• Zalo

'Bí ẩn' số phận loạt phim tiền tỷ mừng Đại lễ

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 29/10/2011 06:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Khi Đại lễ đã qua, số phận của những bộ phim tiền chục tỷ này cũng “ba chìm bảy nổi”, thậm chí bị lãng quên.

(VTC News) - Rất nhiều dự án phim “dán mác” chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long được các đơn vị tư nhân cũng như nhà nước hồ hởi bắt tay vào làm trước và trong thời điểm năm 2010. Nhưng khi Đại lễ đã qua, số phận của những bộ phim tiền chục tỷ này cũng “ba chìm bảy nổi”, thậm chí bị lãng quên, khi đến giờ người ta không còn biết chúng đã đi đâu về đâu...

Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long ngay khi “tung” ra trailer quảng cáo phim đã bị phản đối dữ dội. Dư luận cho rằng, đây là một bộ phim Trung Quốc nói tiếng Việt. 

Đình đám nhất trong số các dự án phim mừng đại lễ là các phim: Trần Thủ Độ, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long, Huyền sử thiên đô... Người ta những tưởng sau Đại lễ, chúng ta sẽ có được một mốc son chói lọi cho lĩnh vực sản xuất phim lịch sử ở Việt Nam. Nhưng...!

Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long với 19 tập phim (số tiền tiêu tốn được công bố là hơn 100 tỷ) do Trường Thành Media đứng ra sản xuất. Với cái tâm hướng đến tổ tiên, với mong muốn có được bộ phim lịch sử thật hoàng tráng, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long “bê” cả ê-kíp sang Trung Quốc sản xuất. Quay tại trường quay Hoành Điếm, do đạo diễn Trung Quốc chỉ huy, biên kịch Trung Quốc chỉnh sửa kịch bản, thợ may Trung Quốc may trang phuc..., Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long ngay khi “tung” ra trailer quảng cáo phim đã bị phản đối dữ dội. Dư luận cho rằng, đây là một bộ phim Trung Quốc nói tiếng Việt.

Bộ phim không được phát sóng dịp đại lễ như dự kiến vì dư luận tranh cãi gay gắt, số đông công chúng không chấp nhận một bộ phim lịch sử Việt bị “Trung Quốc hóa” lên sóng. Sau khi đã chỉnh sửa lại những cảnh bị cho là không phù hợp theo hội đồng duyệt phim (đây cũng là bộ phim truyền hình đầu tiên phải thành lập hội đồng duyệt cấp Bộ), bộ phim cũng vẫn nhận được khuyến cáo “không nên chiếu vào dịp Đại lễ”.

Sau đó, khi Đại lễ đã qua, những tưởng Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long sẽ được lên sóng theo kế hoạch đã định vào ngày 30/6/2011.

Số phận của Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long là nỗi ám ảnh cho đơn vị sản xuất, Trường Thành Media, khi không biết đến ngày nào phim mới được lên sóng. 

Nhưng bất ngờ ngày 9/6, phía VTV đưa ra quyết định hủy kế hoạch phát sóng phim này. VTV sẽ cân nhắc để đưa bộ phim lên sóng vào thời điểm thích hợp.

Chuyện lạ là chưa có phim nào ở Việt Nam gặp phải cảnh, chưa trình chiếu đã bị “đánh đòn phủ đầu” như Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long. Số phận của bộ phim này là nỗi ám ảnh cho đơn vị sản xuất, Trường Thành Media, khi không biết đến ngày nào phim mới được lên sóng. Và chắc gì đã được lên sóng trước sức ép (mà nhiều khi cũng chỉ là những phỏng đoán theo một vài ý kiến) của dư luận về chuyện phim giống Trung Quốc hay Việt Nam.

Có số phận bớt hẩm hiu hơn là Huyền sử thiên đô. Ngày 21/4/2011 bộ phim này là phim truyền hình duy nhất được làm hướng đến Đại lễ được phép lên sóng VTV3. Thế những chuyện cũng chẳng dễ ăn như người ta tưởng.  Khi đang chiếu đến tập 20 trong tổng số 42 tập đã sản xuất của 70 tập phim trên kịch bản thì có tin VTV cắt sóng Huyền sử thiên đô để chiếu Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long. Nhưng trước sự lên án gay gắt của báo chí, Huyền sử thiên đô tiếp tục được chiếu cho đến tập 42 và chia tay khán giả vào ngày 9/9/2011.

Số phận của 30 tập kịch bản tiếp theo (tương đương khoảng 35 tập phim) hiện vẫn nằm trên bàn. Nhưng cứ nhìn sẽ thấy chúng chẳng có tương lai, khi phim đã không nhận được sự mặn mà của phía nhà đài mà cũng chẳng mang về được lợi nhuận cho nhà sản xuất.

Cái kết của Huyền sử thiên đô cũng là cái kết có hậu nhất trong số những phim “bom tấn” mừng Đại lễ trên. Chí ít thì phim này cũng đã được lên sóng hết số tập nó đã sản xuất.  

Huyền sử thiên đô là một trong những phim được sản xuất nhân đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cũng là một trong số phim có đề tài lịch sử do tư nhân bỏ vốn thực hiện. Đó là điều đáng trân trọng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như lúc này, dịp đại lễ cũng đã qua, việc chờ kinh phí nhà nước, kêu gọi vốn từ nhà hảo tâm nào đó góp 15-20 tỉ đồng tiếp tục làm phim rõ ràng là điều không tưởng. "Những câu chuyện quanh việc làm phim, được phép chiếu trên VTV, rồi việc kêu gọi vốn để làm tiếp phần II Huyền sử thiên đô, rõ ràng cũng là một ví dụ cho thấy phần nào thực trạng phim ảnh nước nhà... - Đạo diễn Tất Bình, đại diện đơn vị làm phim này theo đặt hàng của Công ty Sao Thế Giới, ngao ngán nói.

Cái kết của Huyền sử thiên đô cũng là cái kết có hậu nhất trong số những phim “bom tấn” mừng Đại lễ. Chí ít thì phim này cũng đã được lên sóng hết số tập nó đã sản xuất.

Phim Thái sư Trần Thủ Độ đã thực hiện xong còn việc chiếu ở đâu, bao giờ chiếu thì đạo diễn cũng không nắm rõ.

Bộ phim được cho là ít bị nhắc đến nhất, Thái sưTrần Thủ Độ. Từng lấy tên Trần Thủ Ðộ và người tình, 33 tập phim (kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn: Ðào Duy Phúc) là câu chuyện xảy ra từ biến động náo loạn Thăng Long năm 1210 đến thời kỳ gia đình Trần Lý (gồm hai con Trần Thừa, Trần Tự Khánh và cháu ruột là Trần Thủ Ðộ) cùng Tô Trung Từ phò thái tử Sảm chiếm lại Thăng Long, giúp thái tử Sảm lên ngôi vua lấy hiệu Lý Huệ Tông (1211-1225). Thời gian diễn biến câu chuyện này, theo ghi nhận trong chính sử, có các nhân vật chính như: Trần Thủ Ðộ, Trần Thị Dung, Trần Thừa, Trần Tự Khánh, thái tử Sảm, Ðoàn Thượng...

Phía đơn vị sản xuất, Hãng phim truyện I, khẳng định là đã làm xong và giao cho đơn vị đặt hàng, UBND Thành phố Hà Nội (mà trực tiếp là Ban chỉ đạo kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, nay đã giải tán). Còn: chiếu ở đâu, bao giờ chiếu... việc này do UBND TP Hà Nội quyết định. Chúng tôi là đơn vị thực hiện, thật sự không nắm rõ!”. - Đạo diễn Ðặng Tất Bình, Giám đốc Hãng phim truyện I, đơn vị nhận sản xuất phim này cho biết.

