Lang thang trên mấy hội kín facebook dành cho các mẹ bỉm sữa, tôi bắt gặp một bài đăng với hình ảnh đứa trẻ ngồi trên chiếc xe tập đi đặt ngay trước cửa nhà vệ sinh, đôi mắt con vẫn còn ngấn nước. Người mẹ ấy chia sẻ, đến đi vệ sinh cũng phải dắt con theo, chỉ nhác không thấy bóng mẹ là con gào khóc không ai dỗ được.
Bên dưới bài đăng đó, có đến hàng chục mẹ comment đồng cảnh ngộ. Lúc đó tôi cũng thấy thương cảm cho các mẹ, cùng cảnh nuôi con, dĩ nhiên tôi hiểu nỗi vất vả ấy. Thế nhưng tôi thấy thương những đứa trẻ đó hơn. Không phải tự nhiên sinh ra con đã “bện hơi” mẹ đến thế. Con như vậy cũng đều tại mẹ mà ra.
Rất nhiều bà mẹ “cuồng” con tới độ ôm ấp bất kể ngày đêm, con thức dậy là ôm, con khóc cũng ôm, con bú mẹ cũng ôm, thậm chí ôm con ngủ nguyên cả đêm cho đến sáng, không nỡ rời tay một phút nào. Cũng chính vì thế con mới quen hơi mẹ, dần dần trở nên “nghiện” việc được mẹ ôm ấp, mà nhất định phải là mẹ chứ không thể là ai khác. Chúng ta vẫn gọi hội chứng ấy là “bện hơi mẹ”.
Để rồi sau đó là biết bao nhiêu hệ lụy, nhưng mẹ vẫn cứ tưởng rằng được ôm ấp nhiều là con may mắn, con hạnh phúc hơn những đứa trẻ khác. Tôi thì không cho là vậy. Được ôm quá nhiều sẽ khiến con trở nên phụ thuộc vào mẹ. Con không thể rời vòng tay mẹ dù chỉ một phút. Thế nên mẹ phải “đánh vật” với con bất kể mọi nơi, mọi lúc, dù đang ăn, ngủ, đứng, ngồi hay cả đi vệ sinh. Nếu may mắn có người phụ giúp công việc nhà thì đỡ hơn một chút. Nhưng nếu mẹ chỉ có một mình thì quả thực quá sức vất vả.
Thế nhưng nỗi vất vả của mẹ cũng không là gì với nỗi khổ của con. Chỉ vì bện hơi mẹ, con đâm sợ hãi với tất cả mọi thứ, con xa lạ với tất cả mọi người. Chỉ không nhác thấy mẹ đâu là con òa khóc, bởi con quá sợ hãi. Con cũng không thể tự cân bằng cảm xúc của bản thân.
Lớn lên con sẽ rất khó có thể tự lập và hòa đồng với người khác. Một đứa trẻ đã quá quen với vòng tay mẹ, được chăm bẵm đến từng li từng tí thì sao có thể trưởng thành? Nếu chỉ ở nhà nội trợ mẹ có thể tiếp tục ôm con cho đến khi bé thật lớn. Nhưng với những mẹ phải đi làm thì sao? Bạn đâu thể ở nhà với con cả ngày để dỗ dành bé.
Video: Kỳ lạ - Em bé vừa chào đời đã mọc răng cửa
Đến khi mẹ buộc phải rời con để quay lại guồng quay của cơm áo, con sẽ ra sao? Chắc chắn đứa trẻ ấy sẽ phải trải qua cơn khủng hoảng vô cùng lớn, khi đột nhiên không còn hơi ấm của mẹ. Thậm chí, nhiều đứa trẻ phải tập làm quen với một người hoàn toàn xa lạ, đó là những bảo mẫu hay người giúp việc. Con sẽ khóc đến lạc cả tiếng, sẽ sợ hãi đến mức độ nào khi phải chịu đựng cú sốc ấy? Những khi ôm con trong lòng, mẹ có hay chăng nghĩ đến cảnh rồi cũng đến ngày con phải rời vòng tay mẹ?
Con càng “bện hơi” mẹ thì càng bị sốc khi đột ngột phải xa mẹ. Tôi thấy nhiều bà mẹ trước khi trở lại đi làm, càng cố ôm con thật nhiều như một sự bù đắp. Nhưng mẹ ơi, mẹ có biết như vậy là vô tình khiến sự tổn thương của con càng thêm lớn?
Xa mẹ rồi con sẽ mất một khoảng thời gian dài để làm quen với sự chăm sóc khác, con sẽ khóc thật nhiều, sẽ bỏ ăn, bỏ ngủ và rồi chắc chắn con sẽ ốm. Dẫu biết rằng thời gian qua đi, rồi con cũng sẽ quen được với điều đó. Nhưng chỉ nghĩ đến việc con còn bé tí tẹo đã phải chịu đựng cú sốc như vậy, tôi không đành lòng.
Tôi cũng từng sinh con, tôi biết cảm giác hạnh phúc đến nỗi chỉ muốn gắn chặt con bên mình, không rời nửa bước. Nhưng tôi cũng biết rằng mình chỉ có 6 tháng bên con rồi lại phải trở về với công việc. Thế nên tôi luôn tự kiềm chế mình, tôi chỉ ôm con những khi cần thiết.
Tôi dùng cách khác để thể hiện tình yêu của mình và tôi biết con sẽ cảm nhận được tình yêu của tôi. Không ôm con nhiều nhưng tôi để con được bú mẹ hoàn toàn, vì tôi tin sữa mẹ chính là sợi dây thần kỳ gắn kết mẹ với con. Tôi cũng có khi ngồi hàng giờ bên nôi của con để tỉ tê, trò chuyện. Chỉ khác là tôi không hề ôm con vào lòng.
Tôi sẽ chỉ ôm khi con khóc, ôm khi con cho bú và ôm khi con ốm mà thôi. Tôi cũng để con được làm quen với sự chăm sóc của ông bà, những người mà tôi sẽ gửi gắm con trong suốt những ngày mẹ phải đi làm. Cũng nhờ vậy con tôi không hề “bện hơi” mẹ, con ngoan ngoãn, vẫn ăn uống, ngủ nghỉ tốt dù mẹ đi làm. Tối đến mỗi khi thấy mẹ trở về ánh mắt con lại long lanh, miệng cười hớn hở đón mẹ.
Tôi chắc chắn một điều rằng, dù không ôm con vẫn có nhiều cách để mẹ thể hiện tình yêu. Nếu thực sự thương con, xin mẹ đừng ôm ấp quá nhiều. Bởi điều đó chỉ khiến con gặp nhiều khó khăn hơn mà thôi.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)
Bình luận