Cái nôi của nền văn hóa người Việt cổ
Người dân xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), từ đứa trẻ cho tới người già đều thuộc lòng câu thơ: “Gầm Tàu, Cửa Cái bước ra/ Cây hương, Cửa Chậu có ba chĩnh vàng”.
Câu thơ này ngầm thể hiện những di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với đất và người Liên Khê. Bên cạnh đó, những cụm di tích chùa Thiểm Khê (tên chữ là Hoa Thiên Vũ), đền Thụ Khê (thờ Trần Hưng Đạo), chùa Mai Động (tên chữ là Lễ Sơn tự), chùa Điện Tú (tên chữ là Tú Sơn thiền tự), chùa Sối (làng Thiểm Khê)… cũng góp phần làm phong phú thêm những nét văn hóa, lịch sử ấy.
Nơi đây, theo ghi chép của Bảo tàng Hải Phòng, qua những dấu tích khảo cổ tìm được ghi nhận có người Việt cổ đến sinh sống.
Anh Trịnh Văn Hoài (SN 1974, đội 9, thôn Thiểm Khê, xã Liên Khê) là người đã tìm ra rất nhiều hiện vật là đồ gốm, đá, đồng, gạch trong các ngôi mộ cổ mà anh cùng một số người trong xã đào được tại khu vực núi Thành Dền, thôn Thiểm Khê.
“Theo Bảo tàng Hải Phòng, những đồ gốm mà tôi và Công ty Phụ Gia cung cấp bước đầu xác định thuộc hiện vật mộ Hán và có khung niên đại khoảng thế kỷ I – III (SCN)”, anh Hoài cho biết.
Để minh chứng cho những giá trị lịch sử ở vùng đất bán sơn địa với mỏ si-lic và trữ lượng đá vôi lớn, ông Lê Văn Thạn – nguyên Chủ tịch UBND xã Liên Khê nhắc chúng tôi nghe về ngôi mộ thuyền được tìm thấy vào tháng 10/2009 tại khu vực chân núi Thành Dền.
Thời điểm này, Công ty Cổ phần Xi măng Tân Phú Xuân trong khi san ủi đất đồi ở phía Bắc chân núi Thành Dền, cách sông Đá Bạc 50m, để làm đường đã làm bật lên ngôi mộ cổ. Mộ quay hướng Đông – Tây, đầu gối vào núi. Hiện, ngôi mộ thuyền cổ này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hải Phòng.
Được sự đồng ý của ông Đỗ Xuân Trung – Phó Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng, PV VTC News đã có dịp mục sở thị ngôi mộ hơn 2.000 năm tuổi này.
Ông Trung cho hay, thời điểm được thông báo về việc tìm thấy mộ cổ ở xã Liên Khê, cán bộ Bảo tàng Hải Phòng đã xuống hiện trường khai quật, chữa cháy ngôi mộ.
Chỉ cho chúng tôi xem những hiện vật cổ của xã Liên Khê được lưu trữ trong bảo tàng, ông Trung bảo rằng: “Hiện vật chôn theo mộ thuyền được phát hiện trong quách (4 tấm gỗ có mộng ngoàm chắc chắn ghép lại bao quanh quan tài – PV) gồm đồ gốm như âu, hũ, chõ, nồi; đồ gỗ là tượng, mâm, đĩa, dao, lược, mai; và 4 tượng gỗ. Thi hài được bó trong chiếu cói (dưới đáy tấm địa còn vết tích chiếu cói đã mủn nát), phía dưới được trải một lớp cau”.
Theo quan sát của PV, những hiện vật cổ trên không còn nguyên vẹn, có những hiện vật đã vỡ, sứt mẻ.
Ông Trung cũng chỉ rõ: “Căn cứ cấu trúc mộ, cấu trúc quan tài, các hiện vật chôn theo và đối chiếu với kết quả nghiên cứu một số mộ thuyền đã phát hiện tại Hải Phòng như mộ An Sơn, Thủy Sơn (Thủy Nguyên, Hải Phòng), chúng tôi cho rằng, mộ thuyền Liên Khê có niên đại thế kỷ I, II (SCN)”.
PGS.TS Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết, đây là đặc trưng mộ thuyền hay mộ thân cây khoét rỗng thời tiền sử của cư dân người Việt từ trung du khai phá ra đồng bằng và vùng ven biển, vào những năm đầu Công nguyên.
