Ngày 19/2, bệnh viện Bạch Mai kỉ niệm 105 ngày thành lập, VTC News đăng lại những dấu mốc lịch sử của bệnh viện đa khoa hàng đầu đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
1911-1945 Thời kỳ đầu thành lập
Bệnh viện Bạch Mai phát triển từ một cơ sở điều trị dành cho những bệnh nhân bị bệnh lây ở Cống Vọng thuộc tỉnh Hà Đông lúc bấy giờ (nay là Hà Nội). Khu này đuợc khởi công xây dựng năm 1911 và được gọi là Bệnh viện Lây Cống Vọng ( Hôpital des contagieux à Cống Vọng).
Năm 1929 được mở rộng thành một bệnh viện đa khoa mang tên Bệnh viện Robin, vừa khám chữa bệnh cho người Việt Nam vừa là cơ sở thực hành của Trường Y Dược, Khoa Đông Dương. Bệnh viện lây Cống Vọng - tiền thân của bệnh viện Bạch Mai.
Ngày 9/3/1945, sau đảo chính Nhật- Pháp, Bệnh viện chính thức mang tên là Bệnh viện Bạch Mai.
Trong thời kỳ tạm chiếm, Bệnh viện Bạch Mai đã được tu sửa lại và tiếp nhận bệnh nhân với các điều kiện khám chữa bệnh thiếu thốn và lạc hậu. Khu điều trị bệnh nhân thần kinh cũng là nơi giam giữ tù chính trị. Người dân Hà Nội gọi là Nhà thương làm phúc.
Sau cách mạng tháng 8 đến 1954
Cách mạng tháng 8 thành công. Ngày 2/9/1945 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Bệnh viện Bạch Mai là một đơn vị của nền y tế cách mạng, các thày thuốc và nhân viên Bệnh viện đã hăng hái làm việc trong điều kiện tài chính thiếu thốn, thày thuốc ít, bệnh nhân đông, thuốc men hạn hẹp, để duy trì hoạt động của bệnh viện, khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Chưa được bao lâu, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Cùng với các tầng lớp nhân dân, cán bộ công chức Bệnh việnBạch Mai đã hăng hái tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ Bệnh viện, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trong thời kỳ thủ đô bị tạm chiếm, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng cơ sở bí mật hoạt động trong bệnh viện. Chi bộ Đảng và các tổ công đoàn kháng chiến đã vận động viên chức, nhân viên ủng hộ kháng chiến, chống âm mưu tuyên truyền phản động của địch, đòi tăng luơng và cải thiện điều kiện làm việc.
Trước ngày giải phóng thủ đô, công chức và nhân viên bệnh viện đã đấu tranh không cho địch di chuyển máy móc, dụng cụ và thuốc men vào Nam , bảo vệ người và tài sản. Vì vậy, đến ngày tiếp quản thủ đô 10/10/1954 , Bệnh viện Bạch Mai hầu như vẫn còn nguyên vẹn, các hoạt động chuyên môn vẫn tiếp tục.
1954-1965: Xây dựng miền Bắc - giải phóng miền Nam
Một vinh dự rất lớn đối với Bệnh viện Bạch Mai là vào 17giờ ngày 15/12/1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Bệnh Viện. Bác khen ngợi và cảm ơn anh, chị, em cán bộ nhân viên đã tích cực và bền bỉ đấu tranh với địch bảo vệ và giữ gìn tài sản Bệnh viện được tương đối nguyên vẹn.
Bác nói: “ Bây giờ ta làm việc cho ta, ta là chủ của nước Việt Nam DCCH. Đã là người tự do, người chủ thì phải làm thế nào cho xứng đáng, từ công việc, thái độ đến tư tưởng đều phải có tư cách làm chủ”. Bác Hồ đến thăm bệnh viện Bạch Mai.
Người khuyên mọi người phải thật thà đoàn kết và giúp đỡ nhau tiến bộ. “Ai làm việc gì tốt có kết quả thì được khen, ai có sai sót thì góp ý sửa chữa. Làm đuợc như vậy mọi người sẽ đoàn kết hăng hái thi đua hoàn thành nhiệm vụ của mình. Có cơm ngon, thuốc đúng, người phục vụ tận tụy nhất định bệnh nhân mau khỏi, nhà thương mau tiến”.
