• Zalo

‘Bêu’ người vi phạm giao thông trên báo: Thực hiện thế nào?

Thời sựThứ Ba, 24/12/2013 12:00:00 +07:00Google News

(VTC News) – Luật sư cho rằng, việc đưa thông tin người vi phạm giao thông lên báo chí là cần thiết nhưng cần cân nhắc khả năng về kinh phí, cán bộ thực hiện.

(VTC News) – Luật sư cho rằng, việc đưa thông tin người vi phạm giao thông lên báo chí là cần thiết nhưng cần cân nhắc khả năng về kinh phí, cán bộ thực hiện công việc này.

Vừa qua, Bộ Công an đang đã đưa dự thảo lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2010/TT-BCA về việc thông báo người vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông. Phạm vi chịu điều chỉnh của dự thảo bao gồm cả trên đường bộ, đường thủy và đường sắt.

Điểm sửa đổi nổi bật là sau khi xử phạt, hàng tuần cơ quan chức năng sẽ thông báo tên người vi phạm giao thông đến địa phương, cơ quan quản lý và trên phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài truyền thanh địa phương).

Về vấn đề này, VTC News đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Giám đốc công ty luật Hợp danh Thiên Thanh (số 38 Nguyễn Huy Tự, Hà Nội). Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi:

- Luật sư có đánh giá gì về nội dung sửa đổi nổi bật trong dự thảo Thông tư này?

Theo quan điểm của tôi, việc ra thông báo về người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trên các phương tiện thông tin đại chúng không phải là một quy định hoàn toàn mới.

Việc thông báo này gửi tới các phương tiện thông tin đại chúng đã được quy định tại Điều 3 Thông tư 38/2010/TT-BCA của Bộ Công an quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông với nội dung:

“Điều 3. Thông báo vi phạm: Người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa thuộc các trường hợp nêu tại Điều 4 Thông tư này phải được thông báo bằng văn bản (theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này) đến Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú, công tác, học tập để theo dõi, kiểm điểm, giáo dục hoặc được gửi đến các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, giáo dục chung. Thông báo vi phạm phải được gửi ngay sau khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính”.

CSGT dừng xe vi phạm
CSGT làm việc với người vi phạm giao thông. Ảnh minh họa. 
Đến dự thảo Thông tư sửa đổi, biện pháp này được quy định cụ thể hơn về cách thức gửi thông báo người vi phạm hành chính tới các phương tiện truyền thông đại chúng.

Đây không phải là một biện pháp xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ là một biện pháp mang tính chất hỗ trợ trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính. Biện pháp này cũng góp phần tác dụng nâng cao tinh thần chấp hành pháp luật về an toàn trật tự giao thông.

Tuy nhiên, cũng cần xem xét tới các khía cạnh pháp lý của vấn đề này:

Thứ nhất, theo Điều 72 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, quy định về việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì các trường hợp vi phạm hành chính về an toàn giao thông không thuộc phạm vi các hành vi vi phạm hành chính được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo bạn việc 'bêu' tên người vi phạm giao thông trên báo:

  • Nên
  • Không nên
  • Quy định không hợp lý
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, và mới đây là Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt sẽ có hiệu lực từ 01/01/2014 đều không có quy định về việc công bố công khai các hành vi vi phạm về giao thông trên các thông tin đại chúng.

Việc quy định thông báo vi phạm này được căn cứ trên các Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Công điện số 655/CĐ-TTg ngày 17/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đều là văn bản có giá trị pháp lý không cao, bởi vậy, cơ sở pháp lý cho việc quy định thông báo vi phạm này cần phải được bổ sung.

Thứ hai, theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, việc công bố công khai chỉ được thực hiện trên các trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính.

Việc đưa các thông tin của cá nhân tổ chức lên các phương tiện thông tin đại chúng thông thường phải được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức đó. Vì vậy, việc quy định thông báo về vi phạm hành chính về trật tự giao thông của tổ chức, cá nhân lên các phương tiện thông tin đại chúng thông thường (tức là bất cứ báo, đài truyền hình nào) là vi phạm về pháp luật xử lý vi phạm hành chính và vi phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức.

