Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM có tuổi đời 160 năm, hiện đã xuống cấp, nhiều phòng khám tạm bợ. Khoa cấp cứu của bệnh viện cũng phải tận dụng một góc nhỏ với diện tích khoảng 60m2 vốn trước đây là một phòng khám của khoa khám bệnh 2 tầng để tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu.
Khoa Khám Bệnh của bệnh viện này là 1 trong 3 bệnh viện xuống cấp vừa được Sở Y tế đề xuất UBND TP.HCM xây mới. Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho rằng, tình trạng quá tải, xuống cấp khiến người bệnh thiệt thòi, khó khăn, chưa tương xứng với tầm phát triển của một bệnh viện chuyên khoa nhiễm đầu ngành.
Bên cạnh đó, nguy cơ cháy nổ gần kề do phía trước ký túc xá Cao Thắng cũng cũ kỹ, xuống cấp. Trong năm 2019, ký túc xá từng xảy ra 2 vụ cháy liên tục trong 1 tháng khiến người bệnh, bác sĩ phải sơ tán khẩn cấp.
Khoa Khám bệnh là một tòa nhà rất cũ luôn chật chội với hàng trăm bệnh nhân đến khám mỗi ngày. Bệnh viện quy mô 550 giường bệnh, những lúc dịch sốt xuất huyết cao điểm phải kê thêm giường, tiếp nhận 700 - 800 bệnh nhân nằm viện cùng lúc.
Hơn 10 năm qua, kể từ năm 2011, UBND T.HCMP chấp thuận cho bệnh viện triển khai dự án xây dựng mới khối Khoa Khám bệnh. Nhưng vì nhiều lý do, đến nay dự án vẫn đang "treo".
Theo TS.BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, tháng 11 bệnh viện kỷ niệm 160 năm thành lập nhưng quy hoạch vẫn treo, "món quà" xây khu khám bệnh mà lãnh đạo thành phố hứa tặng nhân kỷ niệm 150 năm thành lập đến giờ vẫn chưa được nhận.
Bác sĩ Hùng theo đuổi dự án xây khu khám bệnh đã hơn 10 năm, từ khi mới được bổ nhiệm Phó Giám đốc. "Giờ tôi sắp về hưu, điều day dứt nhất là chưa quy hoạch được khu khám bệnh đàng hoàng cho anh em có chỗ phục vụ người bệnh tốt hơn, xứng tầm là tiền đồn chống dịch", ông chia sẻ.
Tương tự, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM nhếch nhác, khu nào cũng quá tải. Phía bên trong, các khoa phòng chật chội, nhiều chỗ đã nứt nẻ dễ gây nguy hiểm cho bác sĩ và người bệnh.
Khoa Khám bệnh của bệnh viện lúc nào cũng ken đặc người. Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình cũng là bệnh viện có nhiều "không" nhất: Không có cổng vào khám bệnh riêng, cổng cấp cứu cũng là cổng để bệnh nhân vào khám bệnh. Bệnh viện có một hành lang nhỏ nhưng tập trung cả cấp cứu, lấy số thứ tự khám bệnh (cấp cứu, bảo hiểm, không bảo hiểm), nhà thuốc, phòng viện phí, khu vực ngồi chờ khám, không đủ ghế ngồi bệnh nhân phải ngồi lên bậc tam cấp, phải đứng để chờ khám, lãnh thuốc…
Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám ngoại trú khoảng 1.500 - 2.000 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân nội trú khoảng 600 - 700 người (trong khi chỉ tiêu giường bệnh của bệnh viện là 500 giường). Mỗi bệnh nhân nội có ít nhất 1 người đi theo chăm bệnh, cộng với khoảng 900 nhân viên, chưa kể các sinh viên, bác sĩ đi học.
Anh Phạm Anh Tuấn (27 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) đến bệnh viện phẫu thuật chân bị chấn thương và phải chờ tới lượt khám trong thời gian dài. Tận mắt chứng kiến và "trải nghiệm" cảnh chen chúc này, anh Tuấn chia sẻ: “Những ngày này đi viện rất cực, trời mát còn đỡ chứ trời nóng hơn với phòng ốc chật chội, cũ rích như thế này thì quả thật rất vất vả”.
Khuôn viên bệnh viện quá chật chội, chỉ có 1 con đường "độc đạo" để di chuyển bệnh nhân khám bệnh, chụp X-quang, chuyển bệnh nhân đi mổ cấp cứu, thậm chí… di chuyển rác thải. Điều này khiến môi trường bệnh viện dễ bị nhiễm khuẩn, nhiều kẻ xấu lợi dụng bệnh nhân chen lấn để móc túi, cò bệnh…
Người bệnh khổ, nhưng nhân viên y tế còn khổ hơn. Bệnh viện không có bãi xe cho nhân viên, đành phải thuê nhà dân bên ngoài và xin để nhờ phần đất của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Tuy nhiên, phương án này chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu thực tế.
Bình luận