Anh V.M.L (32 tuổi, ngụ TP.HCM) được đưa đến Bệnh viện Nhân Dân 115 cấp cứu sau 10 phút bị đâm vào vùng ngực, sâu phạm đến tủy. X-quang tim phổi ghi nhận dị vật cản quang nằm chồng lên bóng tim.
Nhận bệnh, khoa Cấp cứu tổng hợp hội chẩn với khoa Phẫu thuật tim - Lồng ngực mạch máu rồi thực hiện ngay quy trình báo động đỏ trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân.
Tại phòng mổ, bệnh nhân được mở ngực. Thám sát không thấy dị vật xuyên vào khoang màng phổi, anh L. được hội chẩn khoa Ngoại thần kinh vì khả năng dị vật đi vào vùng cột sống ngực. Các bác sĩ quyết định rút dị vật và khâu vết thương vùng cột sống ngực, đề nghị thực hiện chụp CT và MRI cột sống ngực khi tình trạng bệnh nhân ổn định.
Nhờ được cấp cứu kịp thời, anh L. thoát chết.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, đối với bệnh nhân bị thương và còn dị vật trong vùng vết thương, mọi người không nên rút dị vật ra khỏi vết thương mà nên đưa bệnh nhân vào bệnh viện gần nhất. Điều này nhằm tránh tăng thêm nguy cơ tổn thương các mạch máu lớn hoặc các cơ quan quan trọng khác có thể dẫn đến tử vong.
"Nên thực hiện cận lâm sàng nhằm đánh giá đường đi dị vật và các cấu trúc mạch máu, thần kinh có thể bị tổn thương. Như trong trường hợp này, bệnh nhân cần thực hiện CT scan vùng ngực để đánh giá các nguy cơ tổn thương trước khi phẫu thuật rút dị vật nếu tình trạng sinh hiệu bệnh nhân ổn định.
Khi bệnh nhân có tình trạng shock, cần thực hiện quy trình báo động đỏ để đưa bệnh nhân lên thẳng phòng mổ và hội chẩn phẫu thuật thám sát ngay tại phòng mổ", ekip điều trị đưa ra lời khuyên với nhân viên y tế.
Bình luận