Theo quan điểm cá nhân, việc công bố công khai các hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng nói riêng, các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, với mục tiêu quản lý và tinh thần tuyên truyền pháp luật là cần thiết.

Tuy nhiên, cần phân định giới hạn của việc công bố các thông  tin cá nhân, tổ chức một cách hết sức rõ ràng và đúng đắn để không xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức đó.

Hơn nữa, theo dự thảo Thông tư sửa đổi, việc gửi thông báo này được thực hiện “hàng tuần”. Vì vậy, cần cân nhắc khả năng về kinh phí, cán bộ thực hiện công việc này.
CSGT dừng xe vi phạm
Điểm nổi bật của dự thảo lần này là sau khi bị xử phạt, cơ quan chức năng sẽ thông báo tên người vi phạm giao thông đến địa phương, cơ quan quản lý và trên phương tiện thông tin đại chúng. Ảnh minh họa. 
- Theo Luật sư, biện pháp đưa tên người vi phạm giao thông lên báo liệu có tính răn đe và mang lại hiệu quả hay không?

Như tôi đã trình bày, việc thông báo trên không phải là một biện pháp xử phạt vi phạm hành chính.

Việc thông báo này cũng đóng góp vào việc nâng cao tinh thần chấp hành quy định về an toàn trật tự giao thông.

Còn xét về tính răn đe và hiệu quả của việc thông báo này thì theo như báo cáo của Bộ Công an tại Tờ trình dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 38/2010/TT-BCA, việc thông báo gửi các cơ quan thông tin đại chúng cũng như phản hồi của cơ quan chức năng khác chỉ chiếm 10% tổng số các thông báo vi phạm mà cơ quan xử lý vi phạm đã gửi.

Theo bạn việc 'bêu' tên người vi phạm giao thông trên báo:

  • Nên
  • Không nên
  • Quy định không hợp lý
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Như vậy, vấn đề quan trọng  hiện nay là khả năng thực thi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thông báo hành vi vi phạm của các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm.

- Có ý kiến cho rằng mức phạt vi phạm giao thông hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe nên ngành công an mới dự định đưa lên tên người vi phạm lên báo. Luật sư đánh giá gì về ý kiến này?

Như tôi đã phân tích, việc thông báo hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực giao thông đã được quy định từ năm 2010.

Hiện nay, mức phạt vi phạm giao thông vẫn đang tiếp tục tăng và nâng cao sức răn đe với mọi người và Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt sắp có hiệu lực năm 2014, mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường sắt, đường bộ lại tiếp tục tăng.

Vì vậy, khó có thể khẳng định vì “mức phạt chưa đủ sức răn đe nên ngành công an mới dự định đưa tên người vi phạm lên báo”.

- Một số chuyên gia pháp lý cho rằng: quy định đăng tên người vi phạm lên các phương tiện truyền thông sẽ xâm hại đến danh dự, nhân phẩm của người bị phạt hành chính. Hơn nữa, quy định này cũng không phù hợp với luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và các quy định của Bộ luật Dân sự về bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Ý kiến luật sư?

Như tôi đã phân tích, nếu việc đưa các thông tin về người vi phạm hành chính trên các cơ quan tuyên truyền có thẩm quyền một cách hợp lý và rõ ràng với mục đích quản lý thì sẽ khó có cơ sở để xâm hại danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt hành chính.

Vì vậy, Bộ Công an cần quy định rõ cơ quan truyền thông có thẩm quyền đăng tải thông tin người vi phạm hành chính, các nội dung cần thiết được quyền đăng công khai.

Theo tôi, chỉ có trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính có thẩm quyền quản lý trong lĩnh vực giao thông mới được đăng tải các thông tin về người vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, theo đúng tinh thần của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

- Xin cảm ơn Luật sư!
Điều 72. Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính.

1. Trường hợp vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội thì cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt.

2. Nội dung công bố công khai bao gồm cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả.

3. Việc công bố công khai được thực hiện trên trang thông tin điện tử hoặc báo của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm hành chính.

Nguyễn Dũng (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn