Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 22 với những quy định mới về việc đánh giá, xếp loại học sinh. Thông tư mới này được áp dụng từ lớp 6 năm học 2021 - 2022. Nhiều phụ huynh, giáo viên kỳ vọng sự đổi mới này sẽ mang lại nhiều điểm tích cực, giảm được tình trạng bệnh thành tích.
Cô Trần Thu Hoa, giáo viên dạy một trường THCS ở Đoan Hùng, Phú Thọ cho biết, trong Thông tư 22 mới, việc khen thưởng học sinh cuối năm chỉ còn hai danh hiệu "học sinh xuất sắc" và "học sinh giỏi".
Theo đó, học sinh nhận danh hiệu xuất sắc khi kết quả học tập, rèn luyện cả năm đạt mức tốt, ít nhất 6/8 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số có điểm trung bình môn từ 9 trở lên. Học sinh nhận danh hiệu giỏi khi kết quả học tập, rèn luyện cả năm đạt mức tốt từ 8.0 trở lên. Như vậy, trong khen thưởng cuối năm, các trường không còn trao giấy khen học sinh tiên tiến.
Theo cô, việc Bộ GD&ĐT quy định bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến là sự thay đổi lớn. Điều này sẽ góp phần giảm bệnh thành tích, đồng thời bồi đắp thêm động lực phấn đấu cho học sinh.
Bởi từ nay, học sinh giỏi, học sinh xuất sắc sẽ có sự phân hóa rõ ràng về năng lực thực sự. Đạt được danh hiệu "học sinh xuất sắc" sẽ cần "cuộc chiến" dài hơi, yêu cầu trí tuệ và sự nỗ lực, phấn đấu thật sự, không có sự khen thưởng ồ ạt trong cùng một lớp học.
Cũng theo cô Hoa, trước đây, trong một lớp, nhiều học sinh chưa thực sự giỏi nhưng vẫn được khen thưởng, thậm chí còn xảy ra trường hợp, nhiều em học không tốt nhưng vẫn được "động viên" với tấm giấy khen "Học sinh tiên tiến". Điều này làm "tầm thường hóa" giá trị của những tấm giấy khen. Do đó, với cách đánh giá tới đây, những tấm giấy khen "ảo" sẽ được giảm bớt.
Lý giải việc bỏ danh hiệu học sinh tiên tiến, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng, đây chỉ là thay đổi trong tên gọi các danh hiệu.
Trước đây, các trường xét công nhận học sinh tiên tiến và giỏi, trong đó, học sinh tiên tiến phải đạt học lực loại khá và hạnh kiểm loại khá trở lên. Với thông tin mới, các trường không xét công nhận học sinh giỏi hay tiên tiến mà khen thưởng danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc dựa trên kết quả học tập, rèn luyện.
Bên cạnh đó, hình thức đánh giá cũng thay đổi. Một số môn giáo viên đánh giá bằng nhận xét, một số môn kết hợp nhận xét và điểm số. Điểm trung bình tất cả môn học cũng bị bỏ. Thay vào đó, giáo viên nhìn vào thực chất từng môn học, không phân biệt môn chính, môn phụ để đánh giá học lực của học sinh.
Cụ thể, kết quả học tập ở những môn này được đánh giá theo một trong 4 mức Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt. Học sinh sẽ được xếp mức Tốt nếu tất cả môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức Đạt; tất cả môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số phải đạt mức 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt mức 8 trở lên.
Học sinh xếp mức Khá khi tất cả môn đánh giá bằng nhận xét phải ở mức "đạt"; tất cả môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số phải đạt mức 5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt mức 6,5 trở lên.
Học sinh được xếp mức "đạt" khi có nhiều nhất 1 môn học đánh giá bằng nhận xét ở mức Chưa đạt; ít nhất 6 môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp với điểm số từ 5 trở lên, không có môn nào dưới 3,5 điểm. Các trường hợp còn lại xếp mức "chưa đạt".
Trong khen thưởng, học sinh cũng nhận danh hiệu học sinh xuất sắc khi ngoài kết quả học tập, rèn luyện chung cần có ít nhất 6 môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số có điểm trung bình môn từ 9 trở lên.
Ông Thành cho rằng căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình, nếu học sinh đạt được, các em thực sự xứng đáng với danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Việc đánh giá, khen thưởng học sinh sẽ đánh giá sự nỗ lực của các em và danh hiệu không có nghĩa gì nếu năng lực thật sự không được như vậy.
Vụ trưởng nhấn mạnh: "Chúng ta không quan tâm đến số lượng mà thực chất. Cốt lõi vấn đề là học sinh học thực tế để bản thân có năng lực, phẩm chất chứ không phải ở danh hiệu học sinh giỏi hay học sinh xuất sắc".
Bình luận