Theo đó, hàng năm, ước tính có 16.000 trường hợp tử vong do bệnh lao tại Việt Nam, gấp đôi so với số người chết do tai nạn giao thông là 9.000 người (số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an).
Mỗi năm, nước ta ghi nhận thêm 130.000 bệnh nhân mắc lao mới. Trong đó, 7.000 người nhiễm lao đồng thời với nhiễm HIV, hơn 5.000 trường hợp trong số đó được xác định nhiễm lao kháng đa thuốc, 6% trong số đó là nhiễm lao siêu kháng thuốc.
Mặc dù có số người nhiễm lao kỷ lục như vậy nhưng tại nước ta mới chỉ có 79% người nhiễm lao được tư vấn, quản lý, điều trị. Số bệnh nhân còn lại vẫn đang sống trong cộng đồng mà không được điều trị. Đây được xác định là nguồn lây lan bệnh lao lớn nhất.
Cũng theo thống kê, mặc dù Chương trình chống lao Quốc gia tại nước ta đã đạt được nhiều thành tựu trong kiểm soát, phát hiện và điều trị nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ 14/30 nước trên thế giới có số bệnh nhân mắc lao, đứng thứ 11/30 so với các nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc.
Theo các cơ quan chức năng, nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến việc Việt Nam là nước có số bệnh nhân mắc lao cao trên thế giới.
Cụ thể, những bệnh nhân mắc lao thường có tâm lý giấu bệnh. Những người mắc bệnh đa phận là người nghèo, ít được tiếp xúc với phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống và tránh lây lan ra cộng đồng.
Cùng đó, chính quyền các cấp, người dân chưa quan tâm đúng mức về bệnh lao. Sự phối hợp giữa tuyến y tế cơ sở chưa được chặt chẽ. Khó khăn về tài chính, chưa có chế độ đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ y tế cấp cơ sở. Ngoài ra, việc phát hiện lao cho bệnh nhi tại cơ sở y tế chưa được hiệu quả.
Hơn nữa, các loại thuốc chống lao tại Việt Nam vẫn còn bán trôi nổi, chưa có kiểm soát. Người bệnh vẫn tự có thói quen mua thuốc uống mà không theo hướng dẫn, chỉ định của thầy thuốc.
Ngoài ra, những bệnh nhân tự ý bỏ điều trị có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, tình trạng lao kháng thuốc tăng mạnh chủ yếu do người bệnh điều trị không đúng theo chỉ định của các bác sĩ.
Trong những năm tới, Việt Nam đang hướng tới việc thay đổi chính sách, chế độ khám, chữa bệnh đối với người nghèo, nhất là người bệnh mắc lao phổi. Khuyến khích địa phương triển khai giám sát, động viên, thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân mắc lao.
Xây dựng đề án trình với Chính phủ nhằm can thiệp tích cực, giảm tác hại của bệnh lao, giảm chi phí thanh toán bệnh lao ở Việt Nam. Buộc tất cả các tỉnh phải thành lập Ban chỉ đạo phòng chống lao và cần có kế hoạch cụ thể để giảm thiểu tình trạng mắc lao như hiện nay.
Video: Lộ diện 'sát thủ' hàng đầu gây ung thư phổi
Bình luận