Da bị ngứa và nổi mẩn đỏ, tại sao có bác sĩ chẩn đoán là bệnh chàm, có bác sĩ lại nói là viêm da cơ địa? Nguyên nhân của bệnh chàm là gì? Làm thế nào để tránh bệnh tái phát?
Bác sĩ da liễu nổi tiếng Đài Loan Xu Ci Qian giải thích: "Bệnh chàm thực chất là một thuật ngữ chung cho bệnh viêm da. Các bệnh mà mọi người thường nghe nói như viêm da cơ địa, viêm da tiết bã, tổ đỉa... thực chất đều là một dạng của bệnh chàm".
Theo bác sĩ Xu Ci Qian, triệu chứng rõ nhất của bệnh chàm là ngứa ngáy. Ở giai đoạn cấp tính, da có thể nổi mụn nước nhỏ và mẩn đỏ, nhìn được bằng mắt thường. Ở giai đoạn bán cấp và mãn tính, da có thể bong tróc, nứt nẻ, dày lên và tăng sắc tố sau viêm.
Nếu tìm kiếm các bức ảnh về bệnh chàm trên Internet, bạn sẽ thấy nhiều loại triệu chứng bệnh khác nhau. Đó là bởi ở mỗi thời kỳ khác nhau, bệnh chàm sẽ có những triệu chứng khác nhau.
Bệnh chàm bùng phát liên quan đến thể chất và môi trường
Dựa vào nguyên nhân gây bệnh có thể chia bệnh chàm thành 2 loại: bệnh chàm ngoại sinh và bệnh chàm nội sinh.
Bệnh chàm ngoại sinh xảy ra do thay đổi môi trường bên ngoài hoặc tiếp xúc với các chất gây dị ứng như mạt bụi, phấn hoa... Dị ứng thức ăn hoặc thay đổi mùa, nhiệt độ nóng lạnh cũng có thể gây ra các triệu chứng chàm. Với bệnh chàm ngoại sinh, nếu tìm ra nguyên nhân gây bệnh và giảm tiếp xúc thì bạn có thể tránh được nguy cơ tái phát.
"Bệnh chàm là một chứng rối loạn miễn dịch. Nếu bạn không tránh xa các chất gây dị ứng, nó sẽ trở nên tồi tệ hơn", bác sĩ Xu Ci Qian đưa ra lời khuyên. Một số người quan niệm "lấy độc trị độc" và nghĩ rằng nếu tiếp xúc dần dần và ngày càng nhiều hơn với chất gây dị ứng thì có thể làm giảm triệu chứng, nhưng thực tế hành động này chỉ khiến phản ứng miễn dịch ngày càng nặng và trầm trọng hơn.
Bệnh chàm nội sinh có liên quan đến thể chất, ví dụ những bệnh nhân viêm da cơ địa bẩm sinh đã có hàng rào bảo vệ da mỏng manh, không thể duy trì khả năng giữ nước đầy đủ, khả năng kháng khuẩn cũng thấp. Nhưng đừng lo lắng! Nếu chăm chỉ chăm sóc da hàng ngày, thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên để tăng cường độ ẩm cho da, thì vẫn có thể củng cố được hàng rào bảo vệ da của bạn.
Khi vết chàm bị ngứa, không nên gãi và bôi thuốc mỡ
Khi ngứa ngáy vì bị chàm, bạn không nên gãi liên tục. Bác sĩ Xu Ci Qian cho hay việc gãi ngứa sẽ làm tổn thương lớp sừng của da, gây suy yếu hàng rào bảo vệ da, tạo điều kiện cho các dị nguyên xâm nhập, từ đó gây ra một loạt các phản ứng viêm, khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy hơn.
Khi hàng rào bảo vệ da ngày càng xấu đi, tụ cầu vàng trên bề mặt da dễ xâm nhập, gây ra nhiễm trùng và xuất hiện các nốt áp xe, đóng vảy, nghiêm trọng hơn có thể gây viêm mô tế bào hoặc nhiễm vi rút Herpes Simplex. Vì vậy, việc cân bằng hệ vi sinh vật trên da và giữ gìn hàng rào biểu bì da cũng là một việc quan trọng mà bệnh nhân bị chàm cần làm hàng ngày.
Thuốc kháng histamine dạng uống, thuốc steroid dạng uống và bôi thường được sử dụng trong điều trị chàm cấp tính. Nếu tái phát nhiều lần gây ảnh hưởng đến cuộc sống, nên cân nhắc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch hoặc liệu pháp quang trị liệu bằng tia UVB để không phải dùng nhiều thuốc steroid.
Nếu ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh chàm nhẹ thì không nhất thiết phải can thiệp bằng thuốc. Thay vào đó nên tăng cường dưỡng ẩm cho da, tăng khả năng giữ nước cho lớp sừng, giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi da.
Theo bác sĩ Xu Ci Qian, một số bệnh nhân chàm mãn tính thường đến hiệu thuốc để mua thuốc mỡ về tự bôi khi bệnh tái phát, nhưng nếu dùng thuốc mỡ nồng độ cao trong thời gian dài có thể gây ra tác dụng phụ, ví như làm mỏng da đi và giãn mạch. Nếu phải bôi thuốc thường xuyên, tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ.
Khi bị ngứa do chàm phải làm sao?
Bác sĩ Xu Ci Qian cho hay bệnh nhân chàm có thể chườm đá để giảm ngứa. Nên thoa kem dưỡng da thường xuyên, tăng cường dưỡng ẩm và củng cố hàng rào bảo vệ da.
Ngoài ra cũng nên thoa kem dưỡng da sau khi tắm hoặc khi da còn ướt. Việc thoa kem dưỡng da giúp tăng độ ẩm, đẩy nhanh quá trình phục hồi da, đồng thời giúp giảm viêm nhiễm cho da. Tuy nhiên, nếu bệnh chàm đang ở giai đoạn cấp tính thì thành phần của kem dưỡng da cần được lựa chọn cẩn thận.
Đối với việc chăm sóc vệ sinh hàng ngày cho bệnh nhân chàm, nên sử dụng các sản phẩm làm sạch không có xà phòng và dịu nhẹ, cũng nên hạn chế dùng chất hoạt động bề mặt. Tránh các sản phẩm kem dưỡng da có chứa nước hoa, cồn và chất bảo quản để giảm kích ứng.
Cũng cần chú ý chọn sản phẩm hướng đến một công dụng, sẽ tốt hơn là có nhiều công dụng. Các thành phần dưỡng ẩm có thể là nicotinamide, ceramide, urê hoặc một số chất chiết xuất từ thực vật, có tác dụng giữ ẩm và chống viêm đã được chứng minh về mặt y học.
Ví dụ, enzym phân giải màng sinh học chiết xuất từ rễ cây mạch môn (Ophiopogon Japonicus), ngoài thành phần thực vật có tác dụng chống viêm, còn giúp củng cố hàng rào bề mặt da và giảm khả năng vi khuẩn tụ cầu vàng xâm nhập.
Cuối cùng, bệnh chàm có lây không?
Nếu bạn chỉ có những triệu chứng nhẹ và không đi khám, liệu bệnh chàm có khả năng tự khỏi không? Bác sĩ Xu Ci Qian cho biết, thực tế bệnh chàm không lây, nếu chỉ bị nhẹ thì không cần quá lo lắng, trước tiên nên thoa kem dưỡng da, tránh xa các chất gây dị ứng, giảm uống rượu bia, ăn đồ cay và các thực phẩm dễ gây kích ứng, thì da sẽ có cơ hội tự phục hồi.
Bình luận