(VTC News) – Cháu D và cháu N được cấp cứu trong tình trạng rất nặng vùng mặt, đầu, tay với nhiều vết thương, các vết thương sâu, da bị xé rách do chó cắn…
Ngày 14/5, các bác sỹ bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết vừa tiếp nhận cấp cứu N.V.D., 9 tuổi (trú tại TP. Đồng Hới) trong tình trạng đa vết thương rất nặng vùng đầu và tay trái.
Sau khi được cấp cứu kịp thời, khâu các vết thương, hiện sức khỏe cháu đã ổn định.
Theo người nhà cháu cho biết, khi cháu tự chơi ở sân nhà, không có người lớn để ý trông coi nên đã bị một con chó tấn công và cắn phải.
Cháu T bị tổn thương rất nặng vùng mặt do bị chó cắn |
Trước đó, bệnh viện cũng đã phẫu thuật cấp cứu cháu N.N.A.T., (2 tuổi, trú TP.Đồng Hới). Cháu T được cấp cứu với các vết thương rất nặng vùng mặt, đặc biệt vết thương ở má phải rất rộng và sâu, da bị xé rách do bị một con chó cắn phải khi cháu sang nhà hàng xóm chơi.
Quá đau đớn và hoảng sợ, cháu đã ngất lịm sau đó.
Mùa hè, trẻ nhập viện do bị chó cắn tăng cao
Theo các bác sỹ khoa Cấp cứu cho biết, bước vào mùa hè thì số bệnh nhân nhập viện do chó cắn, thường là trẻ nhỏ, có xu hướng cao hơn so với các mùa khác trong năm.
Nguyên nhân là mùa hè tiết trời nắng nóng nên tỷ lệ chó bị bệnh dại tăng. Mặt khác đây cũng là thời điểm học sinh, trẻ nhỏ được nghỉ hè và ở nhà cùng bố mẹ. Trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, người lớn chủ quan để các cháu tự vui chơi, không để ý trông coi, trẻ lại chưa ý thức được nguy hiểm và không tự đối phó khi bị chó tấn công hoặc dễ bị các tai nạn thương tích khác.
Khi trẻ bị chó cắn thì hậu quả về sức khoẻ, tinh thần và thẩm mỹ do vết cắn của chó để lại thì vô cùng nặng nề bởi vết thương do chó cắn thường làm da bị xé rách nên dễ nhiễm các loại tạp khuẩn, đặc biệt là virus bệnh dại từ nước bọt và virus uốn ván từ móng của con chó.
Sự nguy hiểm và cách xử trí khi bị chó cắn
Các bác sỹ cho biết, những trường hợp bị chó cắn thường là trẻ em, vị trí bị tổn thương thường là vùng mặt nên rất nguy hiểm cho trẻ.
Ngoài sự nguy hại về vị trí tổn thương, một điều đáng lo ngại nữa là bệnh dại. Nhiều trường hợp đau lòng đã tử vong do thiếu hiểu biết trong phòng ngừa và điều trị sau khi trẻ bị chó cắn.
Theo lời khuyên của các bác sỹ, khi bị chó cắn thì ngoài việc xử lý vết thương cần phải đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh dại.
Khi bị chó cắn, phải rửa sạch vết thương nhiều lần bằng xà phòng, tốt nhất dưới vòi nước mạnh ít nhất 5 phút rồi sát trùng vết thương bằng dung dịch cồn 70% hoặc dung dịch iốt, mục đích là làm giảm tối thiểu lượng virus có thể xâm nhập vào vị trí cắn, rồi sau đó nhanh chóng đem trẻ đến bệnh viện cấp cứu kịp thời và tiêm phòng bệnh dại.
Ngoài ra, sau khi bị chó cắn cần tiêm phòng cả bệnh uốn ván khi tiêm phòng bệnh dại.
Thời gian ủ bệnh của bệnh dại trung bình từ 10 ngày đến 2 năm tùy theo vị trí vết thương khi bị cắn. Nếu vị trí cắn ở chân thì ủ bệnh rất lâu, còn ở đầu hay mặt thì thời gian ủ bệnh rất ngắn.
Ngoài ra, khi bị các động vật khác như mèo, chuột, khỉ, thỏ... cắn thì cách sơ cứu ban đầu và xử trí cũng như khi bị chó cắn nhằm bảo đảm an toàn, giảm thiểu tối đa nguồn virus gây bệnh vào cơ thể.
Tâm Huyền
Bình luận