• Zalo

'Bệnh lạ' ở Quảng Ngãi: Đã tái phát là tử vong?

Sức khỏeThứ Sáu, 11/05/2012 06:15:00 +07:00Google News

(VTC News) – Quá hoang mang, người dân Ba Điền (Ba Tơ, Quảng Ngãi) vừa uống thuốc vừa cúng trừ con ma 'bệnh lạ' nhưng nó vẫn mãi quanh quẩn trong làng.

(VTC News) – Quá hoang mang, thời gian qua, người dân Ba Điền (Ba Tơ, Quảng Ngãi) vừa uống thuốc vừa cúng trừ nhưng con ma “bệnh lạ” vẫn quanh quẩn trong làng. “Hết phép”, giờ họ chỉ còn biết phó mặc cho số phận.

“Bệnh lạ” đã xuất hiện từ năm 2008


Mới đây, trong một lần làm việc với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Dương, Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Ba Điền, người đã gắn bó với ngôi trường này nhiều năm cho hay, từ năm 2008, ở xã này đã có người mắc các triệu chứng giống với “bệnh lạ”, thậm chí có người đã chết.


Lần giở cuốn sổ tay của mình, thầy Dương cho chúng tôi thấy danh sách 3 học sinh của trường ở thôn Gò Nghênh chết năm 2008 gồm: Phạm Văn Duy (lớp 7), chết tháng 2/2008; Phạm Văn Viện (lớp 1), chết vào tháng 3/2008 và Phạm Văn Mú (lớp 6), chết tháng 5/2010.


Từ năm 2008, "bệnh lạ" đã cướp đi sinh mạng nhiều người H'rê ở Ba Tơ, trong đó phần lớn là các em học sinh 

Ngoài ra còn có hai chị em ruột là Phạm Thị Dút (lớp 8) chết tháng 11/2010 và Phạm Thị Pông (lớp 9), chết tháng 12/2010. Đến đầu năm 2011, em trai của hai em học sinh nói trên là Phạm Văn Déo (hiện đang học lớp 6) cũng mắc bệnh hiện đã được chữa khỏi.


“Đó chỉ là học sinh của trường, còn người dân thì hồi đó cũng đã mắc bệnh, có trường hợp đã chết nhưng không ai nghĩ là do một căn bệnh quái ác như thế này nên không có ai quan tâm, thống kê”, thầy Dương cho biết.


Về điều này, anh Phạm Văn Xu, công tác tại Trạm y tế xã Ba Điền cũng xác nhận là có biết các trường hơp này. Tuy nhiên, hồi đó, khi bà con bị bệnh thì thường tự cúng ở nhà, không đến cơ sở y tế chữa trị nên ngành y tế không ghi nhận được và cũng không nghĩ bệnh lại diễn biến phức tạp như thế này. 


Chữa bớt, bệnh lại tái phát nguy hiểm

Theo thống kê đến nay, huyện Ba Tơ đã có 200 người mắc bệnh lạ, trong đó đã có 21 người chết. Từ khi phát hiện bệnh (tháng 4/2011), ngành y tế từ trung ương đến địa phương đã tích cực vào cuộc tìm cách cứu chữa cho người dân. Tuy nhiên, theo thống kê thì vẫn có khoảng 30 bệnh nhân được chữa khỏi những một thời gian bệnh vẫn tái phát bệnh. 


Ngồi vật vờ trước hiên nhà với thân thể tiều tụy, em Phạm Văn Trách (16 tuổi) sau một thời gian trở về từ Bệnh viện Phong da liễu TW Quy Hòa (Bình Định) “bệnh lạ” lại tái phát. Cộng thêm căn bệnh thủy đầu phù cấp khiến cho toàn thân em trở nên đau rát và lở loét “sống không bằng chết”.


Bệnh tái phát và họ đã ra đi 

Mới đây nhất, tại làng Rêu, ông Phạm Văn Nhọc và bà Phạm Thị Ngớt vừa ra đi sau khi bệnh tái phát. Trước đó, sau khi điều trị dài ngày tại Bệnh viện phong da liễu Quy Hòa, họ được cho về nhưng sau đó bệnh tái phát, khi tiếp tục được đưa đến bệnh viện điều trị thì đã không qua khỏi.


Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì phác đồ điều trị cũ ban hành từ tháng 1/2012 chủ yếu quan tâm đến điều trị da liễu nên một số ca đã điều trị khỏi, khi về nhà vì một lý do nào đó, họ vẫn sẽ tái phát bệnh.


Do đó, ngày 4/5 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành phác đồ mới điều trị tổng quát, hiệu quả hơn, bao gồm cả chống độc, dinh dưỡng tiết chế, kháng sinh… Đồng thời lưu ý những biến chứng và các bệnh kèm theo như nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, sốt mò, sốt rét, viêm phổi, leptospira, viêm màng não, hôn mê, co giật.


Vừa uống thuốc vừa… cúng ma


Còn nhớ, cách đây hơn chục ngày, đoàn công tác của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến suýt bị “ngăn sông cấm chợ” bởi con đường trục chính từ UBND xã Ba Điền dẫn vào “rốn dịch” làng Rêu đã bị người dân làng Gò Nghênh bít lối để cúng ma.


 Rào đường vào làng trong khi cúng trừ ma

Chắn ngang con đường bê tông độc đạo là hàng rào tre với hàng chục thanh niên trai tráng người trong làng canh giữ.


“Làng đang cúng giải trừ con ma “bệnh lạ” tuyệt đối “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Ai đi vào, nếu con ma quay lại “bắt” người trong làng sẽ bị bắt đền”, già làng Gò Nghênh Phạm Văn Vòng đứng phía trong rào tre tuyên bố.


Hết người của xã đến người của huyện điều đình hàng giờ, người dân mới cho cán bộ dỡ bỏ hàng rào tre cho đoàn vào với cam kết sẽ “bắt đền” sính lễ cúng theo lệ làng.


Làm trâu cúng ma 

Việc cúng trừ này không chỉ diễn ra ở làng Gò Nghênh mà đã diễn ra ở tất cả các thôn làng khác ở Ba Điền từ khi “bệnh lạ” hoành hành quái ác. Nhiều nhà kỹ hơn, sau khi cúng làng còn cúng riêng ở nhà cho chắc ăn, thế nhưng con ma “bệnh lạ” vẫn lẫn khuất đâu đó, lâu lâu lại bắt người của làng mang đi.


Thậm chí mới đây (ngày 28/4), tại trụ sở UBND xã Ba Điền, những người có uy tín nhất trong các làng còn đứng ra tổ chức cúng ma. Lễ cúng là một con trâu 20 triệu đồng cùng nhiều sính lễ khác.


“Dù biết việc cúng kính này, nhưng đó là phong tục và nhất là để người dân được thõa mãn, nên chúng tôi cũng đành “làm ngơ” để các già làng thực hiện cho hết nước hết cái”, một lãnh đạo chính quyền địa phương cho biết.


Những gương mặt thất thần vì "bệnh lạ". Đừng để có tội với họ, làm mát lòng tin ở họ vào Đảng và Nhà nước 

Theo những già làng ở xã Ba Điền, chưa bao giờ họ gặp một căn bệnh nào dai dẵng, quái ác như căn bệnh lần này. Chữa trị tại bệnh viện, uống thuốc, cúng ma rồi mà bệnh vẫn không khỏi. Giờ dân trong làng ai cũng hoảng sợ, không biết sống chết thế nào.


“Dân mình đã đến bệnh viện, đã uống cái thuốc của nhà nước, cúng đủ kiểu con ma rồi mà cái bệnh vẫn đeo đẳng không đi, giờ chỉ biết giao cho số phận”, già Đang nói trong tuyệt vọng.


Đem những lời của già làng trao đổi với bà Đặng Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, bà cũng đồng tình đó là điều đáng buồn mà cũng là đáng mừng của ngành y tế. Giờ thì dân làng đã “hết phép”, chỉ còn biết “phó mặc” cho khoa học, cho ngành y tế. Nếu không nhanh chóng tìm được cách chữa bớt bệnh cho dân là có tội với họ, làm mất lòng tin ở họ.

Nghĩa Bình

Bình luận
vtcnews.vn