Bị “cò” lừa, thí sinh trượt đại học rạch tay tự tử

Giáo dụcThứ Năm, 14/07/2011 07:08:00 +07:00

(VTC News)- Trong những năm gần đây, tình trạng học sinh tự tử sau khi biết mình trượt ĐH ngày càng tăng là lời cảnh tỉnh cho toàn xã hội khi đặt lên vai các em

(VTC News)- Trong những năm gần đây, tình trạng học sinh tự tử sau khi biết mình trượt ĐH ngày càng tăng. Mỗi câu chuyện khi nhắc lại là nỗi đau của bao gia đình cũng là lời cảnh tỉnh cho toàn xã hội khi đặt lên vai các em những áp lực vô hình.

Chuyện của quá khứ

Tối 1/7/2005, thí sinh Lê Thị Th. sinh năm 1985 quê ở Hà Tĩnh nhảy từ cầu Bến Thủy xuống sông Lam tự vẫn. Đến 8h sáng 3/7, gia đình mới vớt được thi thể Th trên dòng sông Lam. Được biết, trước đây Th từng là học sinh giỏi cấp tỉnh môn lịch sử lớp 11 nhưng hai năm liền (2003-2004) vẫn không thi đậu đại học.

Sau đó không lâu, chiều 2/8/2005, em Trần Duy H, sinh năm 1987, trú tại Nam Định đã thắt cổ tự tử sau khi biết tin mình trượt đại học... Khoảng 17h chiều 2/8, H gọi điện cho mẹ: "Mẹ ơi, con đi đây". Người mẹ tưởng con xin đi chơi với bạn nên lại bảo: "ừ, con đi đi". Về đến nhà lúc 17h15, chỉ 15 phút sau khi Hùng gọi điện, mẹ Hùng ngất đi khi cậu con trai yêu quý ra đi.
Nhiều thí sinh đã không thể vượt lên mặc cảm sau khi không thể đỗ ĐH (Ảnh:Phạm Thịnh) 

Cũng tại Nam Định,12h30 ngày 14/8/2006, Nguyễn Thị Diệu T, sinh năm 1988 đã quyên sinh khi biết tin thi trượt ĐH.
.
Ngày 20/8/2009 tại Yên Khê (Con Cuông, Nghệ An) em Nguyễn Thị V, sinh năm 1991 tự tử bằng lá ngón vì thất vọng trước kết quả dự thi ĐH.
 
Cách đây đúng 1 năm, vào sáng 7/7/2010, nữ sinh H, sinh năm 1992, ở Lâm Đồng đã uống thuốc trừ cỏ vì... không nhận được giấy báo thi đại học. Gần đây nhất, ngày 13/7/2010, em Trịnh Công S, một học sinh giỏi của trường chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) đã uống thuốc rầy tự vẫn bởi một bài thi làm dang dở...
 
“Em dại quá S ơi”, cô giáo chủ nhiệm và nhiều người thân của S thốt lên trong tiếng nấc nghẹn. Nhưng ngày mai, ngày kia, một tuần, một tháng, cùng lắm là vài tháng, khi di ảnh S trên ban thờ bị một lớp khói hương phủ mờ, nỗi đau mất mát sẽ dần nguôi ngoai, hình ảnh của S chỉ còn là hư ảo.

Chuyện buồn của năm nay

Sự việc kể dưới đây xảy ra vào sáng 10/7/2011 tại điểm thi Trường THPT Dân lập Lô-mô-lô-xôp (Hà Nội) của ĐHQG Hà Nội trong môn thi Ngoại ngữ, cũng là môn thi cuối cùng của đợt thi ĐH lần II.

Sau khi bóc đề, tính thời gian làm bài được 15 phút, các giám thị coi thi phát hiện em nữ sinh mang tài liệu và lập biên bản, đình chỉ thi với trường hợp này. Trong khi các giám thị đang lập biên bản, với tâm trạng hoảng loạn, thí sinh này đã chạy ra khỏi phòng thi, định nhảy qua lan can tự tử. Rất may các cán bộ tại đây đã kịp thời ngăn cản hành động của em nữ sinh. Khi được đưa xuống phòng y tế, nữ sinh khóc, hét rất to.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng đi thăm và chữa bệnh cho một bệnh nhân mắc các chứng bệnh về thần kinh (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Trao đổi với VTC News, Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, trưởng phòng T4 (Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Sau kì thi ĐH, mỗi ngày chúng tôi thường phải khám cho hàng chục cháu tuổi đời 17-18, mắc phải các chứng bệnh liên quan đến rối loạn tâm thần”.

