LTS: Nhiều người Việt vẫn có quan niệm nếu đi đám ma, người sống hợp với người chết thì sẽ bị “ma bắt” mang theo. Tuy nhiên không có cơ sở khoa học nào chứng minh là đi đám tang sẽ bị ma bắt. Nếu theo quan niệm như vậy, các bác sĩ Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai đã trở thành những thầy “bắt ma” trả lại mạng sống cho người bệnh giỏi nhất.
Bác sĩ Lương Quốc Chính (khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: “Người dân nên hiểu không phải bất cứ bệnh nào, tình trạng bệnh nào cũng có những diễn tiến thuận lợi hoặc có thể cứu được. Không ai có thể đứng nhìn, kể cả bác sĩ, khi bệnh nhân nặng mà không cứu".
Báo Sức khỏe & Đời sống xin giới thiệu bài viết của BS Lương Quốc Chính về một ca thoát cửa tử ngoạn mục sau khi bệnh nhân đi đám ma.
Bệnh nhân S.V.T, nam, 39 tuổi, địa chỉ ở Vị Xuyên - Hà Giang, được Bệnh viện đa khoa huyện Vị Xuyên - tỉnh Hà Giang chuyển tới khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai lúc 4h40 ngày 9/2/2017 với chẩn đoán “Hôn mê sau ngừng tuần hoàn chưa rõ nguyên nhân”. Bệnh nhân có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh, tiền sử gia đình cũng không có gì đặc biệt, không có người thân nào bị đột tử.
Khoảng 22h30 ngày 8/2, sau khi đi viếng đám tang, bệnh nhân đang ngồi uống nước cùng bạn bè ngay gần cổng Bệnh viện đa khoa huyện Vị Xuyên thì đột ngột mất ý thức, được bạn bè đưa ngay vào khoa cấp cứu của bệnh viện (mất 7 - 10 phút).
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, ê-kíp trực cấp cứu gồm bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Đoàn và kỹ thuật viên (KTV) Nguyễn Thị Thành nhận thấy bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn ngoại viện (hôn mê, ngừng thở, tím toàn thân, mạch bẹn mất, đồng tử hai bên giãn và không có phản xạ với ánh sáng). Không chần chừ, BS Đoàn và KTV Thành nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn (bóp bóng Ambu có oxy qua mask, ép tim ngoài lồng ngực…); đồng thời gọi người hỗ trợ cấp cứu gồm BS Ban Văn Thiêm và điều dưỡng Vũ Mạnh Tú.
Khoảng 5 - 7 phút cấp cứu, tim bệnh nhân đập trở lại nhưng vẫn không có huyết áp, trên máy theo dõi hình ảnh điện tâm đồ là rung thất sóng nhỏ. Các bác sĩ tiếp tục cấp cứu bằng ép tim ngoài lồng ngực, sốc điện 2 lần và tiêm thuốc adrenalin thì nhịp tim mới về xoang. Bệnh nhân nhanh chóng được đặt ống nội khí quản và thở máy.
Sau khi cấp cứu thành công, mặc dù bệnh nhân vẫn hôn mê sâu (GCS: 3 điểm) nhưng đồng tử mắt hai bên đã co lại (kích thước 3 mm), còn phản xạ với ánh sáng, nhịp tim là nhịp xoang (tần số 82 nhịp/phút), huyết áp 130/80 mmHg (không cần dùng thuốc trợ tim và co mạch), có nhịp tự thở.
Nhận thấy bệnh nhân có cơ hội hồi phục tốt nếu được hồi sức tích cực, đồng thời trong thời gian học chuyên khoa I tại Khoa Cấp cứu A9 - Bệnh viện Bạch Mai cũng như qua truyền thông, bác sĩ Ban Văn Thiêm biết rằng Khoa Cấp cứu A9 có kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu rất hiệu quả trong việc bảo vệ tế bào não ở bệnh nhân hôn mê sau ngừng tuần hoàn.
Không ngần ngại, bác sĩ Thiêm đã xin ý kiến BS Bùi Văn Toán (Giám đốc Bệnh viện Vị Xuyên và cũng là người trực lãnh đạo hôm đó) được chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Tuy nhiên, vì đường xá xa xôi, để cho chắc chắn và nhằm có được sự tiếp nhận bệnh nhận bệnh nhân tốt nhất từ tuyến trên, bác sĩ Thiêm đã gọi điện liên hệ với các bác sĩ trực tại Khoa Cấp cứu A9.
Sau khi trao đổi nhanh qua điện thoại với các bác sĩ Bệnh viện đa khoa huyện Vị Xuyên, xin ý kiến lãnh đạo khoa Cấp cứu A9 ngay trong đêm…, khoảng 5 tiếng đồng hồ sau, các bác sĩ trực tại Khoa Cấp cứu A9 đã tiếp nhận bệnh nhân được chuyển tới từ Bệnh viện đa khoa huyện Vị Xuyên an toàn.
Tình trạng bệnh nhân lúc này vẫn khá nặng cho dù ý thức có cải thiện hơn (GCS: 6 điểm), đang được bóp bóng có oxy qua ống nội khí quản, nhịp tim là nhịp xoang (tần số 97 nhịp/phút), huyết áp 110/70 mmHg (không phải dùng thuốc trợ tim và co mạch), đồng tử hai bên đều (kích thước 3 mm) và còn phản xạ với ánh sáng, không có dấu hiệu liệt thần kinh khu trú.
