Sáng 31/12, trả lời phóng viên VTC News về dự thảo quy định về đưa “bêu tên” người vi phạm giao thông trên báo chí tại cuộc Họp báo công tác Tư pháp quý IV năm 2013 (Bộ Tư pháp), ông Đỗ Thanh Sơn – Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Tổ trưởng Tổ triển khai đề án về xử lý vi phạm hành chính cho biết, quy định đang trong quá trình soạn thảo và đang được các chuyên gia pháp lý của Bộ Tư pháp và Bộ Công an tiếp thu ý kiến nhân dân, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi trình Chính phủ ban hành.
Theo ông Sơn, qua nắm bắt dư luận và thông tin trên báo chí, Bộ Tư pháp nhận thấy đây là một vấn đề người dân rất quan tâm và có nhiều ý kiến trao đổi.
Trước đây, trong thông tư của Bộ Công an đã quy định việc vi phạm đối với cán bộ công chức vi phạm một số lỗi nặng thì sẽ gửi thông báo về cơ quan để nhắc nhở giáo dục, việc này đạt được hiệu quả nhất định. Ông Đỗ Thanh Sơn – Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Tổ trưởng Tổ triển khai đề án về xử lý vi phạm hành chính. Ảnh: Nguyễn Dũng
Trong dự thảo lần này, có ý kiến về việc đưa tên người vi phạm giao thông lên báo chí.
“Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng việc đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng như thế là tốt, động đến lòng tự trọng của người vi phạm, họ sẽ thấy xấu hổ và sẽ không tái phạm.
Ngược lại, có ý kiến cho rằng, quy định này không phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính, đó là khi xử phạt thì phải bảo đảm danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt” – ông Sơn phân tích.
Đại diện Bộ Tư pháp cũng đặt vấn đề về quy định tại điều 72 của Luật xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, những trường hợp vi phạm liên quan đến xử phạt hành chính như an toàn thực phẩm, hàng hóa, xây dựng, khám chữa bệnh, lao động, bảo hiểm… thì công bố công khai về danh tính, nhưng trong đó không có quy định về lĩnh vực an toàn giao thông thì có trái luật hay không?
“Những vấn đề trên, các chuyên gia pháp lý của Bộ Tư pháp và Bộ Công an đang thảo luận tích cực, cân nhắc từng chi tiết để đến khi Nghị định được ban hành đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật và đảm bảo tính khả thi, tức là có tác dụng nhắc nhở, giáo dục người vi phạm giao thông.
Nếu như tất cả những người vi phạm giao thông đều đưa lên báo chí và các phương tiện truyền thông thì tính khả thi chưa hẳn đã đạt được mục đích mong muốn” – Giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, Tổ trưởng Tổ triển khai đề án về xử lý vi phạm hành chính, Bộ Tư pháp khẳng định.
CSGT dừng xe người vi phạm. Ảnh minh họa: Nguyễn Dũng |
Dự thảo lần này đưa vấn đề sau khi xử phạt, hàng tuần cơ quan chức năng sẽ thông báo tên người vi phạm giao thông đến địa phương, cơ quan quản lý và trên phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài truyền thanh địa phương).
Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng với các trường hợp bị tước giấy phép lái xe (các lỗi gây tai nạn do dừng xe không đúng nơi quy định, mở cửa gây tai nạn, không nhường đường hoặc cản trở xe ưu tiên, chạy quá tốc độ trên 35km/h...); trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ tai nạn giao thông; lợi dụng tai nạn giao thông để xâm phạm sức khỏe, tài sản của người bị nạn; chống đối, cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ...
Kết quả thăm dò ý kiến độc giả về dự thảo quy định đưa tên người vi phạm giao thông lên báo trên VTC News tính đến ngày 31/12/2013. |
Nếu người vi phạm là đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thì các cơ quan, tổ chức, đoàn thể lấy đây làm cơ sở bình xét thi đua. Đối với học sinh, sinh viên thì xem đây là tiêu chuẩn đánh giá đạo đức, hạnh kiểm.
Quy định này thu hút nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, VTC News đã đăng tải nhiều ý kiến của chuyên gia và các ban ngành liên quan cũng như tiếp nhận bình luận, thăm dò ý kiến ủng hộ và không ủng hộ của độc giả.
Kết quả thăm dò tính đến 31/12/2013 cho thấy, có đến 52% độc giả tham gia biểu quyết cho rằng quy định này không hợp lý, 26% cho rằng không nên áp dụng, trong khi đó số người ủng hộ là 20%.
Nguyễn Dũng
Bình luận