• Zalo

Bệnh nhân chết khi mổ tay: Gia đình nộp 40 triệu đồng không có phiếu thu, bệnh viện nói gì?

Sức khỏeThứ Bảy, 12/05/2018 08:17:00 +07:00Google News

Trước sự việc gia đình bệnh nhân V.Q.C (37 tuổi, ở Quốc Oai, Hà Nội) cho biết phải đóng 40 triệu đồng thực hiện ca phẫu thuật không có phiếu thu, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông lên tiếng về thông tin này.

Liên quan tới sự việc bệnh nhân V.Q.C (37 tuổi, ở Quốc Oai, Hà Nội) chết khi mổ tay, người nhà bệnh nhân cho biết: " Gia đình đóng 40 triệu đồng cho Bệnh viện Đa khoa Hà Đông để thực hiện ca mổ nhưng khi đóng 40 triệu không có phiếu thu?"

Chiều 12/5, trả lời PV VTC News, ông Lê Hoàng Tú, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết: “Về việc tư vấn gói mổ 40 triệu, chúng tôi chưa nhận được thông tin nào cả, chỉ theo thông tin đại chúng và người nhà bệnh nhân đưa ra.

Hiện nay, theo thông tin chúng tôi nhận được của khoa và kiểm tra lại tài vụ thì tất cả là giấy tạm ứng vì bệnh nhân này không có bảo hiểm y tế.

Đầu tiên bệnh nhân phải làm giấy tạm ứng vào viện đã, sau đó, khi làm các thủ thuật ở mức độ nào thì đóng tiếp.

Đây cũng là một thủ thuật lớn, đại phẫu vì thế tiền phẫu thuật, các phương tiện gắn kết xương hơi lớn và tiên lượng trong cuộc mổ này là phải truyền thêm kháng sinh, truyền máu… tất cả các thứ thì nó nhiều.

Bệnh viện tư vấn cho gia đình tạm đóng là 40 triệu chứ không phải gói dịch vụ gì cả”.

Ông Tú cho biết thêm: “Theo giấy tạm ứng thì phía gia đình đã đóng đủ 40 triệu. Lúc mới nhập viện đóng 5 triệu sau khi giải thích thêm thì đóng thêm đủ số tiền 40 triệu.

Về số tiền trên, không biết bác sĩ giải thích với người nhà bệnh nhân như thế nào. Nhưng về nguyên tắc, tiền tạm ứng vào viện là 5 triệu, sau khi phải phẫu thuật thì phải đóng tiếp. Số tiền phẫu thuật thủ thuật nẹp để dùng cho bệnh nhân rất là lớn”.

Theo thông tin người nhà bệnh nhân - ông Minh cung cấp cho VTC News: "Lúc đóng tiền là khoảng 8h30, bởi lúc bác sĩ tư vấn là 8h, họ tư vấn xong tôi đóng luôn. Họ bảo khi đóng 40 triệu này thì không có chứng từ gì hết, khi đi chụp họ cũng thu luôn cái kết quả và cầm luôn, mình không phải cầm gì cả vì đã trọn gói rồi”.

Khi được hỏi về việc tại sao ngay sau khi người nhà bệnh nhân đóng tiền lại không có chứng từ, giấy thu phí, ông Tú cho biết: “Tiền tạm ứng đó tôi không biết người nhà đưa lúc nào, nhưng mà tiền tạm ứng đóng cho bệnh viện thì trên phần mềm có lưu lại, có sự hiện diện ở trên đó rồi.

Hiện nay, trên máy phần mềm của bệnh viện có thông tin bệnh nhân nộp tiền trước khi vào viện, có tiền tạm ứng trước khi mổ của bệnh nhân. Giấy thu phí đưa lúc nào, vấn đề này là ở khoa họ làm thủ tục hành chính cho bệnh nhân”.

Khi hỏi kỹ hơn về quy trình đóng phí tại bệnh viện, ông Tú nói: “Việc thu phí được làm trên hệ thống phần mềm máy tính và giấy thu phí thường được đưa luôn cho người đóng. Tiền tạm ứng nhập viện là sẽ đóng luôn.

Sau đó khi vào viện, tuy theo diễn biến, tình trạng của bệnh thì mức điều trị nhiều hay ít thì lúc ấy khoa sẽ thông báo tiếp để người bệnh tiếp tục đóng tiền tạm ứng để thực hiện phẫu thuật”.

benh-vienha-dong

 Bệnh viện Đa khoa Hà Đông nơi xảy ra sự việc nam bệnh nhân tử vong sau khi mổ tay.

DIỄN BIẾN LIÊN QUAN:

>> Bệnh nhân chết khi mổ tay, người nhà vây kín bệnh viện: Gia đình bệnh nhân nộp 40 triệu không có phiếu thu?

>> Bệnh nhân chết khi mổ tay, người nhà khóc ngất, vây kín bệnh viện: Nguyên nhân ban đầu

>> Bệnh nhân chết khi mổ tay, người nhà khóc ngất, vây kín bệnh viện: Nghi tắc mạch máu do mỡ

Theo thông tin trước đó VTC News đã đưa, người chú ruột của bệnh nhân C. – ông Vương Đình Mạnh được gọi sang phòng giao ban tư vấn.

“Bác sĩ cho biết có 2 phương án thực hiện, gia đình có thể thực hiện theo phương án 1 đóng theo quy trinh, thủ tục của bệnh viện. Khi đi xét nghiệm, chụp cái gì thì theo hóa đơn cái đây là mất khoảng hơn 20 triệu.

Phương án thứ 2 là trọn gói với tổng số tiền là 40 triệu, người nhà sẽ được yêu cầu bác sĩ thực hiện phẫu thuật, chi phí này sẽ bao gồm tất cả các khoản điều trị từ A đến Z. Bệnh nhân được điều trị từ 7 - 10 ngày đến khi bình phục thì thôi. Lúc về được chiếu chụp đàng hoàng trong, bệnh nhân được nằm giường VIP. Gia đình đã đồng ý với bệnh viện mổ trọn gói với chi phí 40 triệu đồng”.

Trước đó, theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa Hà Đông về sự việc bệnh nhân chết tại bệnh viện này ngày 9/5, sau khi phẫu thuật xong, bệnh nhân bị ngừng tim đột ngột, dù các bác sĩ nỗ lực cứu chữa, nhưng bệnh nhân không qua khỏi.

Cụ thể, trước khi kết thúc cuộc mổ tay, vào khoảng 13h30 ngày 9/5, bệnh nhân C. bắt đầu xuất hiện diễn biến bất thường: Suy hô hấp, huyết áp tụt. Kíp mổ đã khẩn trương cấp cứu hồi sức tích cực, hội chẩn liên viện, mời bác sĩ chuyên khoa Bệnh viện 103 hỗ trợ chuyên môn.

Tuy nhiên, bệnh nhân chết lúc 16h ngày 9/5 do suy hô hấp - suy tuần hoàn không hồi phục.

Nhận định ban đầu của lãnh đạo bệnh viện, các chuyên gia, bác sĩ nghi ngờ, bệnh nhân bị tai biến y khoa tắc mạch máu do mỡ. Tai biến này trong y văn cũng có đề cập và trong thực tế lâm sàng cũng có gặp.

Tuy nhiên, nguyên nhân này vẫn chưa được khẳng định, hiện người nhà bệnh nhân V.Q.C (37 tuổi, ở huyện Quốc Oai, Hà Nội) và phía bệnh viện vẫn đang chờ kết quả khám nghiệm tử thi được cơ quan pháp y thực hiện chiều 10/5.

VTC News tiếp tục thông tin.

Video: Gãy tay, chân có thể gây tử vong thế nào?

Thu Nga
Bình luận
vtcnews.vn