Điều khiến bác sĩ trực phân vân nhất là tại sao bệnh nhân lại đột ngột ngừng tuần hoàn trong khi vẫn đang còn khỏe mạnh. Để trả lời câu hỏi này một cách nhanh nhất bằng các trang thiết bị sẵn có trước khi tiến hành hồi sức tích cực và áp dụng kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu, bệnh nhân được chỉ định làm điện tâm đồ tại giường, siêu âm tim tại giường, xét nghiệm máu và chụp cắt lớp vi tính sọ não.
Video: Bác sỹ viện Bạch Mai cứu sống bệnh nhân ngưng tim nhiều lần
Kết quả siêu âm tim và chụp cắt lớp vi tính sọ não hoàn toàn bình thường, tuy nhiên xét nghiệm troponin T máu (nhằm gợi ý một tổn thương nhồi máu cơ tim) lại tăng khá cao nhưng khó có thể dựa vào đó để chẩn đoán vì bệnh nhân đã được sốc điện, nhưng thật “may mắn” rằng hình ảnh điện tâm đồ cho thấy các dấu hiệu điển hình của hội chứng Brugada type I, đây có thể gợi ý tới một nguyên nhân nguy hiểm khiến bệnh nhân đột tử.
Sau khi đã được làm chẩn đoán cấp cứu để loại trừ và xác định nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột, bệnh nhân S.V.T đã được hồi sức tích cực và áp dụng kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ theo mục tiêu ngay trong đêm. Được sự quan tâm, chăm sóc, và đặc biệt là các ý kiến trong lúc giao ban, đi buồng, hội chẩn của lãnh đạo Khoa Cấp cứu A9 cũng như toàn thể bác sĩ và điều dưỡng trong khoa, đến nay sau 5 ngày điều trị bệnh nhân đã hồi phục gần như hoàn toàn, đã tỉnh táo, được rút ống nội khí quản và chỉ cần thở oxy qua kính mũi.
Sáng 13/2, sau khi thăm khám bệnh nhân, mình có nói chuyện với người vợ của bệnh nhân, chị ấy đã rất xúc động và vui mừng, nói rằng khi đưa anh ấy xuống Khoa Cấp cứu A9 cũng không hy vọng anh ấy sẽ qua được, nhưng thật không ngờ anh ấy đã tỉnh lại thật rồi, chị ấy không quên gửi lời cảm ơn các y, bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa huyện Vị Xuyên và toàn thể các y, bác sĩ Khoa Cấp cứu A9 đã BẮT MA giải cứu chồng chị ấy về đoàn tụ với gia đình.
Để giúp người dân hiểu rõ hơn về Hội chứng Brugada, trước đây gọi là đột tử không rõ nguyên nhân trong khi ngủ, tôi xin được giới thiệu ngắn về bệnh.
Đột tử không rõ nguyên nhân trong khi ngủ (sudden unexplained death during sleep/SUDS) lần đầu tiên được mô tả trong tài liệu y khoa vào năm 1917 tại Philippines, mà ở đó người dân thường gọi nó là ‘bangungut’ (hét lớn rồi chết trong lúc ngủ). Ở vùng Đông Bắc của Thái Lan, người ta gọi SUDS là ‘Lai Tai’ (chết trong lúc ngủ) và cho rằng nguyên nhân là do ma quỷ bắt hồn. Nhật Bản gọi cách chết đó là ‘Pokkuri’ (chết bất ngờ vào buổi tối).
Tần suất chết dạng này được ước tính khoảng 26 - 38 trường hợp trên 100.000 dân mỗi năm; tại Lào, tỷ lệ này là 1/1.000 dân mỗi năm. SUDS bị quên lãng cho tới cuối những năm 1970, khi nó lại nổi lên như là một nguyên nhân tử vong quan trọng ở những người tị nạn Đông Nam Á tại Hoa Kỳ, đặc biệt ở lứa tuổi thanh niên
Đã có rất nhiều nghiên cứu tìm hiểu về SUDS nhưng chưa thể đi tới được kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, năm 1992 hai nhà khoa học có tên là Josep Brugada (người Tây Ban Nha) và Pedro Brugada (người Bỉ) là những người đầu tiên mô tả chi tiết về sinh bệnh học, hình ảnh điện tâm đồ và biểu hiện lâm sàng của SUDS, và để ghi nhận công lao của hai nhà khoa học, SUDS được đặt tên là hội chứng Brugada. Kể từ đó, số trường hợp mắc hội chứng Brugada được phát hiện ngày càng nhiều trên toàn thế giới.
Hội chứng Brugada là tình trạng rối loạn dẫn truyền thần kinh tim di truyền, dẫn đến rối loạn nhịp nhanh thất, rung thất và ngừng tim. Khi xuất hiện nhịp nhanh thất, rung thất thì bệnh nhân bị ngất và có thể tử vong trong vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời. Bệnh thường xảy ra ở nam giới trong độ tuổi khoảng 30 (có thể gặp ở mọi lứa tuổi), có tính di truyền. Khoảng 60% bệnh nhân trẻ bị đột tử có kèm các đặc điểm như hình ảnh điện tâm đồ điển hình của hội chứng Brugada, có người thân bị đột tử hoặc điện tâm đồ bất thường.
Bình luận