Đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN
Ước tính đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH bắt buộc là 15,185 triệu người; BHXH tự nguyện là 551 nghìn người; bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) là 15,068 triệu người; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 13,343 triệu người; bảo hiểm y tế (BHYT) là 85,390 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90% dân số.
Theo đó, cùng với việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, số thu về quỹ BHXH, quỹ BHYT cũng không ngừng gia tăng với tổng số thu ước 361.549 tỷ đồng, đạt 100,54% kế hoạch cả năm.
Chú trọng phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện
Cũng trong năm 2019, với sự nỗ lực lớn của ngành BHXH trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đã đạt được kết quả vượt bậc.
Tính đến hết năm 2019, toàn quốc có 551.000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 281.000 người so với năm 2018. Đây là con số ấn tượng, có sự gia tăng đột biến bởi chỉ tính riêng số người tăng mới trong năm 2019 đã gần bằng kết quả 10 năm thực hiện chính sách này từ năm 2008 đến năm 2018. Cụ thể, năm 2008, năm đầu tiên thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, toàn quốc mới chỉ có 6.000 người tham gia, đến hết năm 2018 con số này là 270.000 người.
Tuy nhiên, theo thống kê, hiện cả nước còn khoảng 30 triệu người chưa tham gia BHXH - đây là cơ hội để ngành BHXH tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cũng như BHXH tự nguyện.
Thời gian tới, ngành BHXH sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt; chủ động phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể… tăng cường công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu và đăng ký tham gia.
Hiện đại hóa để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách BHXH
Trước năm 2015, việc ứng dụng CNTT của ngành BHXH chưa được đẩy mạnh, hệ thống máy chủ, phần mềm, cơ sở dữ liệu phân tán tại BHXH các quận, huyện, chưa có hệ thống mạng WAN kết nối hệ thống CNTT giữa các đơn vị. Toàn bộ giao dịch với người dân và doanh nghiệp đều thực hiện theo hồ sơ giấy tờ qua bộ phận một cửa hoặc đến gặp trực tiếp cán bộ tại các phòng nghiệp vụ. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc quản lý người tham gia, đặc biệt khi thay đổi đơn vị, thay đổi nơi cư trú.
Việc giám định hồ sơ thanh toán chi phí KCB BHYT thực hiện thủ công trên hồ sơ giấy với tỷ lệ khoảng 20% tổng số hồ sơ đề nghị thanh toán. Tình trạng lạm dụng chi trả BHXH diễn ra thường xuyên. Từ đó dẫn đến việc báo cáo quyết toán, thanh tra hàng năm đều thực hiện thủ công.
Hiện nay, với gần 90% người dân tham gia BHYT, hơn 15 triệu người tham gia BHXH, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân theo tinh thần cải cách chính sách BHXH việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hiện đại hóa BHXH để nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và hưởng BHXH, BHYT đã trở thành yêu cầu cấp thiết.
Với yêu cầu và mục tiêu đề ra, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ chủ yếu: giao dịch điện tử trong công tác thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; giám định điện tử chi phí khám, chữa bệnh BHYT thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT; số hóa hồ sơ lưu trữ; các phần mềm phục vụ công tác tài chính - kế toán, quản lý văn bản… Hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị CNTT được trang bị đầy đủ và vận hành hiệu quả.
Đẩy mạnh giám định điện tử chi phí KCB BHYT
Với yêu cầu và mục tiêu đề ra, BHXH Việt Nam đã tập trung triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong hầu hết các hoạt động nghiệp vụ, trong đó có giám định điện tử chi phí khám, chữa bệnh BHYT thông qua Hệ thống thông tin giám định BHYT.
Theo đó, Hệ thống Thông tin giám định BHYT đã kết nối tới hơn 12.000 (gần 100%) cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc. Nhìn chung, Hệ thống thông tin giám định BHYT đã mang lại hiệu quả lớn trong quản lý KCB, kiểm soát việc sử dụng quỹ BHYT và tạo lập cơ sở dữ liệu quan trọng để đánh giá, điều chỉnh chính sách.
Phối hợp chặt chẽ trong hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành
Từ ngày 1/1/2016, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) được giao bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT theo Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 và Nghị định số 21/NĐ-CP ngày 31/3/2016 của Chính phủ. Công tác thanh tra kiểm tra của ngành BHXH ngày càng được quan tâm, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người thụ hưởng.
Tính đến ngày 30/11/2019, BHXH Việt Nam đã tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng tại 8.574 đơn vị; kết quả: Phát hiện 29.050 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHTN, BHYT nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian với số tiền phải truy đóng là 127,4 tỷ đồng; 33.011 lao động tham gia thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là 63,5 tỷ đồng; tổng số tiền nợ đóng các đơn vị đã nộp trong thời gian thanh tra là 880,9 tỷ đồng.
Bình luận