậy", anh Lăng chia sẻ.

Bức xúc về sự việc trên, người dân thông báo chính quyền xã đến xử lý sự việc, tuy nhiên, đơn vị không đến giải quyết. Sau đó, bà Oanh thuê máy xúc đến lấp thêm đất vào nơi chôn lợn.

Lợn chết 4 ngày không được đưa đi tiêu hủy

Chia sẻ với PV về sự việc trên, bà Phạm Thị Oanh (đội 4, thôn Sơn Đồng) cho hay, gia đình nhà bà chăn nuôi 12 con lợn. Trong số đó, 1 con lợn bị bệnh chết, gia đình bà gọi cơ quan thú y của xã mang đi xét nghiệm thì có kết quả dương tính với dịch tả lợn Châu Phi.

Tuy nhiên, sau đó những con lợn khác của gia đinh bà tiếp tục chết. Bà gọi cho cơ quan chức năng đến di dời và tiêu hủy thì chỉ nhận được sự thờ ơ.

tieu-huy-lon-chet-2

Sau nhiều ngày liên lạc với đơn vị thú y của xã để đưa lợn chết đi tiêu hủy nhưng không được, vào ngày 20/5, bà Oanh buộc phải đưa những con lợn bốc mùi hôi thối ra chôn tại vườn.

“Tôi gọi điện thoại cho ông Nguyễn Văn Tiến – Trưởng trạm thú y của xã đến chuyển những con lợn chết đưa đi tiêu hủy. Tuy nhiên, ông này bảo tôi cứ phủ bạt, bọc lợn chết vào đó, khi nào chết hết thì mang đi một thể”, bà Oanh cho hay.

Sốt ruột vì lợn bệnh chết thối rữa, trong khi đó con gái bà Oanh mới đi ghép thận về, bà không muốn mùi hôi thối, bệnh dịch ảnh hưởng đến con gái nên quyết định tự tiêu hủy đàn lợn.

“Sau 4 ngày, không có đơn vị đến thu gom lợn bệnh đi chôn, tôi báo thôn, xã và họ cùng người đến chôn ở vườn nhà tôi. Tuy nhiên, lãnh đạo xã và lãnh đạo hội nông dân đứng xa vị trí chôn lấp vì sợ mùi hôi thối, chỉ có ban tiêu hủy thực hiện việc chôn lợn”, bà Oanh chia sẻ.

tieu-huy-lon-chet-21 3

Nhiều hộ dân cảm thấy khó chịu về mùi hôi thối tại nơi chôn lợn chết nhà bà Oanh.

Ngày đầu tiên, vào trưa 20/5, nhà bà Oanh chôn 3 con lợn bệnh đã bốc mùi nặng, sau đó vào tối 21/5, 8 con lợn cũng được đưa đi chôn tại vườn nhà. Trước khi chôn, những con lợn bệnh này được đem đi cân để tính giá hỗ trợ gia đình bị thiệt hại.

Là một trong những thành viên ban tiêu hủy lợn chết của xã Tiên Phương, anh Nguyễn Văn Tuyến chia sẻ về việc chôn lợn tại nhà bà Oanh: “Lợn nhà Oanh bốc mùi hôi thối nặng, sau nhiều ngày không được cho đi tiêu hủy. Chúng tôi đào hố chôn sâu khoảng 3m, có phủ bạt, vôi bột. Tuy nhiên đến ngày 22/5, thời tiết nắng nóng thì bốc mùi nặng khiến người dân bức xúc”.

Anh Tuyến cho hay, chi phí cho việc tiêu huỷ là do nhà bà Oanh chịu trách nhiệm. Những người tham gia tiêu hủy cảm thấy ái ngại việc cơ quan chuyên môn không đưa lợn bệnh đi tiêu hủy sớm hơn, để xảy ra tình trạng trên.

Tuy nhiên trái ngược với phản ánh của bà Oanh và người dân, trả lời PV vào ngày 29/5, ông Nguyễn Như Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phương phủ nhận việc cơ quan chuyên môn không mang lợn dịch đi chôn.

"Không có chuyện chúng tôi để lợn chết 4 hôm mới cho đi tiêu hủy, không phải đâu. Giờ tôi đang bận...", ông Vân trả lời ngắn gọn rồi tắt máy.

Theo quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về phòng chống dịch Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, đối với trường hợp một ổ dịch là hộ chăn nuôi, gia trại, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không có dãy chuồng riêng biệt hoặc chợ, điểm buôn bán lợn, sản phẩm lợn, cơ sở giết mổ lợn:

Đối với các địa phương lần đầu tiên phát hiện lợn bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy toàn đàn trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy được áp dụng với đàn lợn bị bệnh có triệu chứng lâm sàng của Dịch tả lợn Châu Phi mà không nhất thiết phải chờ có kết quả xét nghiệm nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng.

Quy cách hố chôn

a) Địa điểm: Hố chôn phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích; nên chọn nơi chôn trong vườn (tốt nhất là vườn cây ăn quả hoặc lấy gỗ).

b) Kích cỡ: Hố chôn phải đủ rộng phù hợp với khối lượng động vật, sản phẩm động vật và chất thải cần chôn. Ví dụ nếu cần chôn 01 tấn động vật thì hố chôn cần có kích thước là sâu 1,5 - 2m × rộng 1,5 - 2m × dài 1,5 - 2m.

Như vậy, đối với trường hợp của nhà bà Oanh, thì phải tiêu hủy trong vòng 24 giờ khi có kết quả xét nghiệm. Hoặc tiêu hủy trong vòng 48 giờ mà không nhất thiết phải có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, bởi vì nơi đây đang là ổ dịch.

Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn