• Zalo

Bí ẩn sinh vật cổ đại 830 triệu năm tuổi bên trong tinh thể đá muối

Khám pháThứ Ba, 17/05/2022 15:51:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Các nhà khoa học thuộc Đại học West Virginia mới đây phát hiện một sinh vật sống cổ đại 830 triệu năm tuổi nằm bên trong các tinh thể đá muối.

Theo Sputnik, phát hiện trên mở ra hướng đi mới đối với các nghiên cứu địa chất, và rất có thể sinh vật hon 800 triệu năm tuổi này vẫn còn sống.

Phát hiện mang tính đột phá được thực hiện bởi một nhóm địa chất do nhà khoa học Sara Schreder-Gomes thuộc Đại học West Virginia dẫn đầu trong một cuộc thăm dò địa chất ở miền trung nước Australia.

Bí ẩn sinh vật cổ đại 830 triệu năm tuổi bên trong tinh thể đá muối - 1

Các tế bào cổ đại của sinh vật nhân sơ và sinh vật nhân thực bên trong tinh thế đá muối thông qua kỹ thuật thạch học ánh sáng. (Ảnh: West Virginia)

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra bằng chứng còn sót lại của một số loài sinh vật bên trong các tinh thể đá muối có niên đại khoảng 830 triệu năm trước. Phát hiện này đang mở ra một hướng đi mới với các nghiên cứu địa chất.

Đá muối hay Halite là loại khoáng vật của natri chloride (NaCl), còn được gọi là thạch diêm. Mẫu đá muối dùng trong nghiên cứu được lấy từ lõi trầm tích khoan ở độ sâu 1.481-1.521 m.

Các sinh vật hàng triệu năm tuổi này được phát hiện trong các tinh thể đá muối thuộc Hệ tầng Browne đại Nguyên Sinh, với sự trợ giúp của thiết bị đặc biệt nhóm nghiên cứu đã tìm thấy các tế bào cổ đại của sinh vật nhân sơ và sinh vật nhân thực trong chất lỏng nguyên sinh, được bảo quản trong chất lỏng nguyên sinh mà các tinh thể đá muối cổ đại chứa đựng.

Cũng theo nghiên cứu, các sinh vật cổ đại này rất có thể vẫn còn sống, dù có một số ý kiến cho rằng ảnh hưởng của bức xạ có thể phá hủy tất cả các chất hữu cơ trong thời gian dài.

Tuy nhiên, cũng có bằng chứng cho thấy vật chất tồn tại trong các tinh thể đá muối thường chỉ tiếp xúc với một lượng bức xạ không đáng kể theo thời gian. Do đó các nhà khoa học của dự án tin rằng đá muối có khả năng đã “bảo vệ” các sinh vật này sau hàng triệu năm.

Đá muối không bảo quản chất hữu cơ theo cách giống như đá thông thường, khi biến các sinh vật bị mắc kẹt bên trong các tinh thể thành chất lỏng bị thay vì làm đông đặc chúng.

Phát hiện này cũng có thể mở đường cho một khám phá tiềm năng về sự sống trên sao Hỏa, bởi trên hành tinh này có các mỏ muối đá tương tự như Hệ tầng Browne ở Australia.

Theo các nghiên cứu của NASA, sao Hỏa từng có sự sống vài tỉ năm trước, khi nó còn là một hành tinh xanh nhiều đại dương giống Trái Đất.

Trà Khánh(Nguồn: Sputnik)
Bình luận
vtcnews.vn