Năng lực đáng sợ của Ngưu Ma Vương
Trong tập Ba lần lấy quạt Ba tiêu, thầy trò Đường Tăng đến dãy núi Hỏa Diệm Sơn. Ngọn núi này quanh năm bốc lửa, nước bình thường không thể dập tắt được, bèn nghĩ tới cách mượn quạt Ba Tiêu của Thiết Phiến Công chúa.
Trước đó, Ngộ Không đã bị Hồng Hài Nhi - con trai của Thiết Phiến lừa bắt sư phụ. Không những vậy, Hồng Hài Nhi còn dùng Tam Muội Chân Hỏa thiêu Ngộ Không suýt mất mạng, phải nhờ tới sự trợ giúp của Quan Âm Bồ Tát mới hàng phục được.
Sự việc này bắt đầu gieo mầm ân oán giữa Ngộ Không và vợ chồng Ngưu Ma Vương.
Thiết Phiến Công Chúa căm hận Ngộ Không nên chẳng những không cho mượn mà còn thổi Ngộ Không bay tới tận thiền viện của Linh Cát Bồ Tát.
Ngộ Không dùng Định Phong Châu mượn của Linh Cát Bồ Tát tránh được sức mạnh quạt Ba Tiêu nên dùng mọi quỷ kế đa đoan đoạt lấy chiếc quạt ấy từ tay Thiết Phiến.
Ngưu Ma Vương thấy vợ bị làm nhục nên quyết một phen sống mái với Ngộ Không. Đây là ngọn nguồn của trận chiến hao tâm tổn lực nhất Tây du ký, cần sự góp sức của cả Tam giới mới ngăn cản được.
Ngưu Ma Vương không những sở hữu thực lực cường đại mà còn có sức mạnh đáng gờm. Ngộ Không liên thủ cùng Trư Bát Giới, Thổ Địa dẫn âm binh bao vây cũng không thể khống chế con trâu này.
Phải đến khi Phật Tổ phái Bát Đại Kim Cương, Ngọc Hoàng cử thiên binh thiên tướng tới giúp sức, các bên hợp lực tạo thành thiên la địa võng mới trấn áp nổi.
Trong Tây du ký, Tôn Ngộ Không là một nhân vật thần thông quảng đại, ngoại trừ Phật Tổ Như Lai và chư vị Bồ Tát pháp lực vô biên, những vị thần tiên hay yêu quái có thể đối đầu với Ngộ Không chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Vài cái tên có thể kể đến trong cõi Tam giới là Nhị Lang Thần (cháu của Ngọc Hoàng), đại bàng Kim Sí Điểu (cậu của Phật Tổ Như Lai), Cửu Linh Nguyên Thánh (Thần thú của Thái Ất Cứu Khổ Thiên Tôn) và cha con Ngưu Ma Vương.
Có thể thấy hầu hết những cái tên ấy đều thuộc dòng dõi chư tiên, nhưng cha con Ngưu Ma Vương với lai lịch bí hiểm lại lọt vào danh sách này.
Lai lịch bí ẩn của Ngưu Ma Vương
Trước khi Tôn Ngộ Không đại náo Thiên Cung đã cùng Ngưu Ma Vương kết nghĩa huynh đệ với sáu con yêu tinh khác, Ngưu Ma Vương làm đại ca hiệu xưng là Bình Thiên Đại Thánh.
Bản thể y là một con khuê ngưu có thân hình to lớn, mình mặc áo giáp, tay cầm đinh ba và sở hữu pháp lực cao cường. Ngoài ra Ngưu Ma Vương cũng tu luyện 72 phép biến hóa thần thông như Tôn Ngộ Không.
Phép thuật chính đạo trong Tam giới gồm 36 phép thiên cang và 72 phép địa sát, phải khổ công rèn luyện và có tiên nhân đắc đạo chỉ điểm mới tu luyện được.
Từ thuở hỗn mang, chỉ những đấng sáng tạo như Hồng Quân lão tổ cùng với 3 người học trò mới biết đủ 108 phép thiên cang địa sát.
Tôn Ngộ Không luyện được 72 phép địa sát nhờ vào thiên phú và sự chỉ điểm của Bồ Đề Tổ Sư, Nhị Lang Thần là vãn bối của Nguyên Thủy Thiên Tôn. Vậy nhờ đâu Ngưu Ma Vương lại có thể luyện thành 72 phép?
Có một giả thuyết về thân thế của Ngưu Ma Vương được khán giả Trung Quốc tin tưởng: Ngưu ma Vương là thú cưỡi của Thông Thiên giáo chủ.
Linh Bảo Thiên Tôn tức Thông Thiên Giáo chủ là một trong 3 vị học trò của Hồng Quân lão tổ. Ngài có pháp lực vô biên, tay cầm tru tiên tứ kiếm, mình cưỡi khuê ngưu.
Sau khi thất bại trước hai vị sư huynh, ông được sư phụ đưa về cung Tử Tiêu nhưng con khuê ngưu bị thất lạc. Con khuê ngưu ấy là Ngưu Ma Vương, trốn xuống trần gian làm yêu ma.
Suốt một thời gian dài đi theo phò tá Thông Thiên Giáo chủ, Ngưu Ma Vương nghe ông giảng đạo nên đã lĩnh ngộ được 72 phép thần thông quảng đại. Khi xuống trần, y tu thành chính quả sau đó cưới Thiết Phiến Công Chúa, một nữ nhân mang dòng dõi thần tiên.
Chính bởi xuất thân có phần cao quý như thế nên mặc dù một con yêu quái như Ngưu Ma Vương dám phá lệ trời cưới tiên nhân, không những không bị trời trừng phạt mà còn một lần được mời lên dự tiệc bàn đào.
Vì vậy, đây là một trong những giả thuyết chính xác nhất lý giải về xuất thân của Ngưu Ma Vương.
Bình luận