• Zalo

Bệnh viện đủ khả năng mua thuốc vẫn phải chờ Sở Y tế đấu thầu theo quy trình

Chính trịThứ Tư, 05/04/2023 17:16:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ cho biết, nhiều bệnh viện có đủ khả năng mua thuốc phù hợp với giá thị trường nhưng vẫn phải chờ Sở Y tế đấu thầu theo quy trình.

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 5/4, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Góp ý về việc đấu thầu thuốc và vật tư y tế, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) đề nghị xem xét vấn đề đấu thầu tập trung, đấu thầu quốc gia và đấu thầu địa phương.

Nêu rõ trong lĩnh vực này người đấu thầu là người không sử dụng, tại địa phương, Sở Y tế đứng ra đấu thầu rồi mới cấp phát cho các đơn vị, đại biểu Tạ Văn Hạ nhìn nhận thực tiễn giám sát các địa phương vừa qua cho thấy có một số tỉnh do chậm trễ trong đấu thầu dẫn đến cả tỉnh chậm thuốc.

"Trong đó có những loại thuộc người bệnh rất cần, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng nhân dân. Nhiều doanh nghiệp, bệnh viện có đủ cơ sở, có đủ khả năng để mua thuốc phù hợp với giá thị trường nhưng vẫn phải chờ Sở Y tế đấu thầu theo rất nhiều quy trình", ông Tạ Văn Hạ nói.

Bệnh viện đủ khả năng mua thuốc vẫn phải chờ Sở Y tế đấu thầu theo quy trình - 1

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ.

Chỉ rõ bất cập này, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ đề nghị ngành Y tế là ngành đặc thù nên cần phải xem xét quy định về đấu thầu tập trung, đấu thầu thuốc để có quy định phù hợp.

Theo ông Tạ Văn Hạ, đấu thầu vướng mắc trong khu vực nhà nước chủ yếu là do tổ chức thực hiện. Do đó, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị phải rõ, phải bảo đảm công khai minh bạch, cạnh tranh, tuân thủ các quy định cam kết quốc tế.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đề nghị xem xét lại quy định áp dụng chỉ định thầu với gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội.

"Quy định này khác với Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư theo đúng thẩm quyền của Quốc hội. Tôi đề nghị cân nhắc nghiên cứu kỹ lưỡng để quy định đúng vai của các cơ quan", đại biểu nói.

Liên quan đến tổ chức đấu thầu trước, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) nêu thực tế thời gian qua việc tổ chức đấu thầu trước có nhiều hệ lụy, bởi nếu tổ chức đấu thầu trước nhưng hồ sơ mời thầu chưa xong, cấp thẩm quyền chưa cho ý kiến hoặc trong quá trình giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành, giá trị xây lắp tăng, giá nhân công tăng dẫn tới đội vốn, phát sinh nhiều tiêu cực.

"Tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc không nên quy định đấu thầu trước trong dự thảo luật. Sau khi các dự án phê duyệt xong hoàn toàn mới tổ chức đấu thầu", đại biểu Quốc hội nói.

Bệnh viện đủ khả năng mua thuốc vẫn phải chờ Sở Y tế đấu thầu theo quy trình - 2

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Ông Phạm Văn Hòa cũng đặt vấn đề ai sẽ chịu trách nhiệm nếu đội vốn khi dự án không thể thực hiện trong 1-2 năm bởi cho đấu thầu trước nhưng chưa giải phóng mặt bằng xong thì không thể thực hiện được.

Liên quan đến vấn đề chỉ định thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh về sự cần thiết, nhất là trong những trường hợp đặc biệt để đảm bảo các tiêu chí đề ra. Tuy nhiên, ông nhìn nhận nhiều nhà đầu tư không dám chỉ định thầu vì có nhiều quy định ràng buộc, trách nhiệm của nhà đầu tư rất lớn.

"Hiện nay, các dự án lớn hầu như không dám chỉ định thầu mà tổ chức đấu thầu cho dễ. Vì vậy, cần quy định cụ thể về nội dung chỉ định thầu", đại biểu kiến nghị.

Làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nhấn mạnh, một trong những mục tiêu của Luật Đấu thầu là tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các nhà sản xuất, nhà cung cấp để có thể được tham gia vào các gói thầu của khu vực công, các khu vực ở trong xã hội.

Bệnh viện đủ khả năng mua thuốc vẫn phải chờ Sở Y tế đấu thầu theo quy trình - 3

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn.

"Các nước trên thế giới dù có những điều kiện khác nhau nhưng đều tiến hành đấu thầu bình thường. Nếu chỉ thông qua con đường chỉ định thầu ấy thì tất cả những dự án sẽ vào những công ty lớn. Sau đó, công ty lớn chia cho công ty nhỏ. Khi đó những công ty khởi nghiệp sáng tạo sẽ không bao giờ tham gia được vào", ông Nguyễn Hữu Toàn nói.

Về chỉ định thầu, qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất hạn chế chỉ định thầu. Tuy nhiên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý rằng, đấu thầu nhằm lựa chọn được nhà thầu chất lượng với giá cả hợp lý nhưng hơn hết đấu thầu là nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh, bình đẳng cho các nhà sản xuất. Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Hữu Toàn đề nghị đại biểu Quốc hội cân nhắc liên quan đến chỉ định thầu. 

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn