Sốt không rõ nguyên nhân
Bé Nguyễn H.H. 3 tuổi, Đông Hưng, Thái Bình bị ung thư máu hơn 1 năm nay. Bố của bé cho biết ban đầu con không có triệu chứng gì. Từ lúc sinh ra, H. khỏe mạnh cho đến khi hơn 1 tuổi, bé sốt kéo dài. Uống hạ sốt đỡ nhưng về đêm người bé rất nóng, ra mồ hôi trộm.
Cả nhà nghĩ con ốm mọc răng nên chủ quan. Khi thấy bụng con to chướng lên gia đình mới đưa con lên Bệnh viện Nhi Thái Bình khám. Sau khi kiểm tra sơ bộ, bác sĩ giới thiệu lên Hà Nội. Đến Viện Huyết học truyền máu trung ương, bé được thông báo bị ung thư máu.
Hay như bé Nguyễn Thế C. (14 tháng, Thanh Hóa) là bệnh nhi bị ung thư máu đang điều trị. Bố của bé cho biết con thường xuyên bị chảy máu mũi. Bố mẹ lại nghĩ nắng nóng quá nên cháu chảy máu cam. Không chỉ chảy máu mũi, C. còn bị chảy máu chân răng. Chỉ cần va đập là cháu bị chảy máu. Bác sĩ cho biết bé bị ung thư máu.
TS. BS Đỗ Huyền Nga – Bệnh viện K Trung ương cho biết, ung thư máu là bệnh ung thư phổ biến ở trẻ nhỏ. Bệnh chưa rõ nguyên nhân. Ung thư máu không phân chia được giai đoạn của bệnh.
Ung thư máu là do lượng bạch cầu sản sinh quá nhiều và quá nhanh trong một thời gian ngắn. Bạch cầu vốn được sinh ra để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân từ bên ngoài. Tuy nhiên khi lượng bạch cầu sản sinh quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng bạch cầu ăn hồng cầu.
Hồng cầu sẽ bị phá hủy dần và người bệnh có dấu hiệu thiếu máu. Nếu không được chữa trị kịp thời người bệnh có thể tử vong trong thời gian ngắn. Đây là căn bệnh ung thư ác tính không hình thành nên khối u.
Bệnh ung thư máu thường đi kèm với sự sụt giảm, triệt tiêu lớn số lượng các tế bào máu (hồng cầu). Nếu không được điều trị sớm thì tỷ lệ tử vong ở các bệnh nhân mắc bệnh này rất cao. Chính vì vậy, phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh để có thể điều trị sớm là tốt nhất.
7 dấu hiệu
Thứ nhất, sốt cao kéo dài không rõ nguyên nhân. Bác sĩ Nga cho biết khi trẻ có dấu hiệu này thì cần nhớ đến bệnh lý máu ác tính. Đặc biệt trẻ hay sốt về đêm, ra nhiều mồ hôi. Nếu sốt qua 1 tuần không hạ thì gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và phát hiện sớm ung thư máu nếu có.
Thứ hai, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết trên da. Đây là dấu hiệu điển hình của ung thư máu. Nếu trẻ có các dấu hiệu chảy máu cam, chảy máu chân răng thường xuyên thì cần nghĩ tới ung thư máu.
Ngoài chảy máu mũi, chảu máu chân răng, bác sĩ Nga cảnh báo nếu trên người trẻ xuất hiện các vết bầm tím, hoặc vết ban đỏ không rõ nguyên nhân, hoặc trẻ bị chảy máu mũi thường xuyên thì có thể đây chính là biểu hiện ung thư máu ở trẻ em.
Hiện tượng này xảy ra do khả năng đông máu kém do số lượng bạch cầu tăng cao, chèn ép tiểu cầu và hồng cầu.
Thứ ba, trẻ xanh xao, mệt mỏi, sụt cân. Do ung thư máu khiến lượng bạch cầu tăng cao và hồng cầu suy giảm, mà hồng cầu lại có chức năng đưa oxy đi khắp cơ thể, khi hồng cầu bị thiếu trẻ sẽ bị hoa mắt, chóng mặt, da tái nhợt xanh xao, thở dốc...
Khi ung thư máu các tế bào ung thư máu làm cho khu vực bụng của trẻ bị khó chịu, gây cảm giác chán ăn, khiến trẻ bị sụt cân, cơ thể yếu ớt, xanh xao thì cha mẹ cần chú ý.
Thứ tư, trẻ hay bị nhiễm trùng. Trẻ mắc ung thư máu thường suy giảm trầm trọng khả năng miễn dịch. Điều này là do các tế bào bạch cầu dần dần mất đi khả năng tiêu diệt vi khuẩn.
Hiện tượng suy giảm miễn dịch thường biểu hiện qua những cơn sốt cao, những vết thương nhiễm trùng khó lành. Nhiễm trùng thường xuyên, dai dẳng là một trong những biểu hiện của ung thư máu. Biểu hiện của nhiễm trùng do ung thư máu là: ho, sốt, chảy nước mũi… và tình trạng này không hề thuyên giảm dù dùng thuốc kháng sinh.
Thứ năm , chướng bụng. Các tế bào bạch cầu phát triển mạnh và tích tụ trong các cơ quan nội tạng như gan, thận, lá lách… khiến trẻ bị đau bụng, chướng bụng, khám thấy gan to, lách to.
Trẻ mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn và ói mửa thường là kết quả xuất phát từ gan và lá lách bị tổn thương. Đây là triệu chứng khi bệnh đã nặng, vào giai đoạn khó khống chế.
Thứ sáu, hạch nhiều do các tế bào bach huyết mất dần khả năng miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân gây bệnh bên ngoài.
Thứ bảy, đau nhức xương. Khi bị ung thư máu, lượng hồng cầu bị suy giảm do bạch cầu tăng cao, sự tích tụ quá mức của bạch cầu sẽ chèn ép, tác động lên các mô xương gây đau nhức.
Điều trị bệnh ung thư máu cần sự kết hợp phác đồ đa mô thức, các phương pháp điều trị như hóa trị, phẫu thuật . . . Các bác sĩ sẽ cân nhắc tùy theo thể trạng sức khỏe, dạng bệnh và tuổi của trẻ.
Bình luận