1. Cuối tháng 3, trên mạng xã hội xuất hiện một số tấm ảnh kèm theo thông tin tố con trai đánh bố dã man ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Những bức ảnh này đã nhận được hàng chục ngàn lượt like (thích), bình luận và chia sẻ của cộng đồng mạng.
Clip được share chóng mặt cùng với thông tin thiếu kiểm chứng ban đầu đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng mạng và ngoài đời thực. Nhiều người sử dụng mạng xã hội còn đòi ‘xử’ thanh niên ngược đãi dã man người cha của mình
Khi VTC News cử phóng viên về tận địa phương xác minh, người ta mới tá hoả. Hóa ra, clip con đánh cha nhẫn tâm mà một người đi đám cưới vô tình quay lại được, thực ra là cậu con trai cố giữ để băng bó vết thương cho người bố nát rượu cả 30 ngày trong tháng ở Hải Dương.
Cộng đồng mạng lặng lẽ rút lui, như chưa hề có gì xảy ra.
2. Cách đây chừng mươi ngày, clip một người tình cờ quay được cảnh anh con trai mắng mẹ sa sả “bà chết đi, bà chết mẹ bà đi” trong bệnh viện cũng làm dấy lên làn sóng căm phẫn đứa con nghịch tử. Nhiều người còn phát động cuộc tìm kiếm để ‘xử’ đứa con bất hiếu này.
Phóng viên VTC News đã về địa phương ở Quỳnh Phụ (Thái Bình), nơi bà mẹ và đứa con bất hiếu đang sinh sống. Hoá ra, sự thật lại gần như ngược lại với những gì cộng đồng mạng phán xét giận dữ.
Từ chính quyền xã, thôn, bà con chòm xóm đến thân nhân của anh con trai ‘nghịch tử’ kia đều lên tiếng bảo vệ tuyệt đối anh, cho rằng hiếm có người con nào có hiếu đến thế. Một tay anh tần tảo làm lụng sớm khuya kiếm tiền xây nhà, nuôi dưỡng mẹ già mắc bệnh thần kinh.
Làn sóng chỉ trích, căm giận của cộng đồng mạng trút xuống đầu anh con trai bỗng chốc chìm hẳn. Không thấy ai xin lỗi người con ‘nghịch tử’.
3. Mới đây nhất, vào những ngày cuối tuần, lấy từ nguồn tin chưa được kiểm chứng, một số người dùng facebook (facebooker) nổi tiếng khẳng định chắc như đinh đóng cột clip “57 chiếc xe nối đuôi đưa chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về thăm quê tại Bến Tre”.
Một tin “hot” như thế này lập tức khiến dư luận xôn xao, và quả thực chỉ một lát sau, là rầm rộ các facebooker cùng chia sẻ, bình luận, chỉ trích, lên án gay gắt, rằng làm lãnh đạo của đất nước mà lãng phí tiền thuế của dân, nói không đi đôi với làm…
Báo điện tử VTC News đã nhanh chóng vào cuộc và xác minh thông tin chính thức từ ông Cao Văn Trọng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đại biểu Quốc hội khóa XIV về việc clip đó nằm trong sự kiện Bến Tre và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp “Diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Bến Tre năm 2016”, tới lúc này, một số facebooker mới thừa nhận và đăng đàn xin lỗi.
Nhưng vẫn như cũ, đại đa số người dùng mạng xã hội sau khi biết thông tin bịa đặt lại lặng lẽ rút lui, để cho những dòng chỉ trích, những lên án gay gắt, bài bịa đặt đã chia sẻ dần chìm xuống sau những dòng trạng thái (status) mới như chưa hề có chuyện gì xảy ra…
Video: Đoàn xe tham quan diễn tập quân sự di chuyển trên đường phố Bến Tre bị bịa đặt là hộ tống Chủ tịch Quốc hội về thăm quê
4. Nhà thần học người Đức Martin từng nói một câu rất hay, “Bạn không chỉ phải chịu trách nhiệm với những gì mình nói, mà cả những gì mình không nói”.
