Phát biểu tại Tọa đàm, ông Phạm Quang Tú - Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, hệ thống BHXH được hình thành và từng bước hoàn thiện, độ bao phủ BHXH gia tăng cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Theo Luật BHXH năm 2006, NLĐ khu vực phi chính thức được tham gia BHXH tự nguyện với 2 chế độ hưu trí và tử tuất. Đặc biệt, Nghị quyết 28 ra đời là bước tiến quan trọng để bao phủ BHXH trong nền kinh tế phi chính thức và cơ quan BHXH đã đạt được nhiều kết quả khích lệ.
Cụ thể, độ bao phủ BHXH được mở rộng, trong đó BHXH tự nguyện tăng vượt bậc với gần 1,2 triệu người tham gia. Tuy nhiên, chính sách BHXH tự nguyện vẫn tồn tại nhiều vướng mắc cần khắc phục như khuôn khổ pháp lý, số người tham gia BHXH tự mới chiếm khoảng 6% tổng số người tham gia BHXH.
Vì vậy, Việt Nam cần phát triển một hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, hiện đại và tích hợp theo các nguyên tắc phổ quát, bình đẳng, công bằng, chia sẻ và bền vững cho tất cả NLĐ.
Các định hướng chính sách BHXH cần từng bước bổ sung thêm các chế độ bảo vệ trong BHXH tự nguyện để thu hẹp khoảng cách về chế độ giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc. Trong quá trình sửa đổi bổ sung chính sách, tiếng nói của NLĐ cần được các nhà hoạch định chính sách tôn trong, cân nhắc và áp dụng một cách phù hợp.
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, so với các tiêu chuẩn và kinh nghiệm quốc tế, hệ thống chính sách BHXH Việt Nam đã tương đối đầy đủ và đáp ứng xu thế chung.
Cụ thể, hệ thống BHXH ở Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hướng tới mục tiêu chung là bao phủ ASXH toàn dân, hướng đến mục tiêu tương đồng với các tiêu chuẩn quốc tế về mở rộng độ bao phủ theo chiều rộng đồng thời gia tăng phúc lợi cho người tham gia; BHXH bắt buộc đã cung cấp đầy đủ các chế độ hưởng cho NLĐ.
Tuy nhiên, đa phần NLĐ phổ thông đang thiếu vắng nghiêm trọng chế độ bảo vệ thông qua hệ thống ASXH dù họ đã tham gia lực lượng lao động chính thức. Tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc của các chủ cơ sở đã có đăng ký kinh doanh chỉ vào khoảng khoảng 3- 17%.
Tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc cũng phụ thuộc lớn vào hình thức HĐLĐ. Lao động làm việc theo hợp đồng ngắn hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm hoặc dưới 3 tháng thường không được thực hiện chế độ BHXH bắt buộc theo quy định. Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện của lao động phi chính thức là chủ cơ sở, lao động tự làm và lao động gia đình rất thấp ngay cả khi họ thu nhập của họ cao hơn chuẩn nghèo.
Cùng với đó, việc xây dựng chính sách còn một số vướng mắc khiến NLĐ đắn đo khi tham gia BHXH, đặc biệt BHXH tự nguyện.
Đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, mức tiền lương bình quân tháng đóng BHXH có xu hướng gia tăng kể từ năm 2007 đến nay và tăng mạnh hơn kể từ năm 2016, nhưng mức hưởng thực tế các chế độ BHXH bắt buộc lại giảm dần, đặc biệt là đối với quỹ hưu trí - tử tuất nói chung và khoản lương hưu hàng tháng nói riêng.
Điều này cho thấy mức hưởng của NLĐ khi tham gia BHXH bắt buộc chưa được điều chỉnh tương xứng với sự gia tăng của lạm phát.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đề xuất để tăng độ bao phủ của BHXH như: Đối với cả hai loại hình BHXH, cần thay đổi theo hướng linh hoạt - giảm bớt hoặc bỏ quy định về số năm NLĐ đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng.
Đối với chương trình BHXH bắt buộc, tăng mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH bắt buộc một cách phù hợp để đảm bảo về sức mua của các khoản đã đóng này khi quy đổi về hiện tại do tác động của lạm phát theo thời gian.
Đối với BHXH tự nguyện, tăng mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXHTN một cách phù hợp để đảm bảo về sức mua của các khoản đã đóng này khi quy đổi về hiện tại do tác động của lạm phát theo thời gian; triển khai các gói BHXH ngắn hạn linh hoạt (như ốm đau, thai sản, trợ cấp gia đình); cần có sự thay đổi về quy định đóng, hưởng và các chế độ hỗ trợ mức đóng với các nhóm lao động khác nhau cho phù hợp với các đặc trưng công việc (liên quan tới thu nhập) và gia đình; cần có chính sách hỗ trợ khác như hỗ trợ về cơ hội tiếp cận vốn với nhóm lao động tự làm và chủ cơ sở.
Bình luận