Sáng 11/4, TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phiên toà hình sự phúc thẩm xét xử bị cáo Châu Thị Thu Nga, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà đất (Housing Group) và đồng phạm trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt gần 380 tỷ đồng từ dự án B5 Cầu Diễn, Hà Nội.
Quá trình thẩm vấn, bị cáo Nga cho rằng, việc doanh nghiệp của bị cáo lập website giới thiệu dự án là hoàn toàn khách quan, đây là trang thông tin điện tử phản ánh toàn bộ hoạt động Housing Group và việc công ty quảng cáo là đúng sự thật, mục đích đưa là giới thiệu dự án lên trang web.
Về việc dự án chưa được phê duyệt quy hoạch điều chỉnh, theo bị cáo Nga trình bày, dự án đã qua 3 vòng quy hoạch nhưng chưa được phê duyệt chính thức.
Và công ty đã nhiều lần trình Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố nhưng sở này đưa ra nhiều lý khiến việc phê duyệt bị chậm so với dự tính của Housing Group.
Lý giải về hành vi khoan cọc nhồi thí điểm và đại trà trước khi có quyết định của cơ quan thẩm quyền, bị cáo Nga cho rằng, việc quy kết khách hàng ký hợp đồng góp vốn vì nhìn thấy cọc khoan nhồi là không chính xác. Bởi khi khách hàng ký hợp đồng thực hiện tại trụ sở Housing Group trên đường Láng-Hòa Lạc, còn điểm thi công tại thị trấn Cầu Diễn (2 địa điểm này ở xa nhau).
Bị cáo Nga lý giải thêm, dự án đã giải phóng xong mặt bằng nên bị cáo cho thi công cọc khoan nhồi chỉ để đẩy nhanh tiến độ dự án nhằm tiết kiệm chi phí. Nếu bị cáo sai thì cũng chỉ ở mức độ xử phạt hành chính.
“Bị cáo tin tưởng là dự án sẽ được phê duyệt, khi khách hàng góp vốn thì công ty trả lãi 0,6% một tháng và khách hàng được quyền mua nhà. Khách hàng cho vay và công ty đã trả lãi. Khi khách hàng cho vay, công ty cung cấp hồ sơ pháp lý đầy đủ cho khách hàng, trong đó quy hoạch điều chỉnh đang chờ phê duyệt.
Khi tiến độ dự án bị chậm, công ty thường xuyên có văn bản thông báo tới khách hành, nhưng do thời gian kéo dài nên có khách hàng đã khởi kiện. Tới nay, khách hàng vẫn yêu cầu trả nhà chứ không đòi tiền. Do đó bị cáo đã có giấy ủy quyền, giao toàn quyền giải quyết vụ việc này cho HĐQT mới của Housing Group”, bị cáo Nga nói.
Dù giải thích như vậy, tuy nhiên bị cáo Nga cũng thừa nhận có vi phạm về trình tự huy động vốn khi chưa có giấy phép xây dựng, danh sách huy động vốn chưa thông qua cơ quan thẩm quyền của thành phố Hà Nội.
Theo bị cáo Nga, khi Housing Group hoàn chỉnh văn bản theo đúng quy định và báo cáo với các sở, ngành hữu quan nhưng không có cơ quan nào nói việc này là sai hoặc có nhắc nhở gì.
“Bị cáo nhận thấy bị cáo là người có tội nhưng không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Còn tội gì thì mong Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét. Bản thân bị cáo và Housing Group có đối tác để có thể tiếp tục dự án và trả nhà cho khách hàng. Bị cáo đề nghị Toà phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ những nội dung bị cáo đã kháng cáo”, bị cáo Nga kết thúc trình bày của mình.
Một chi tiết đáng chú ý là trong bản kháng cáo dài gần 100 trang và tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Nga đã thay đổi lời khai về việc bỏ ra số tiền 30 tỷ đồng để “chạy” đại biểu Quốc hội.
Trước đó trong quá trình điều tra, bị cáo Nga khai, có quen một nam doanh nhân kinh doanh vàng bạc tại Hà Nội. Do biết doanh nhân này có quan hệ rộng nên bị cáo đã nhờ doanh nhân này “chạy” ứng cử đại biểu Quốc hội. Từ đó, bị cáo đã nhiều lần đưa tiền cho doanh nhân này nhờ giúp việc, có lần đưa 100.000 USD, có lần đưa 200.000 USD. Việc đưa tiền chỉ có hai người biết và không viết giấy tờ gì.
Trong đơn kháng cáo, bị cáo Nga thay đổi lời khai rằng, bị cáo và doanh nhân kinh doanh vàng quen nhau từ năm 2007, cùng sinh hoạt trong Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội.
Khi biết công ty của bị cáo hoạt động xây dựng nên doanh nhân này nhờ bị cáo xây dựng căn nhà ở khu vực Mỹ Đình vào đầu năm 2013. Nhưng do tiến độ xây dựng không đảm bảo nên hai bên thanh lý hợp đồng.
Quá trình quan hệ làm ăn, doanh nhân đã chuyển cho công ty của bị cáo số tiền hơn 5,9 tỷ đồng. Sau khi cân đối, công ty của bị cáo còn nợ doanh nhân này 3,2 tỷ đồng. Sau này doanh nhân này nhiều lần gọi điện thoại đến công ty và nhà riêng của bị cáo để đòi số tiền 3,2 tỷ đồng và có những lời lẽ xúc phạm khiến bị cáo rất ức chế.
Trình bày tại phiên xử phúc thẩm về vấn đề này, bị cáo Nga cho biết, do thời điểm đó bị cáo phải làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra nên tinh thần không được ổn định, đồng thời kèm theo ức chế về công việc nên bị cáo đã khai như vậy.
Thực tế thì bị cáo không quen biết ai và cũng chẳng nhờ ai “chạy” đại biểu Quốc hội.
Video: Cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga bị tuyên án chung thân
Bình luận