Một ngôi làng của người Nhật Bản bị bỏ hoang vào đầu thế kỷ 20 đã được phát hiện tại một khu rừng ở British Columbia, Canada. Đây là khám phá đáng chú ý của nhà khảo cổ học Bob Muckle và các cộng sự của ông.
Với các nhà khảo cổ, họ biết rõ công việc tìm kiếm những gì của lịch sử để lại không phải lúc nào cũng có kết quả như mong muốn. Khi khai quật một địa điểm, họ hy vọng sẽ tìm được những thứ quý báu nào đó nhưng thực tế cũng chỉ như trò may rủi.
Có khi không tìm thấy gì hoặc rất ít, nhưng cũng có khi phát hiện được những hiện vật ngoài mong đợi. Đó cũng là những gì xảy đến với Bob Muckle, Giáo sư chuyên ngành khảo cổ thuộc ĐH Capilano, Canada.
Trong một thời gian dài, Muckle và nhóm của ông đã phát hiện và khai quật một loạt trại khai thác gỗ của người Canada gốc châu Âu từ những năm 1920 – 1930 trong các khu rừng tại British Columbia. Ông đã tìm ra nhiều thứ đáng chú ý trong các khu trại cổ này, như các lưỡi cưa rỉ sét, các dụng cụ đốn cây và nhiều công cụ liên quan khác.
Tuy nhiên, trong lần khai quật một khu vực trong rừng thuộc thung lũng sông Seymour, ông đã tìm thấy những thứ khác lạ nằm dưới các trầm tích và cây dương xỉ. Mở rộng phạm vi khai quật, ông phát hiện bằng chứng về một khu định cư của người Nhật từng tồn tại và rồi bỗng dưng biến mất.
Muckle đã từng khai quật nhiều trại khai thác gỗ trong một thời gian dài để tìm dấu vết của cư dân đầu tiên đến khu vực này. Vào năm 2004, một người quản lý rừng đã về hưu tìm đến ông, cung cấp thông tin về một địa điểm mới với những chi tiết khiến Muckle quan tâm.
Ông bỏ dở công việc đang làm theo chân người này. Tại đây, những đồ tạo tác hé lộ trên mặt đất thực sự tạo cho ông sự thích thú lớn lao. Khi ông và nhóm của mình tiến hành đào bới thì một số hiện vật như chai rượu sa kê và bát cơm bắt đầu hiện ra.
Bắt đầu từ đó cho đến 14 năm sau này, cứ mỗi mùa Xuân, Muckle và các sinh viên của ông lại mất 6 tuần lễ đến khai quật địa điểm này để thu thập hiện vật, tìm hiểu những gì đã từng tồn tại ở đây. Họ đi đến kết luận, nơi này không phải là trại khai thác gỗ, mà là một khu định cư bí mật của người Nhật Bản.
Các nhà khảo cổ suy đoán, người Nhật đã đến đây sinh sống, tránh nạn phân biệt chủng tộc. Theo Từ điển Bách khoa Canada, làn sóng di cư lớn đầu tiên của Nhật Bản đến Canada bắt đầu từ năm 1877, với nhiều người đến định cư ở tỉnh ven biển British Columbia. Ngay từ đầu, họ đã gặp phải sự thù địch và phân biệt đối xử, các chính trị gia trong tỉnh đã cấm cư dân châu Á bỏ phiếu, tham gia vào nền công vụ và làm việc trong nhiều ngành nghề.
Lần theo dấu vết, Muckle biết rằng, nơi mà ngôi làng từng tồn tại đã được phát quang bởi Công ty Hastings vào đầu những năm 1900, nhưng vào năm 1918, chính quyền tỉnh lúc đó lại trao quyền khai thác gỗ cho một doanh nhân người Nhật tên là
Eikichi Kagetsu. Sáu năm sau đó, khi những cây rừng cuối cùng đã bị triệt hạ, Kagetsu chuyển đến đảo Vancouver với hy vọng sẽ mở rộng công việc kinh doanh gỗ của mình ở đây.
Khu định cư chỉ có khoảng hơn chục căn nhà gỗ nhỏ, kích cỡ chỉ bằng một sân bóng đá, đủ chỗ cho 40 đến 50 người sinh sống. Những gì phát hiện của các nhà khảo cổ cho thấy cư dân theo lối sống đặc trưng của người Nhật, bất chấp nơi họ ở thuộc vùng đất Bắc Mỹ xa xôi.
Trong số những khám phá của nhóm do Muckle hướng dẫn, đáng chú ý là tàn tích của một đèn lồng ở nơi mà theo họ là một đền thờ. Họ cũng tìm thấy một khu vực bằng phẳng rộng lớn trong làng nhưng không phải chỗ ở mà là khu vườn chung. Thậm chí, họ còn phát hiện một nhà tắm cổ, được cho là rất quan trọng đối với cuộc sống của người dân nơi đây.
Mặc dù đã rõ đây là một ngôi làng, nơi cư ngụ của những người lao động và gia đình của họ, nhưng các nhà khảo cổ chưa rõ là ngôi làng này tồn tại trong thời gian bao lâu. Không có tài liệu nào cho thấy về sinh hoạt của những người ở làng, nhưng theo giả thuyết của Muckle, những người này chọn định cư tại đây khi hoạt động khai thác gỗ không còn nữa.
Cho đến năm 1942, khi chiến tranh thế giới diễn ra ác liệt, chính phủ Canada bắt đầu chiến dịch vây ráp những hậu duệ của người Nhật và đưa họ đến những trại giam. Muckle cho rằng, số phận của người dân làng này cũng không khác hơn đồng bào của họ ở đất nước này.
Sự kiện Muckle phát hiện hơn 1.000 món đồ gia dụng trong vùng hỗ trợ mạnh mẽ cho lập luận rằng, những cư dân của ngôi làng nhỏ bé này buộc phải ra đi trong tình trạng rất vội vã, không có thời gian để mang hết những đồ vật trong nhà.
Trong số những món đồ mà các nhà khoa học phát hiện cho đến nay đáng chú là những chai thuốc, đồng hồ, ấm trà, nút áo, đồng xu và rất nhiều đồ gốm Nhật. Do hầu hết những món này được chôn dưới bùn và dưới những lá thông, nên chúng còn tương đối nguyên vẹn khi được khai quật.
Ngoài ra, người ta còn tìm thấy nhiều bộ phận của lò nấu, một trong số các lò này còn tốt, được giấu phía sau một gốc cây to ở ngoài làng. Muckle nói rằng những vật dụng này củng cố giả thuyết của ông về tình huống người dân rời khỏi làng.
Khi ra đi, mọi người không chỉ mang theo những vật quý, vật còn tốt, mà còn tìm cách giấu những thứ cồng kềnh khác. Điều này cho thấy dân cư nghi ngờ nơi họ ở sắp bị cướp phá.
Phát hiện của Muckle và những công trình tiếp sau của ông đã lấp đầy một số khoảng trống trong lịch sử của địa phương, soi sáng câu chuyện về một nhóm người vẫn chưa rõ nguồn gốc.
Vào mùa xuân năm 2017, chính phủ Canada đã tổ chức lễ kỷ niệm tại khu định cư này, hiện thuộc khu bảo tồn Lower Seymour cách Vancouver 19km, xem đây là nơi có ý nghĩa với người British Columbia có tổ tiên là người Nhật.
Bình luận