• Zalo

Bệnh viện K thông tin vụ bệnh nhân chết bất thường sau khi tiêm thuốc

Sức khỏeThứ Ba, 03/10/2017 18:18:00 +07:00Google News

Bệnh viện K (cơ sở 3 Tân Triều, Hà Nội) vừa thông tin chính thức về sự việc bệnh nhân chết bất thường sau khi tiêm thuốc cản quang.

Liên quan việc bệnh nhân chết bất thường sau khi tiêm thuốc ở bệnh viện K (cơ sở 3 Tân Triều, Hà Nội), chiều 3/10, Bệnh viện K Trung ương vừa có thông tin chính thức về vụ việc.

Theo bệnh viện K, bệnh nhân mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn IB1 được phẫu thuật cắt tử cung toàn bộ và phần phụ tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An hồi tháng 5/2017. Giải phẫu bệnh ung thư biểu mô tế bào vảy xâm lấn trên ½ lớp cơ, hạch chậu âm tính, parameche âm tính.

Sau mổ 4 tháng, bệnh nhân có triệu chứng ra máu âm đạo nên đến khám lại tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An thấy khả năng nghi ngờ tái phát.

Đến ngày 21/9, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện K với triệu chứng đau hạ vị kèm ra máu âm đạo bất thường, nghi tái phát, cần khám và xạ trị.

Tiếp đó, ngày 28/9, bệnh nhân đến Bệnh viện K khám và chẩn đoán theo dõi ung thư cổ tử cung tái phát, được chỉ định làm xét nghiệm chỉ điểm khối u (định lượng CEA125, SCC, HE4), X-Quang phổi thẳng, siêu âm tử cung phần phụ, chụp cắt lớp vi tính bụng – tiểu khung thường quy (16 dãy) có tiêm thuốc cản quang.

Vào lúc 9h56 ngày 29/9, bệnh nhân được tiêm thuốc cản quang tại Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện K. Sau khi chụp xong được theo dõi tại khoa.

Vào 10h05 ngày 29/9 bệnh nhân đột ngột bị tức ngực, khó thở, da ngứa, mẩn đỏ. Kèm theo các triệu chứng da đỏ, xung huyết, phù nề, khó thở, nhịp thở 26 lần/phút, không tiếng rít thanh quản, mạch 100 lần/phút, Huyết áp 80/60 mmHg, SpO2 95%, tim đều, phổi rì rào phế nang rõ, không rales.

Chẩn đoán sốc phản vệ do thuốc cản quang/ung thư cổ tử cung đã phẫu thuật. Bệnh nhân ngay lập tức được xử trí tại chỗ và vận chuyển sang khoa Hồi sức cấp cứu, được xử trí thở oxy, adrenalin truyền tĩnh mạch, Corticoide, kháng H1.

Video: 31 thai phụ bị tiêm nhầm vắc - xin ở Bắc Ninh

Sau 5 giờ cấp cứu, bệnh nhân tỉnh, da đỡ đỏ, xung huyết, còn tức ngực, mạch 100 lần/phút, huyết áp 105/80 mmHg, SpO2 95 %, tim đều, phổi không rales.

Bệnh nhân được hội chẩn trong khoa Hồi sức cấp cứu với kết luận tình trạng nặng, chưa thoát sốc, cần được duy trì điều trị và theo dõi sát. Chỉ định cận lâm sàng, công thức máu, khí máu, sinh hóa máu, điện tim đồ.

Trong đêm, bệnh nhân được duy trì adrenalin 0,2 µg/kg/phút. Tình trạng hô hấp huyết động tạm ổn định. Huyết áp 85-110/60-70 mmHg, mạch 90-115 lần/phút, SpO¬2 98-100%, không sốt, tiểu 2.000 ml/23h.

Tình trạng trong đêm tương đối ổn định nhưng vào 8h ngày 30/9 xuất hiện hiện tượng khó thở nhiều, ho khạc đờm bọt hồng, phổi nhiều rales ẩm lan đến đỉnh, tim nhanh đều 160 lần/phút, huyết áp 40/20 mmHg, SpO2 60%.

Mặc dù được cấp cứu hô hấp tuần hoàn, tình trạng bệnh không cải thiện bệnh nhân chết lúc 9h30 ngày 30/9.

Tùng Lâm
Bình luận
vtcnews.vn