Theo Trung tâm truyền thông - Giáo dục sức khỏe TP.HCM, vẩy nến là một bệnh ngoài da thường gặp, chiếm khoảng 2% dân số. Bệnh lành tính, thường không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng gây tác động xấu đến thẩm mĩ, tâm lí và những hệ lụy khác.
Bệnh vẩy nến biểu hiện trên da bằng các mảng đỏ có giới hạn rõ và đóng vảy trắng đục. Khi đè lên thì màu đỏ này biến mất. Các mảng đỏ có ranh giới rất rõ với vùng da lành bên cạnh, kích thước từ vài cm đến hàng chục cm (vẩy nến mảng) hoặc chỉ là các thương tổn màu đỏ, hơi gồ lên mặt da kích thước chừng vài mm, khá đồng đều (vẩy nến giọt). Trong trường hợp nặng, bệnh lan rộng toàn thân (vẩy nến toàn thân).
Khi cạo, gãi thì vẩy bị rớt ra một cách dễ dàng giống như sáp đèn cầy hoặc có khi là mảng lớn. Bệnh không đau, có thể có ngứa với mức độ ít nhiều tùy theo từng người. Trường hợp nặng, bệnh có thể gây sưng, đau và biến dạng các khớp làm giới hạn vận động.
Nguyên nhân gây bệnh là gì?
Bất thường miễn dịch được cho là nguyên nhân chính gây ra bệnh vẩy nến. Thêm vào đó, yếu tố di truyền, các xáo trộn về sinh hóa, chấn thương tâm lý, thuốc... cũng ảnh hưởng trên sự khởi phát, tái phát hoặc làm bệnh nặng thêm. Những yếu tố làm bệnh nặng hơn là nhiễm liên cầu trùng, nhiễm siêu vi trùng, căng thẳng, chấn thương tâm lý... Bệnh vẩy nến không lây lan cho người khác nên không cần cách ly hay xa lánh người bệnh.
Bệnh vẩy nến có tính di truyền, điều này đã được xác định rõ ràng trong 30 - 40% các trường hợp. Nếu trong gia đình chỉ có hoặc cha hoặc mẹ bị bệnh thì khoảng 8% các con sẽ mắc bệnh, còn nếu cả cha và mẹ cùng bị vẩy nến thì khả năng mắc bệnh của các con là 41%.
Bệnh vẩy nến được điều trị như thế nào?
Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị hết hẳn. Các thuốc điều trị có thể giống hoặc khác nhau tùy từng bệnh nhân, điều kiện kinh tế, mức độ nặng nhẹ và yếu tố tâm lí. Có 3 phương pháp chính điều trị bệnh: thuốc uống, thuốc bôi ngoài da và quang hóa liệu pháp.
Sống chung với bệnh vẩy nến như thế nào?
Do nguyên nhân sinh bệnh phức tạp, vẩy nến là một trong những bệnh về da khó chữa hết hẳn. Điều này gây chán nản trong tâm lý người bệnh và làm họ căng thẳng thêm mà càng căng thẳng, càng âu lo, buồn bực thì bệnh càng nặng. Điều này tạo thành một vòng lẩn quẩn ngày càng làm bệnh thêm nặng.
Việc phòng bệnh thường chỉ nhằm ngăn chặn sự trầm trọng của bệnh hơn là ngăn bệnh không xảy đến với mình. Vì vậy việc tìm hiểu cách sống chung với bệnh là một việc cần thiết giúp người bệnh có được một cuộc sống thoải mái.
Những việc bệnh nhân nên làm:
- Hiểu được tinh thần sống chung với bệnh một cách lạc quan
- Biết cách chế ngự căng thẳng, vui chơi giải trí lành mạnh
- Giữ sức khỏe tốt, rèn luyện thể lực
- Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, ăn nhiều đạm (vì người có bệnh thường bị mất đạm qua lượng vảy tróc ra hằng ngày), ít béo, ngọt (đã có các nghiên cứu cho thấy có sự liên quan bệnh vẩy nến với rối loạn chuyển hóa lipid)
- Điều trị bệnh vẩy nến ngay từ khi thương tổn da còn ít theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa
- Phòng ngừa và trị liệu sớm các nhiễm trùng đường hô hấp, răng miệng
- Thoa kem giữ ẩm cho da khi bệnh đã thuyên giảm
- Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn phải trị đồng thời nhiều bệnh với nhiều thuốc uống cùng lúc. Một số thuốc uống có thể làm nặng thêm bệnh vẩy nến như thuốc kháng sốt rét hoặc gây tương tác hóa học với nhau.
Video: Mắc bệnh vảy nến, bé gái Scotland có làn da đỏ như con tôm luộc
Những việc bệnh nhân không nên làm:
- Cào gãi, chà xát thương tổn vì ở bệnh vẩy nến có hiện tượng KOEBNER. Đây là hiện tượng nổi thêm sang thương mới sau khi có kích thích cơ học.
- Tự điều trị theo mách bảo hoặc dùng đi dùng lại đơn thuốc đã đỡ bệnh trước đây mà không qua ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
- Tắm nước quá nóng, điều này có thể làm nặng thêm tình trạng khô da tróc vẩy.
- Uống rượu.
Bình luận