Thực hiện lời dạy của Bác, Bệnh viện đã phân đấu không ngừng củng cố tổ chức, tích cực sửa chữa cơ sở, bổ sung thêm một số trang thiết bị cần thiết, xây dựng và mở rộng thêm nhiều khoa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.
1965-1975: Mỹ leo thang đánh phá Miền Bắc
Năm 1965 khi đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam, Bệnh viện đã tiễn 16 bác sỹ và nhân viên gia nhập bộ đội, 12 bác sỹ và y tá vào phục vụ chiến trường miền Nam, 10 bác sĩ và y tá sang sát cánh với các bạn Lào và nhiều cán bộ Bệnh viện đã lên đuờng chi viện cho các tỉnh khu 4 chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên miền Bắc.
Bệnh viện cũng đã cử 5 đoàn phẫu thuật lưu động, tổ chức hai đội cấp cứu phòng không khẩn truơng về các nơi bị địch oanh tạc ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, phục vụ kịp thời, cứu chữa thương binh và các nạn nhân chiến tranh.
Từ năm 1965 đến những năm 1970-1972 Bệnh viện luôn luôn có phưong án hoạt động phù hợp với thời chiến cũng như thời bình như “ ngoại khóa hóa” cán bộ và củng cố và mở rộng thêm một số cơ sở. Các khoa, phòng đã được tổ chức lại, bổ sung thêm trang thiết bị. Đặc biệt trong hai năm 1970-1971, Chính phủ Thụy Điển đã viện trợ cho Bệnh viện một số máy móc thiết bị cơ bản có giá trị để trang bị cho nhiều khoa, phòng.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nhiều các đống chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã nhiều lần đến thăm và động viên CBCC Bệnh viện.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Đế Quốc Mỹ, Bệnh viện Bạch Mai đã 4 lần bị máy bay Mỹ ném bom. Trận ném bom ngày 22-12-1972 là ác liệt nhất, trong lúc Bệnh viện có hơn 300 bệnh nhân nằm điều trị dưới hầm. Nhiều khu nhà làm việc và bệnh phòng bị sập đã lấp kín một số hầm trong đó có nhiều bác sỹ, y tá, kỹ thuật viên, hộ lý, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Y khoa đang làm việc dưới hầm.
Họ bị chấn thương nặng và bị ngạt. Việc tổ chức cứu sập, cấp cứu rất khẩn trương, kịp thời và tích cực nhưng đã có 28 đồng nghiệp hy sinh. Đài tưởng niệm các đồng nghiệp và tấm bia căm thù giặc Mỹ đã đuợc xây dựng tại khuôn viên Bệnh viện đã hy sinh dũng cảm vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Chỉ sau năm ngày khắc phục hậu quả, ổn định tổ chức, cán bộ toàn bệnh viện đã tiếp tục công tác cấp cứu nạn nhân bị thương nặng do bom Mỹ ném xuống Khâm Thiên và các khu vực khác ở Hà Nội trong những ngày đêm sau đó.
Từ sau 1975: Thống nhất đất nước
Từ năm 1974, Bệnh viện Bạch Mai được sửa chữa và xây dựng lại như cũ. Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, Bệnh viện Bạch Mai đã cử nhiều cán bộ vào chi viện cho ngành y tế vào công tác tại các vùng mới giải phóng.
Căn cứ quy hoạch và nhiệm vụ nhà nước giao cho. Bệnh viện đã thành lập thêm nhiều khoa mới. Sau này một số chuyên khoa đã đuợc nâng cấp, một số viện được thành lập như Viện Da liễu, Viện Huyết học truyền máu, Viễn Lão khoa, Viện Tim mạch, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Viện Sức khỏe tâm thần.