Hiện tại bệnh viện vẫn đang điều trị cho nữ sinh T.N ( quê ở Tuyên Quang) mắc các triệu chứng rối loạn thần kinh sau kì thi ĐH khối A. Gia đình T.N cho biết, thầy cô luôn em là một học sinh giỏi, ngoan ngoãn và có khả năng đỗ đại học cao trong lớp.

Năm nay, T.N dự thi khối A vào ĐH Bách Khoa Hà Nội. Tuy nhiên sau khi thi môn Toán, em tỏ ra chán nản, mệt mỏi và khóc rất nhiều. Mẹ em cố gắng gặng hỏi thì được biết trong bài thi em đã làm sai 1 câu hình học. Gương mặt của T.N thẫn thờ, buồn chán vì cho rằng không còn cơ hội đỗ đại học.

Tuy nhiên, gia đình vẫn động viên em tiếp tục tham dự các môn thi còn lại của kỳ thi. Sau khi kết thúc kỳ thi khối A, em càng bộc lộ nhiều dấu hiệu bất ổn về thần kinh. T.N không ăn uống trong nhiều ngày, thậm chí không vệ sinh cá nhân cho dù em đang trong thời kỳ kinh nguyệt. Mẹ em T.N không còn cách nào khác đành đưa em lên viện để nhờ các bác sĩ chăm sóc, điều trị. Hiện nay, sức khỏe của em đã tiến triển rất nhiều so với trước khi vào viện.
Viện sức khỏe tâm thần luôn đón tiếp hàng chục trường hợp đến khám và điều trị các chứng bệnh rối loạn thần kinh sau thi ĐH (Ảnh: Phạm Thịnh) 

Ngoài trường hợp của T.N, bác sĩ Dũng còn cho biết nhiều trường hợp còn chua xót hơn khi đến với Viện sức khỏe tâm thần. Đó là trường hợp của thí sinh H ( 19 tuổi, quê ở Hà Nam) đã cắt tay tự tử vì biết mình không thể đỗ đại học năm nay.

Nhà H rất nghèo, gia đình sống bằng nghề chăn vịt nhưng vẫn lo cho cậu con trai ăn học đầy đủ bằng bạn bằng bè. Ở trong lớp H có học lực trung bình nên em đã tìm đến các cơ sở ôn thi cấp tốc với hi vọng có thể đỗ đại học. Nhận được lời hứa của một số cò “đảm bảo” sẽ lo mọi thứ để H có thể đỗ đại học với số tiền chi chạy lên tới vài chục triệu đồng. Tin lời kẻ gian, H đã về vận động gia đình chạy tiền để đưa cho cò “thu xếp” 1 suất vào ĐH.

Tuy nhiên, sau khi thi xong môn Toán khối A, em H đã vỡ mộng vì không thấy có ai giúp mình làm môn Toán như lời “cò” đã hứa. Nghĩ tới số tiền lớn, cha mẹ ở quê phải gom góp, vay mượn nhưng đã bị lừa mất, khiến H không đành lòng. Ngay trong buổi chiều hôm đó, H đã về phòng trọ, viết di chúc để lại rồi đập bát lấy mảnh sành cắt tay tự tử. Thật may mắn, gia đình đã phát hiện ra H nằm trên giường, bê bết máu đã đưa em đi cấp cứu ngay sau đó.

Đối với bác sĩ Dũng, đó chỉ là một vài trường hợp trong hàng trăm trường hợp vẫn đến Viện để khám và điều trị sau mỗi mùa thi ĐH. Mỗi trường hợp lại là một câu chuyện khác nhau khiến người nghe cũng phải xót xa.

Bài 2: Đi tìm nguyên nhân, thí sinh tự tử sau thi ĐH


Phạm Thịnh

Bạn nghĩ gì về những câu chuyện đau lòng của các sĩ tử sau khi không thể đỗ vào ĐH? Bạn đã từng chứng kiến những người quanh bạn bi quan, làm việc dại dột vì trượt đại học? Vì sao những câu chuyện đau lòng này năm nào cũng xảy ra?

Bình luận
vtcnews.vn