(VTC News) – Nhiều đại gia Việt bị “cộng đồng mạng” chơi xấu như bầu Đức và mỗi người có cách xử lý khác nhau.
Đại gia Việt bị chơi xấu
Ngày 30/5, công ty chứng khoán HVS Việt Nam có đưa ra nhận định về Hoàng Anh Gia Lai, trong đó phân tích rõ về những khó khăn của công ty này. Khoản nợ ngàn tỷ của Hoàng Anh Gia Lai là vấn đề được HVS Việt Nam nhấn mạnh.
Bản phân tích này “gây bão” khi nhiều trang mạng và diễn đàn lấy lại và giật tít theo hướng sử dụng những ngôn từ mạnh như “vỡ nợ”, “phá sản”. Kết quả là cổ phiếu HAG bị nhà đầu tư bán tháo vì lo ngại những “dự báo” xấu kể trên có thể xảy ra.
Ngày 2/6, HVS Việt Nam khẳng định mục tiêu của bản đánh giá này là có hàm ý gợi ý HAG tái cấu trúc các khoản nợ và qua đó tăng thêm niềm tin cho nhà đầu tư. Nhưng theo HVS Việt Nam, một số trang mạng, diễn đàn đã xuyên tạc nhận định của HVS và “cố ý làm xấu hình ảnh của HAG và cả HVS Việt Nam”.
Bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai lại dính tin đồn liên quan đến nợ nần |
Hoàng Anh Gia Lai không phải là “đại gia” duy nhất phải hứng chịu “tai bay vạ gió”. Năm 2013, trên mạng xã hội xôn xao với thông tin ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV bị bắt.
Tin đồn này không chỉ ảnh hưởng đến riêng ngân hàng BIDV. Ngay sau khi có tin đồn, chỉ số VN-Index chốt phiên giao dịch giảm với biên độ lớn nhất từ tháng 8/2012. Giá USD ở thời điểm đó tăng qua ngưỡng 21.000 đồng/1USD và nhiều người cũng đổ xô đi mua vàng miếng.
Một đại gia ngân hàng khác là ông Trầm Bê cũng dính vào vòng lao lý. Năm 2012, sau khi bầu Kiên và ông Lý Xuân Hải bị bắt, dư luận dấy lên tin đồn người bị bắt tiếp theo là ông Trầm Bê.
Trong khi đó, cũng như bầu Đức, ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng lò vôi) bị chơi xấu và mang tiếng xấu nợ nần. Nhiều người cho rằng vợ ông đem tài sản của ông đi thế chấp cho các ngân hàng vay số tiền trên 2.000 tỷ đồng và lợi dụng uy tín của ông để huy động tiền bên ngoài với lãi suất đến 3,4%/tháng. Tin đồn này làm cho cuộc sống của ông rất điên đảo và gây ra bao nhiêu thị phi, tai tiếng,
Muôn kiểu xử lý
Nếu như những lần trước đây Hoàng Anh Gia Lai xử lý sự cố bằng cách nhẹ nhàng là đưa ra bằng chứng phủ nhận tin đồn thì lần này, công ty của bầu Đức có vẻ mạnh tay hơn. Bên cạnh việc chứng minh công ty chưa từng để xảy ra nợ quá hạn và nợ xấu đối với các ngân hàng và chủ nợ, Hoàng Anh Gia Lai còn đề nghị công an xử lý tin đồn “vỡ nợ”.
Bên cạnh đó, bầu Đức đưa ra nhiều con số lạc quan trong các dự án bất động sản, nông nghiệp và không quên nhấn mạnh vào tương lai tươi sáng của công ty. “Tôi khẳng định Hoàng Anh Gia Lai vẫn phát triển bình thường và đang trên đà thu lợi nhuận sau chặng đường tái cơ cấu, chuyển hướng đầu tư” – bầu Đức cho hay.
Ông Dũng lò vôi có cách xử lý tin đồn rất "hoành tráng" |
Trong khi đó, mềm mỏng hơn, để chứng minh mình đang tự do, ông Trầm Bê xuất hiện trong Lễ Ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là cơ hội để ông khẳng định với báo chí tất cả đều là tin thất thiệt.
Đập tan tin đồn theo cách “hoành tráng” phải kể đến đại gia Dũng lò vôi. Sau khi khánh thành Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam văn hiến, vào tháng 9/2008, ông cho tổ chức “lời thề không nợ nần ai”. Trước 2.000 cán bộ công nhân viên, ông thề kể từ thời điểm này công ty không còn nợ nần ai và không bao giờ vay mượn của ai một đồng nào.
Khi vợ dính tin đồn vay 2.000 tỷ đồng, ông treo thưởng 100 tỷ đồng để chứng minh sự trong sạch cho vợ.
Có thể thấy, khi dính tin đồn thất thiệt, các đại gia có nhiều cách xử lý khác nhau. Người mềm mỏng, người cứng rắn. Nhưng dù xử lý thế nào đi chăng nữa thì có một điều không thể phủ nhận chính là các đại gia phải hứng chịu thiệt hại không nhỏ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Thanh Hà
Bình luận