Tại điểm cầu Trung ương, dự và chỉ đạo Hội nghị có Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; các báo cáo viên trong và ngoài ngành. Tại điểm cầu địa phương, có đại diện lãnh đạo, đội ngũ làm công tác thông tin, truyền thông của BHXH 63 tỉnh, thành phố và các huyện trên cả nước.
Hội nghị nhằm trang bị kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ thông tin, truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; hướng dẫn, giải đáp các nội dung liên quan, cũng như chia sẻ, thảo luận bàn về các giải pháp triển khai hiệu quả công tác truyền thông của ngành.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đào Việt Ánh thông tin, thời gian qua, công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN từ Trung ương đến địa phương tiếp tục được tăng cường, đổi mới và đạt được những kết quả, hiệu quả tích cực.
Về công tác này, BHXH Việt Nam ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và BHXH các tỉnh, thành phố đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; qua đó công tác truyền thông của ngành luôn bài bản, đồng bộ, sáng tạo; có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp, linh hoạt với từng địa phương, từng chủ thể tham gia BHXH, BHYT.
Các thông tin về BHXH, BHYT thường xuyên, liên tục được phát sóng, đăng tải trên tất cả các kênh truyền thông với số lượng tin bài ngày càng lớn, nội dung đa dạng, phong phú.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, tại Trung ương có khoảng 10,5 nghìn tin, bài, phóng sự về BHXH, BHYT, BHTN, địa phương có khoảng 8,5 nghìn, qua đó đã góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của toàn xã hội về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông trực tiếp, truyền thông qua hệ thống cổng thông tin điện tử, mạng xã hội… tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh.
6 tháng đầu năm, toàn ngành BHXH Việt Nam tổ chức khoảng 1.000 lễ ra quân; 12,8 nghìn hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại; hơn 1,2 nghìn tin, bài, văn bản... được đăng tải trên Cổng TTĐT BHXH Việt Nam; khoảng 6,7 nghìn tin, bài đăng trên Tạp chí BHXH; 21,9 nghìn tin, bài, video, Infographic được đăng tải trên Cổng TTĐT BHXH các tỉnh, thành phố…
Tại các địa phương, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo có sức lan tỏa lớn như: tỉnh An Giang phát động Cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN dành cho công chức, viên chức và người lao động BHXH tỉnh năm 2024”.
Quảng Nam triển khai mô hình “Điểm sáng” tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tại 36 thôn, khối phố của 12 huyện, thị xã; Phú Yên phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thực hiện biểu diễn tiểu phẩm và chiếu video truyền thông về chính sách BHXH, BHYT tại các xã, thị trấn; Đắk Lăk: các Cha xứ tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện, BHYT với giáo dân, đồng thời ra mắt mô hình xã có 100% người dân tham gia BHYT...
Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của đội ngũ làm công tác thông tin, truyền thông của ngành, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh nhấn mạnh, những kết quả đạt trong công tác truyền thông góp phần cùng ngành thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhân dân giao phó.
Nổi bật là sự đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng, sửa đổi và hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT cũng như tăng diện bao phủ, phát triển bền vững người tham gia BHXH, BHYT. Vừa qua, tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), về cơ bản các kiến nghị, đề xuất của BHXH Việt Nam được Chính phủ, Quốc hội nhất trí và cụ thể hóa trong Luật.
Luật BHXH (sửa đổi) được ban hành nhận được sự đồng thuận cao của xã hội cho thấy có đóng góp quan trọng, hiệu quả của công tác truyền thông Luật BHXH, nhất là trong việc nâng cao nhận thức, tạo sự yên tâm, tin tưởng ở người dân và người lao động.
Đến nay, công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT nói chung và truyền thông chính sách BHXH, BHYT nói riêng đã huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Chỉ tiêu về độ bao phủ BHXH, BHYT được đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội cơ bản của các địa phương.
Tại Hội nghị, nhằm cung cấp thêm các kiến thức, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ về công tác thông tin, truyền thông, các báo cáo viên đến từ Đài truyền hình Việt Nam; Ban Thực hiện chính sách BHXH, Vụ Tài chính – Kế toán (BHXH Việt Nam) trình bày các tham luận: Kỹ năng giao tiếp với báo chí, kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông; Những điểm mới của Luật BHXH số 41/2024/QH15...
Đồng thời, hội nghị đã cùng trao đổi, thảo luận xoay quanh các nội dung của từng chuyên đề; đóng góp ý kiến, chia sẻ những kinh nghiệm để công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT ngày càng hiệu quả.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, góp phần thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh chỉ đạo, thời gian tới, BHXH các tỉnh, thành phố cần tiếp tục tăng cường đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thông tin, truyền thông đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ của Ngành và nhu cầu thông tin của người dân, doanh nghiệp và người lao động.
Công tác truyền thông cần được tiến hành chủ động, thường xuyên, liên tục và phải đi trước một bước để lan tỏa truyền cảm hứng giúp nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT của các tổ chức, cá nhân.
Mặt khác, BHXH các địa phương cần tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp; sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn báo chí; phát huy vai trò của tổ trưởng tổ dân phố, già làng, trưởng bản, người có uy tín khu dân cư trong công tác thông tin, truyền thông chính sách BHXH, BHYT.
Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức làm công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT với phương châm mỗi công chức, viên chức của ngành là một tuyên truyền viên tích cực.
Bình luận