Thăm các bé sinh non được chuyển về Bệnh viện Phụ sản Trung ương điều trị, sáng 24/11, Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh Tô Thị Mai Hoa cho biết, sau khi đơn nguyên sinh non của viện Sản Nhi tạm dừng hoạt động để sát khuẩn, các bệnh nhi cả cũ lẫn mới đang điều trị tại đây đều được chuyển lên các bệnh viện tuyến trên.
Hiện, 20 bé được chuyển về các bệnh viện lớn ở Hà Nội; trong đó, Bệnh viện Phụ sản Trung ương tiếp nhận 9 cháu, Bạch Mai 3, còn lại điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Kết quả cấy vi khuẩn trên tay y bác sĩ và vị trí các bệnh nhi nằm tại khu vực chăm sóc trẻ sinh non Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, ngày 23/11 phát hiện có sự hiện diện vi khuẩn đang kháng thuốc nguy hiểm. Vi khuẩn này là thủ phạm gây sốc nhiễm khuẩn gây tử vong 4 trẻ sinh non hôm 20/11. Bệnh viện Bắc Ninh đang tiến hành khử khuẩn toàn bộ khu vực chăm sóc điều trị trẻ sơ sinh.
Kết quả cấy vi khuẩn ở các cháu bé bệnh nặng nhất chuyển về viện Nhi Trung ương và Bạch Mai cũng cho thấy có vi khuẩn đa kháng thuốc. Một bé ở Bệnh viện Nhi Trung ương mắc vi khuẩn đa kháng thuốc Acinetobacter là cầu khuẩn gram âm, có khả năng tích lũy những cơ chế kháng thuốc. Các bé này đều được điều trị cách ly phòng riêng ở các viện Hà Nội để tránh lây lan vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm.
Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, theo tiến sĩ Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, 9 bé chuyển viện đều sinh non cân nặng 1-2,8 kg. Hiện, sức khỏe các bé đều tiến triển tốt, không phải thở máy, có 2-3 cháu dự kiến ra viện trong tuần tới. Ba cháu cân nặng 1-1,4 kg phải nằm nuôi dưỡng trong lồng ấp từ một đến hai tháng.
Trong 9 trẻ chuyển đến Bệnh viện Phụ sản, có một trường hợp sinh đôi. Anh Nguyễn Văn Thịnh ở Bắc Giang cho biết vợ anh sinh đôi bé trai nặng 1,4 kg, bé gái nặng một kg. Sau khi chào đời, các bé được chuyển ngay lên viện, nằm lồng ấp. “Cho hai con chuyển viện lên Phụ sản Hà Nội là tôi yên tâm hơn sau khi có 4 bé tử vong”, người bố nói.
Con cũng bị nhiễm khuẩn được chuyển viện, anh Nguyễn Văn Cường cho biết, bé sinh non khi mới 7 tháng thai, được bệnh viện Bắc Ninh yêu cầu chuyển viện sau vụ nhiễm khuẩn. “Hiện, con tôi đã hết nhiễm khuẩn, may mắn chuyển viện kịp thời nên giữ được tính mạng”, anh Cường nói.
Cũng theo bác sĩ Trác, khó khăn lớn nhất trong việc nuôi dưỡng bé nhẹ cân là vấn đề dinh dưỡng. Các cháu sinh non nên mọi tổ chức cơ thể đều non, dễ bị suy hô hấp, ruột dễ hoại tử, khả năng miễn dịch kém, dễ viêm não và xuất huyết… Do đó, các y bác sĩ phải theo dõi sát sao vấn đề dinh dưỡng theo hướng nuôi ăn tăng dần, kiểm tra hệ tiêu hóa hằng ngày, đặc biệt trong quá trình chăm sóc phải tuyệt đối giữ vệ sinh vô khuẩn.
Bác sĩ Trác cho biết, ở các bệnh viện tuyến tỉnh do điều kiện thiếu thốn nên việc nuôi sống trẻ sinh non còn khó khăn. Ở các bệnh viện tuyến đầu, ví dụ Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã nuôi sống thành công nhiều cháu cân nặng dưới một kg thậm chí 500-600 g.
"Theo thống kê của Trung tâm chăm sóc và điều trị trẻ sinh non Bệnh viện Phụ sản, tỷ lệ sống trẻ cân nặng 600-900 g là 23%, riêng trẻ nặng trên 1,5 kg tỷ lệ sống hơn 96%", bác sĩ Trác nói.
Video: Sợ BV Sản Nhi Bắc Ninh, dân ồ ạt chuyển viện cho con
Nguyên tắc tối ưu để nuôi dưỡng trẻ sinh non là phải đảm bảo vệ sinh môi trường, chống nhiễm khuẩn. Trung tâm chăm sóc trẻ sinh non phải dùng máy lọc khí để diệt khuẩn, lồng ấp, chăn ga trẻ nằm phải đảm bảo được diệt khuẩn 100%.
Trước khi thăm khám cho trẻ, các bác sĩ, điều dưỡng đều phải rửa sạch tay bằng nước sát khuẩn chuyên dụng... Mọi công tác chăm sóc đều do nhân viên y tế tiến hành, cha mẹ chỉ được vào thăm con theo giờ, người mẹ cũng tự vắt sữa gửi nhân viên y tế cho bé ăn theo giờ.
Bình luận