Hàng năm, trung bình có trên 100 sáng kiến cải tiến trong công tác khám chữa bệnh điều trị chăm sóc bệnh nhân đuợc áp dụng. Nhiều chuyên khoa đầu ngành bệnh viện đã tham gia đào tạo hàng nghìn sinh viên, hàng nghìn cán bộ từ các tỉnh về học với nhiều lớp bổ túc chuyên môn ngắn hạn cho hàng nghìn học viên các tỉnh. Trường Trung học y tế Bạch Mai đã đào tạo nhiều y tá cung cấp cho các bệnh viện.
Ngày 27-2-1991 nhân dịp ngày thầy thuốc Việt Nam , Bệnh viện Bạch Mai lại vinh dự đuợc đón tiếp đồng chí Nguyễn Văn Linh- Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng đến thăm. Đồng chí biểu dương những thành tích to lớn mà Bệnh viện đã đạt đuợc trong nhiều năm qua trong việc khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân, chúc sức khỏe CBCC Bệnh viện nhân ngày thầy thuốc Việt Nam và nhân dịp tết Nguyên Đán.
Từ 1995 đến nay, được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ, được sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế đặc biệt là Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, Bệnh viện đã phát triển vượt bậc về quy mô, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trở thành một bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh, hiện đại, ngang tầm với các nước trong khu vực, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
Hiện nay bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1400 giường bệnh với tổng số CBCC là 2000 (bao gồm 1800 thuộc biên chế và hợp đồng của Bệnh viện và 200 CBCC Trường Đại học Y Hà Nội thường xuyên công tác tại Bệnh viện).
Với chiều dày lịch sử gần một thế kỷ, phát huy truyền thống yêu nước đoàn kết phấn đấu vì sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân. Trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới bệnh viện Bạch Mai đã phát triển vượt bậc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
Bệnh viện Bạch Mai ngày nay.
Với đội ngũ GS, PGS, TS, ThS, BS, DS, KS, Y tá điều dưỡng, KTV có trình độ cao, với máy móc, trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, bệnh viện Bạch Mai luôn là nơi khám chữa bệnh có chất lượng hàng đầu và tin cậy của người bệnh và nhân dân cả nước. Hàng năm số lượng bệnh nhân đến khám là 350.000 đến 450.000 người. Số bệnh nhân điều trị nội trú trung bình từ 50.000 đến 60.000 người. Tỷ lệ sử dụng giường bệnh lúc nào cũng quá tải (trên 100%). Ngày điều trị trung bình đạt từ 10 - 12 ngày. Số xét nghiệm và các kỹ thuật thăm dò chức năng tăng cao (2.000.000 – 2.500.000 lượt XN). Tỷ lệ tử vong hạ thấp so với những năm trước đây 2- 3% (trước 1995), nay chỉ còn 0 ,82 %.
Đầu năm 2004, Bệnh viện trực tiếp điều trị cho nhiều bệnh nhân bị bệnh dịch SARS, không có trường hợp nào tử vong và khống chế không để lây nhiễm trong bệnh viện và cộng đồng. Góp phần chủ yếu cùng CBCC ngành y tế khống chế thành công dịch SARS đầu tiên trên thế giới.
Năm 2004 và đầu năm 2005 Bệnh viện lại điều trị và khống chế thành công bệnh viêm phổi do virus cúm type A. Góp phần dập tắt dịch: “Cúm gà” -H5N1 ở Việt Nam.
Nhiều kỹ thuật tiên tiến hiện đại được ứng dụng có hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người bệnh như kỹ thuật sử dụng máy X-Quang tăng sáng truyền hình, chụp mạch 2 bình diện, chụp cắt lớp vi tính CT Scanner, siêu âm Doppler màu… sử dụng kỹ thuật nong mạch vành có giá đỡ, nong van tim, mổ tim hở, điều trị ung thư gan bằng đốt nhiệt sóng cao tần, bằng phương pháp nút mạch, kỹ thuật hóa mô miễn dịch trong chẩn đoán mô tế bào học, kỹ thuật lọc máu…83 kỹ thuật cao đã được áp dụng trong những năm qua đã góp phần chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả, cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai
Bình luận