Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhi 5 tuổi trong tình trạng vùng cẳng chân phải có vết cắn, tỉnh táo, không liệt chi, không sụp mí và không bị khó thở.
Theo thông tin từ gia đình bệnh nhi, cháu trai trong lúc đang chơi đùa với bà ở công viên thì bị rắn cắn. Tình huống xảy ra quá nhanh nên không ai biết là loại rắn gì. Ngay sau khi bị rắn cắn, cháu bé được sơ cứu và chuyển ngay tới Bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán bị rắn hổ cắn (đây là một loại rắn độc). Rất may, cháu bé được sơ cứu và kịp thời đưa vào bệnh viện nên sức khỏe không có gì bất thường.
BS. Nguyễn Thành Nam, công tác tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay, đang vào mùa sinh đẻ của rắn nên tình trạng nhiều trẻ bị rắn độc cắn phải nhập viện tăng hơn bình thường.
Một tháng gần đây đây, hầu như tuần nào bệnh viện cũng có khoảng từ 1 - 3 ca bệnh nhi bị rắn cắn phải điều trị. Trong đó, hầu hết bệnh nhân đến từ miền núi, trung du.
Cũng theo BS. Nam, có nhiều bệnh nhân do chủ quan, nhập viện tương đối muộn nên tình trạng bệnh chuyển nặng, sưng nề và hoại tử lan rộng, gây khó khăn cho quá trình điều trị về sau.
Bác sĩ Nam khuyến cáo, những phụ huynh có con em nhỏ nên thường xuyên để mắt tới các bé, tránh để các cháu chơi đùa tại những nơi bụi rậm, tối tăm, ẩm ướt vì đây là những nơi rắn hay chọn làm nơi trú ẩn.
Ngoài ra, nếu không may trẻ bị rắn cắn, bất kể là rắn độc hay không độc, cần nhanh chóng sơ cứu đúng phương pháp rồi chuyển bệnh nhân tới các bệnh viện để được điều trị đúng cách.
Người nhà tuyệt đối tránh tin lời chữa mẹo, chữa theo phương pháp dân gian hay đắp thuốc lá khiến trẻ bị mắc các biến chứng nặng nề về sau.
Video: Nhờ thầy lang chữa rắn cắn, bé gái bị hoại tử chân
>>> Đọc thêm: Ăn nhãn sai cách nguy hiểm thế nào, làm sao để tránh gặp họa trong mùa nhãn chín?
Bình luận