Nhật Bản đang phải đương đầu một vấn đề mang tính xã hội lớn và có phần nhạy cảm, khi có tới 1 triệu đàn ông mắc chứng 'Hikikomori', tạm gọi như sống ở ẩn.
Những người này sống cách ly với xã hội, trốn mình trong căn phòng riêng. Có người kéo dài trạng thái này đến vài năm. Các bác sỹ đang nỗ lực để hạn chế những ảnh hưởng của Hikikomori với thế hệ sau này.
Ngày càng có nhiều thanh niên Nhật chọn cách sống ở ẩn |
Bộ Y tế Nhật Bản định nghĩa Hikikomori (tạm gọi ngủ Đông hay ở ẩn) là hiện tượng những người tự giam mình trong căn phòng đơn lẻ và từ chối tham gia vào đời sống xã hội và gia đình trong thời gian dài hơn sáu tháng.
Những người thuộc nhóm Hikikomori rất phổ biến ở Nhật Bản, khi gặp thất bại trong cuộc sống, rất nhiều người trẻ tuổi đã chọn cách "ở ẩn".
Anh Takahiro Kato, một chuyên gia nghiên cứu về Hikikomori, cũng từng là một thành viên của cộng đồng người "ở ẩn" khi còn là sinh viên, nói rằng những người trong nhóm Hikikomori thường là những nam thanh niên thông minh, có năng lực. Đây là một tổn thất lớn cho nền kinh tế Nhật Bản.
Sáu tháng trước, Yuto Onishi, 18 tuổi, đã bắt đầu tìm kiếm các phương pháp điều trị trong khi anh ta đã từng ở trong căn phòng của mình suốt 3 năm. Trong khoảng thời gian đó, anh ta ngủ vào ban ngày và lên mạng vào ban đêm, đọc truyện tranh và không nói chuyện với bất kỳ ai. Anh ta chia sẻ rằng hiện tượng này bắt đầu sau một lần thi trượt mà khi đó anh ta lại là lớp trưởng.
Theo Kato, việc cải thiện tình trạng này đòi hỏi sự phối hợp của gia đình và người bệnh.
Takahiro Kato và cộng sự đang nghiên cứu các yếu tố xã hội và sinh học dẫn đến hiện tượng Hikikomori, từ đó đưa ra một chiến lược chẩn đoán đa chiều.
Rất nhiều nghiên cứu về Hikikomori chỉ quan tâm đến các yếu tố tâm lý, nhưng thực ra Hikikomori không chỉ do một mình yếu tố tâm lý gây ra.
Việc điều trị đòi hỏi người bệnh phải xây dựng lại các kỹ năng giao tiếp, nhưng một số bệnh nhân lại không muốn thực hiện điều này, thậm chí họ không muốn nói chuyện với người thân.
Nguồn: Vietnam+
Bình luận