• Zalo

Bệnh viện công tận thu cả tiền điều hòa, toilet

Bạn đọcThứ Năm, 21/08/2014 07:39:00 +07:00Google News

Ngoài thu phí đi cầu thang, các bệnh viện công còn tận thu cả tiền đi vệ sinh, điều hòa... khiến gánh nặng chi phí của bệnh nhân và người nhà càng nặng thêm.

Ngoài thu phí đi cầu thang, các bệnh viện công còn tận thu cả tiền đi vệ sinh, điều hòa... khiến gánh nặng chi phí của bệnh nhân và người nhà càng nặng thêm.

Đua thu phí đi thang máy

Hàng trăm độc giả đang  “tố cáo” tình trạng này ở hàng loạt bệnh viện, trên khắp cả nước.

Theo phản ánh của độc giả, có thể kể tên các bệnh viện: Bãi Cháy, Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh); bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận, bệnh viện Đa khoa Phú Yên, bệnh viện TƯ Huế; bệnh viện 115, Phạm Ngọc Thạch, Viện Mắt, bệnh viện Nhân dân Gia Định, bệnh viện Đa khoa quận 6 (TP.HCM); bệnh viện Đa khoa Long An... Hầu hết các cơ sở y tế này đã thu phí thang máy từ lâu, cách đây 5 năm đến cả chục năm.

Nhà vệ sinh nhiều bệnh viện rất bẩn nhưng cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đều phải trả phí (ảnh Tuổi trẻ) 

Trước tình trạng này, độc giả Nguyen Minh (Ducminhducbrvt@... vn), phải thốt lên: “Sao lạ quá trời? Theo quy định xây dựng ở các nước thì nhà 6 tầng trở lên thì bắt buột phải có thang máy. Nhà chỉ từ 2 đến 5 tầng thì không yêu cầu bắt buộc. Vì thế, khi xây các công trình công cộng như trường học, bệnh viện không nên (hoặc không được) quá 5 tầng. Nếu có thì cần phục vụ thang máy miễn phí hoặc thu trong dịch vụ chung”.

Độc giả Nguyễn Quang (quangnh2001@... com) cho rằng, rõ ràng các bệnh viện đang tận thu. Anh chất vấn: “Nói để trả tiền điện tiền bảo dưỡng thang máy thì hơi nhầm. Bệnh viện có nhiều nguồn thu và điện, bảo dưỡng thang máy rất nhỏ so với nguồn thu của bệnh viện như tiền trông xe, thuê căng tin.... Một năm tiền điền trả cho thang máy bao nhiêu, tiền bảo trì tháng máy bao nhiêu mà tận thu như thế?”.

Tận thu cả tiền điều hòa, thang máy


Chia sẻ trên mạng xã hội, thành viên Tomna bức xúc: “Lạy các bệnh viện, hay chỉ bệnh viện này thôi? Mỗi bệnh nhân mất 30.000 đồng để ngồi điều hòa trong vòng 5phút? Mà cái món này bây giờ bệnh nhân đông đến độ nào thì ai cũng biết... ”. Để chứng minh cho lời nói của mình, thành viên này đăng bức ảnh chụp hóa đơn thu phí ngày 18/8/2014, trong đó có mục thu tiền khám có trang bị điều hòa 30.000 đồng.

Thành viên Lemac chia sẻ thêm: “Cách đây hơn 1 năm, mình cũng mất 120.000 đồng tiền giường nằm khi vào khoa Khám bệnh của bệnh viện này mà cũng chỉ nằm để bác sĩ hỏi xem có bệnh gì không? Những người phải nằm truyền nước hay nằm lâu thì không sao, còn mình bác sĩ chỉ hỏi han, cho đi làm xét nghiệm thì cũng không nằm giường đó nữa. Mười phút mất 120.000 đồng. Bất cứ ai vào phòng khám này đều phải đóng số tiền trên”.
bệnh-viện, thu-phí, phí-thang-máy, nhà-vệ-sinh, tận-thu, điều-hòa, khám-bệnh, bệnh-nhân
Hóa đơn khám bệnh 30.000 đồng có điều hòa

Trên thực tế, nhiều người cho rằng vụ thu tiền điều hòa khi khám bệnh ở bệnh viện trên là không sai. Nếu đọc kĩ, sẽ thấy tên khoản thu là tiền công khám (có điều hòa), chứ không phải số tiền bệnh nhân phải trả để ngồi điều hòa 5 phút. Bởi, theo quy định của Bộ Y tế, kể từ thời điểm tăng viện phí (tháng 8/2012), để được phép thu giá khám bệnh 30.000 đồng/lần, thì phòng khám đó phải đạt các điều kiện: rộng bao nhiêu mét, có quạt, có bồn rửa tay, có điều hòa, 1 ngày chỉ được khám 30 người, v..v...

Hóa đơn khám bệnh 30.000 đồng có điều hòa  

Tuy nhiên, không chỉ thu tiền thang máy, điều hòa... mà nhiều bệnh viện còn thu tiền đi vệ sinh của bệnh nhân và người nhà. Từng vào bệnh viện Phụ sản Trung ương nhiều lần khám bệnh, chị Đỗ Thị Hiền, quê Nam Trực, Nam Định cho biết, đi vệ sinh trong viện chị phải đóng 1.000 đồng đi tiểu tiện và 2.000 đồng đi đại tiện. “Nhà vệ sinh chật chội, bẩn thỉu, nồng nặc mùi khai nhưng vì phải đi tiểu tiện mới được siêu âm nên lần nào tôi cũng phải vào chỗ đó. Tôi thấy khoản thu vệ sinh này rất vô lý”, chị Hiền nói.

Tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến tại các bệnh viện. Tại bệnh viện Răng hàm mặt TƯ, người nhà, bệnh nhân muốn đi vệ sinh phải đóng tiền. Bệnh viện chỉ có duy nhất một khu nhà vệ sinh dành cho người bệnh, ở sát chân cầu thang, phía bên tay phải khi bước qua cổng vào bệnh viện. Một người phụ nữ ngồi trực thu phí tiểu tiện 2.000 đồng/người/lượt, đại tiện là 3.000 đồng/người/lượt.

Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM cũng thu tiền vệ sinh cả bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, 1.000 đồng cho 1 lần đi. Lãnh đạo bệnh viện này từng trả lời trên báo chí: “Nhà vệ sinh của bệnh viện nằm sát đường Trần Quốc Thảo nên nhiều người ngoài cũng vào đi mà không giữ vệ sinh chung. Vì thế, số tiền thu được cộng với tiền bệnh viện bỏ ra thêm mới đủ để trả tiền lương cho người gác cửa và túc trực lau chùi”.

Rất nhiều bệnh nhân và người nhà bức xúc vì những khoản thu vô lý trên từ các bệnh viện. Thành viên Nguyen Tien Dung cho hay, vì anh rất ngại mỗi lần phải vào bệnh viện. “Mặc dù nhiều khoản thu không đáng kể nhưng nó khiến mình và mọi người không thoải mái. Tận thu như vậy nhưng dường như, bệnh viện đầu tư lại không đáng kể”, anh này nói.

Theo VNN
Bình luận
vtcnews.vn