Những “chuyên gia” mạng xã hội có lẽ nên đọc được câu này, để thấy trách nhiệm của bản thân mình, không chỉ với những gì mình nói ra, mà với cả việc mình tiếp nhận điều người khác nói. Ở đây là cái click chuột share vô tội vạ những thông tin chưa được kiểm chứng, kèm những dòng bày tỏ quan điểm thiếu tích cực khiến xã hội nhìn đâu cũng chỉ một màu u ám.
Bày tỏ quan điểm là tự do của mỗi người, nhưng viễn cảnh đáng sợ nhất chính là sự tự do ấy không đi kèm trách nhiệm, nói cách khác, là “con người không muốn mang sức nặng của chính mình”.
Có bao nhiêu facebooker khác đã kịp phát tán thông tin trên khắp các diễn đàn, với những lời lẽ thiếu tôn trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và danh dự của người được nhắc đến mà vô trách nhiệm tới mức không thèm gỡ đi hay một dòng đính chính chứ chưa đòi hỏi là lời xin lỗi?
Hàng loạt những thông tin thiếu kiểm chứng như thế mà nếu chỉ lướt qua sẽ thấy mất lòng tin khủng khiếp vào cuộc sống và con người.
Bệnh của nhiều người dùng mạng xã hội là phán xét, bất cứ sự kiện gì diễn ra, chưa cần biết đúng sai đã share tin tràn lan và phán xét. Thông tin càng thiếu tích cực, khiến xã hội trở nên u ám càng được chia sẻ (share) nhiều và khiến người share hả hê vì “xã hội này nó thế, không biết tin vào cái gì”.
Người người, nhà nhà phẫn nộ, tham gia vào một cơn “lên đồng” tập thể, ra sức share link, miệt thị, chửi bới và chỉ trích. Càng những tin “sốc” đi ngược lại đạo đức và luân lý, các facebooker lại càng nhanh chóng phát tán và bình luận như những nhà đạo đức học thực thụ.
Chắc nhiều người vẫn chưa quên bóng dáng khắc khổ của các trưởng thôn ở Quảng Bình phải ngồi trần tình lý do tại sao lại đi thu tiền cứu trợ của người dân sau trận lụt lịch sử. Và dù thanh minh tới đâu, qua những lời bình luận ác ý của mạng xã hội, bác vẫn trở thành một người không phải ra tòa mà mang án “bất lương” có lẽ đến hết đời.
Người con trai “chửi mắng mẹ” và đánh bố kia, qua miệng lưỡi nhẫn tâm của cái gọi là “cộng đồng mạng”, bỗng chốc họ trở thành loại người “bất hiếu”, “không xứng đáng làm người”…
Ngước mắt khỏi những dòng chữ vô hồn ác độc trên màn hình máy tính, là thấy xã hội nhuốm màu u ám, tối tăm, không lối thoát.
Câu hỏi đặt ra là, đã có ai xác thực những dòng tin đang được share chóng mặt ấy là chính xác, để được phép bình luận vô căn cứ đến vậy?
Điều còn lại sau những cơn “lên đồng”, thật đáng buồn lại là việc gieo vào suy nghĩ của người khác sự mất lòng tin vào cuộc sống, vào con người đang tồn tại hiển hiện ngoài kia. Ngước mắt khỏi những dòng chữ vô hồn ác độc trên màn hình máy tính, là thấy xã hội nhuốm màu u ám, tối tăm, không lối thoát.
“Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”, những cái share vô ý thức của người dùng mạng xã hội đã khiến nhiều người không còn nghĩ đến chuyện san sẻ với đồng bào đang oằn mình do bão lũ vì hoài nghi sự trung thực của những bác trưởng thôn; và rất nhiều người bị nhắc đến trong vô vàn lời bình luận cay nghiệt kia, sống giữa sự dè bỉu của người đời…
Một xã hội không le lói chút ánh sáng sau lăng kính của những facebooker thiếu trách nhiệm.
Để kết bài này, xin trích lại lời của nhà thần học Martin, mỗi người hãy học cách chịu trách nhiệm với cả “những gì mình không nói”.
Bình luận