Với kinh phí lên tới trên 50 tỉ đồng, Thái sư Trần Thủ Độ là bộ phim được nhà nước đầu tư với số tiền kỷ lục. Phim được thực hiện tại trường quay Hoành Điếm (Trung Quốc), Cổ Loa (Hà Nội) và nhiều tỉnh thành tại Việt Nam. Nhưng đến nay phim cũng “im thin thít và lặn mất tăm”. Thậm chí người ta còn không biết nhiều thông tin xung quanh việc sản xuất bộ phim này.

Mới đây NSND Hoàng Dũng có chia sẻ rằng phim sắp lên sóng, trong đó có vai Lý Cao Tông do ông thủ vai. Trao đổi với đạo diễn Bùi Duy Phúc, người trực tiếp bắt tay làm phim này, hôm 25/10, anh cho biết:”Thực sự đến thời điểm này, tôi chưa nhận được bất cứ thông tin gì về việc phim bao giờ được lên sóng. Tôi chỉ biết làm, còn mọi chuyện về phim có được chiếu hay không, chiếu ở đâu và bao giờ xin hãy hỏi anh Tất Bình. Anh ấy là người sẽ nắm rõ hơn cả".

Sau Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, không biết bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ sẽ đi về đâu? Do ai tiếp nhận? Và thật sự đến lúc này đây vẫn là một phim “bí ẩn” với khán giả. 

Khi được hỏi về việc có nhận được lời đặt vấn đề của phía UBND Thành phố Hà Nội về việc phát sóng phim Thái sư Trần Thủ Độ không? Đại diện VTV cho biết, chưa thấy phía Thành phố Hà Nội chỉ đạo đặt vấn đề phát sóng phim, Đài truyền hình Việt Nam “chưa nắm thông tin về việc đó”.

Như vậy là, một số tiền khổng lồ (50 tỷ) lớn hơn rất nhiều số tiền thất thoát tại Cục điện ảnh (34 tỷ) gây xôn xao dư luận vừa qua cũng đang “nằm đắp chiếu”. Tuy không bị mất đi nhưng cũng đang bị “rơi vào lãng quên”, thiếu hiệu quả trong đầu tư. Nhưng có vẻ như không mấy ai quan tâm đến số phận của bộ phim này. Nhất là khi đơn vị đặt hàng làm ra nó, Ban chỉ đạo kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long đến nay đã giải tán. Không còn biết bộ phim sẽ đi về đâu? Do ai tiếp nhận? Và thật sự đến lúc này Thái sư Trần Thủ Độ vẫn là một “bí ẩn” với khán giả.

 Sống dở chết dở” với phim mừng Đại lễ

Từ năm 2007, giới làm phim đã xôn xao bàn chuyện sản xuất những bộ phim lịch sử thật hoành tráng để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Bắt đầu sang năm 2008 đã có những kịch bản được định hình, đã có những dự án phim “dán mác” chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long được triển khai, dự án nào cũng bạc tỷ, thậm chí lên đến hàng chục tỷ. Các nhà làm phim cũng tỏ ra hết sức phấn khởi, hào hứng.

Các dự án lớn như: Trần Thủ Độ, Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long, Huyền sử thiên đô... do nhà nước cũng như tư nhân bỏ hàng chục tỷ đồng ra làm. Người ta những tưởng sau Đại lễ, chúng ta sẽ có được một mốc son chói lọi cho lĩnh vực sản xuất phim lịch sử ở Việt Nam. Nhưng chuyện nào ai có ngờ! Khi số phận của các phim này đến giờ vẫn là một bí ấn. Không biết “đi đâu về đâu” và sẽ “sống chết ra sao”.

"Bí ẩn" số phận loạt phim tiền tỷ mừng Đại lễ là bài mở đầu cho loạt bài về "số phận" các phim được làm trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long vừa qua mà VTC News sẽ gửi tới độc giả trong thời gian tới.

Việt Anh

Bình luận
vtcnews.vn