Bên cạnh đó, khu vực núi Thành Dền còn có những hiện vật đồ đồng, đồ gốm thời Bắc thuộc và thời kỳ độc lập, tự chủ, trong đó có các mảnh bát tráng men ngọc, hoa văn khắc chìm, có ve lòng, có khung niên đại thời Lê – Mạc thế kỷ XV – XVI.
Không chỉ những hiện vật trên được tìm thấy, trong tài liệu của Bảo tàng Hải Phòng còn nêu rất rõ những minh chứng của nền văn hóa Đông Sơn tại đất Liên Khê sau các đợt khai quật, khảo sát và phát hiện được tại đây.
Đó là các mộ đất tại đồi Điệu Tú (năm 2001), phát hiện trống đồng minh khí tại núi Trọi (Quỳ Khê) vào năm 1977, trống đồng minh khí tại sông Giá (gần Đấu Đong) vào năm 2015; phát hiện mũi tên đồng, giáo đồng, rìu đồng tại núi Thành Dền và các núi khác trong thôn Thiểm Khê…
“Thủy Nguyên nói chung hay Liên Khê nói riêng là điểm tụ cư lớn, một trung tâm của người Việt cổ ở vùng Đông Bắc Tổ quốc”, dẫn tư liệu của Bảo tàng Hải Phòng.
Bí ẩn ngôi mộ được phát lộ sau khai thác khoáng sản
Ông Mạc Kim Trọng – Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Thành Dền còn dẫn chúng tôi tới thắp hương tại ngôi mộ cũng được phát lộ vào năm 2006 tại phía Bắc chân núi Thành Dền, khu vực sau này tìm thấy mộ thuyền Liên Khê.
Báo cáo kết quả khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm và Hội thảo đánh giá giá trị Khu di tích Thành Dền – Đấu Đong thôn Thiểm Khê, xã Liên Khê của Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch Hải Phòng nêu: “Ngôi mộ có kích thước lớn, có nhiều đồ vật chôn cất cùng. Ngôi mộ này đã được doanh nghiệp di chuyển cách nơi phát hiện khoảng 500m và được xây kiên cố bằng gạch, đá ốp lát bằng gạch men”.
Anh Trọng cho biết thêm, ngay sau khi ngôi mộ được tìm thấy, chủ doanh nghiệp không báo cáo chính quyền địa phương hay các đơn vị liên quan mà đem chôn lại.
Ông Nguyễn Tiến Tập – Chủ tịch UBND xã Liên Khê thông tin, chưa thể xác định chính xác niên đại cũng như người được táng trong ngôi mộ đó. Vì lẽ, ngôi mộ chưa được các nhà khảo cổ khai quật để nghiên cứu. Đây cũng là khẳng định của ông Đỗ Xuân Trung – Phó Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng. Hiện tại, ngôi mộ được chăm sóc bởi con cháu dòng họ Mạc Hải Phòng.
Ở một góc độ khác, TS. Hoàng Văn Kể - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng) cũng đưa ra phân tích cho thấy: Nghiên cứu ngôi mộ này, tiếp cận từ truyền thống chôn cất của vua, chúa chế độ phong kiến Nhà nước, cách thức chôn cất (đào vào sườn núi 9m, sâu 7m); kích thước quan, quách khổng lồ (dài 4m; rộng 1,9m; cao 1,6m); ván bằng gỗ quý dày 10cm cùng nhiều binh khí, đồ đồng, vật dụng, gốm sứ chôn cùng… thì đây phải là mộ của một nhân vật đặc biệt quan trọng trong xã hội đương đại lúc bấy giờ.
Bên cạnh đó, tại cánh đồng Mục Hòa, thôn Quỳ Khê, xã Liên Khê, người dân địa phương đã phát hiện một ngôi mộ nằm cách mép sông Đá Bạch 60m, có chiều dài 3m, rộng 0,8m, xung quanh có cắm cọc gỗ để giữ ngôi mộ khỏi trôi. Hiện nay, ngôi mộ này do người dân địa phương trông coi.
Thế nhưng, nhiều năm qua, nguy cơ rất nhiều di tích lịch sử, ngọn núi ở xã Liên Khê bị biến mất. Không ít người đặt câu hỏi, đây là sự thờ ơ của con người trước những giá trị văn hóa lịch sử hay vì lợi ích kinh tế mà những dãy núi đá vôi, những mỏ si-lic mang lại?
Còn nữa!
Bình luận