• Zalo

Bị cáo trong vụ xả súng 16 người thương vong ở Đắk Nông khai gì?

Pháp luậtThứ Ba, 02/01/2018 19:51:00 +07:00Google News

Nguyên phó giám đốc Công ty Long Sơn khai do ở nước ngoài nhiều năm nên không nắm rõ luật cưỡng chế nên có hành vi tự ý hủy hoại tài sản của người dân.

Chiều 2/1, TAND tỉnh Đắk Nông tiếp tục xét xử vụ nổ súng tranh chấp đất khiến 16 người thương vong ở Đắk Nông.

Tại phần xét hỏi của VKSND tỉnh, ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu - nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH TM-ĐT Long Sơn (Công ty Long Sơn) trả lời quanh co các câu hỏi của đại diện Viện KSND.

Bị cáo Sửu cho biết, ngày 15/10/2016, đích thân ông chỉ đạo cho người của mình chuẩn bị máy ủi, máy cày, áo giáp, lá chắn… ủi cà phê, điều của một số gia đình.

4 ngày sau đó, Sửu đã có buổi làm việc với Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Đắk Nông liên quan đến diện tích đất đang tranh chấp tại tiểu khu 1535.

"Chi cục Kiểm Lâm tỉnh cho biết sẽ xem xét lại toàn bộ diện tích đất đã cho Công ty Long Sơn thuê, đồng thời yêu cầu phía người dân cũng như công ty tạm dừng mọi hoạt động trên diện tích này", bị cáo Sửu khai.

no-sung

Nguyên Giám đốc công ty Long Sơn tại phiên tòa. 

Với câu hỏi: "Tại sao bị cáo đã được cơ quan chức năng thông báo như vậy mà đến ngày 23/10 vẫn tiếp tục cho người phá cây trồng của dân?" của VKSND tỉnh, bị cáo Sửu trả lời: "Do cơ quan chức năng chưa có xác định cụ thể diện tích nào không được tác động".

Bị cáo Sửu trả lời quanh co các câu hỏi của VKSND và cho rằng do ở sống ở nước ngoài nhiều năm nên không hiểu việc cưỡng chế, giải tỏa là như thế nào.

Ngoài ra, bị cáo Sửu thừa nhận có nhận được các văn bản của tỉnh về việc bồi thường, hỗ trợ cây trồng cho người dân trước khi thực hiện dự án. 

26609962_908907465939034_11436707_o

Bị cáo Hiến tại phiên tòa.

Trước đó, ông Ngô Xuân Lộc - Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp có tranh chấp với dân giữ nguyên hiện trạng, chờ cơ quan chức năng xử lý để đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Theo đó, ông Lộc khẳng định, văn bản ban hành có trước khi xảy ra vụ việc tranh chấp đất khiến 16 người thương vong. 

Báo cáo ngày 24/10/2016 của UBND huyện Tuy Đức cho biết, qua xác minh, có 501,7/1.079ha đất giao cho Công ty Long Sơn thuê đã bị 147 hộ dân lấn chiếm.

Trong đó có 434,8ha điều, 46,7ha cà phê, 29,3ha cao su và 3,3ha tiêu. Riêng diện tích cây điều, huyện xác định có 328,86 ha được trồng trước năm 2008 (trước thời điểm UBND tỉnh quyết định cho Công ty Long Sơn thuê đất, rừng).

Ngoài ra, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty Long Sơn phải thỏa thuận bồi thường số cây trồng trên diện tích này. Tuy nhiên đến thời điểm ngày 24.10.2016, Công ty Long Sơn chỉ mới thỏa thuận trả tiền cho dân được 7,9 ha.

Như VTC News đưa tin, sáng 2/1, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã đưa ra xét xử các bị can liên quan trong vụ nổ súng tranh chấp đất bắn chết 3 người, 13 người bị thương ở tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức.

6 bị cáo bị truy tố 3 nhóm tội danh gồm giết người, che giấu tội phạm và hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

3 bị cáo bị truy tố tội danh giết người gồm: Đặng Văn Hiến (SN 1976, trú xã Quảng Trực), bị cáo Hà Văn Trường (SN 1985, người làm công cho bị cáo Hiến) và bị cáo Ninh Viết Bình (SN 1982, trú xã Quảng Trực). Còn bị cáo Đoàn Văn Diện (SN 1980, trú huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) bị truy tố tội che giấu tội phạm.

Ngoài ra, 2 bị cáo là: Nghiêm Xuân Thiên Sửu (SN 1962, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư Long Sơn) và Phạm Công Thiện (SN 1977, trưởng quản lý công ty) bị truy tố tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Trước đó, năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông đã cho Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư Long Sơn (gọi tắt là Công ty Long Sơn) thuê 1.079 ha đất rừng tại tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực) để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp.

img_20161024_134725-1648-1414 3

Lực lượng cơ quan chức năng tại nhà ông Hiến - Ảnh: Hải Danh  

Quá trình thực hiện dự án, một số hộ dân thâm canh trồng điều, cà phê, cao su, sau đó bán cho các hộ dân khác.

Ngày 15/10/2016, ông Sửu gọi ông Thiện cùng các tổ trưởng bảo vệ họp bàn bạc, chuẩn bị máy cày, xe ủi, áo giáp, lá chắn, gậy… để san ủi vườn cây do gia đình ông Hiến và ông Hoàng Văn Thắng trồng.

Khoảng 6h ngày 23/10/2016, ông Sửu và ông Thiện chỉ đạo Lê Phi Thông, Dương Văn Tiến mỗi người điều khiển một xe ủi, anh Lê Thanh Phong lái xe máy cày, chở theo 30 nhân viên công ty Long Sơn đến khu vực rẫy của gia đình ông Thắng, phá hơn 330 cây trồng các loại của một số gia đình.

Phát hiện khoảng 10 nhân viên của công ty Long Sơn tiến về phía nhà mình, ông Hiến đã mang súng ra chặn. Khi hai bên cách nhau khoảng 5m, ông Hiến bắn một phát. Thấy nhóm công nhân dùng đá ném liên tiếp về phía mình, ông Hiến bắn liên tục nhiều phát súng vào đám đông.

26234275_1760378773981604_502172338_n 4

Rất nhiều người dân đến dự phiên tòa. 

Vụ nổ súng khiến các anh Điểu Vinh, Điểu Tào và Dương Văn Tiến chết tại chỗ, 13 người khác bị thương.

Cũng theo cáo trạng, tổng cộng có 287 cây điều, 45 cây cà phê của gia đình ông Hiến, ông Thắng và ông Cao bị san ủi, hủy hoại. Cây trồng bị san ủi có tuổi đời từ khoảng 7-11 năm tuổi. Tổng giá trị tài sản thiệt hại hơn 73 triệu đồng.

Sau khi gây án, ông Hiến và ông Trường bỏ trốn đến nhà ông Trần Văn Lập (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Nghe ông Hiến kể về vụ việc, ông Lập khuyên ông Hiến ra đầu thú. Ông Hiến nhờ ông Diện cầm sim điện thoại của mình đi ra khu vực ngã ba Minh Hưng (huyện Bù Đăng) lắp vào máy gọi điện cho tổng đài để cơ quan công an không truy tìm ở khu vực này rồi tìm cách ra đầu thú.

Đến 17h15 phút chiều 2/1, phiên tòa xét xử 6 bị cáo trong vụ bắn chết 3 người, 13 người bị thương ở tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) tạm dừng. 

THANH HẢI
Bình luận
vtcnews.vn