Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với PGS, TS. Phan Trọng Lân (ảnh), Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết về tình hình dịch bệnh do vi rút Zika tại khu vực phía Nam nói chung và TP.HCM nói riêng?
Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cả nước hiện đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính với vi rút Zika, trong đó nhiều ca bệnh tại khu vực phía Nam gồm: Tính đến ngày 6-11, TP.HCM ghi nhận 29 ca dương tính với Zika, Đắk Lắk (2 ca), Bình Dương (2 ca), Long An, Khánh Hòa và Phú Yên mỗi tỉnh có một ca.
Tại TP.HCM, trong 5 tuần gần đây, những trường hợp nhiễm virus Zika liên tục được phát hiện thông qua hệ thống giám sát dịch bệnh mà ngành y tế TP.HCM đã triển khai mấy tháng qua. Giai đoạn gần đây, số ca mắc đang tăng nhanh chóng. Dự báo số người nhiễm bệnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có giải pháp phòng chống dịch triệt để và hiệu quả. Đáng lo ngại, trong những ca bệnh đã được xác định dương tính với Zika thì có 4 phụ nữ đang mang thai (1 người mang thai dưới 3 tháng).
Những nguy hiểm do vi rút Zika gây ra là gì? Phụ nữ mang thai cần phải làm gì để tự bảo vệ mình trước nguy cơ mắc bệnh do loại vi rút này ra gây?
Trong 4 trường hợp phụ nữ đang mang thai mắc Zika tại TP.HCM đã ghi nhận trường hợp một thai phụ mang thai dưới 3 tháng bị nhiễm Zika ngụ tại quận 2. Sau 1 tháng mắc bệnh, người mẹ đã bị sảy thai. Bên cạnh đó, một bệnh nhi tại Đắk Lắk đã được xác định bị dị tật đầu nhỏ vì nhiễm vi rút Zika. Thực tế trên là minh chứng cho sự liên quan của vi rút Zika gây ra tật đầu nhỏ ở trẻ đã được các nhà khoa học nêu lên. Ngoài ra, muỗi vằn không chỉ mang đến Zika mà còn gây nên bệnh sốt xuất huyết. Thai phụ mắc sốt xuất huyết trong giai đoạn chuyển dạ, khi sinh con có thể dẫn đến hiện tượng chảy máu không cầm được (băng huyết), nguy cơ tử vong rất cao.
Vi rút Zika lây truyền chủ yếu qua muỗi vằn. Do vậy, biện pháp phòng chống căn cơ hiện nay là diệt lăng quăng, diệt muỗi, phòng chống muỗi. Ngoài ra, bệnh có thể lây qua đường tình dục, vì vậy, cần phòng tránh bằng cách quan hệ tình dục an toàn. Đối với phụ nữ mang thai, nếu sống trong vùng dịch hoặc có chồng/bạn tình ở và đến từ vùng dịch, nên kiêng quan hệ tình dục hoặc quan hệ tình dục an toàn trong suốt thời gian mang thai. Đối với vợ chồng dự định có thai, cần hạn chế đi đến vùng dịch. Nếu đến vùng dịch thì cần có biện pháp phòng ngừa muỗi đốt và nên thụ thai sau thời gian 8 tuần đối với nữ và 6 tháng đối với nam kể từ khi ra khỏi vùng dịch. Trong suốt thời gian chờ mang thai, nên kiêng quan hệ hoặc quan hệ tình dục an toàn. Vợ chồng nên đến bác sĩ chuyên khoa sản để được tư vấn và xét nghiệm (nếu cần) trước khi dự định có thai.
Hiện nay công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết ở khu vực phía Nam được thực hiện như thế nào? Khó khăn nhất trong công tác phòng chống dịch là gì thưa ông?
Viện Pasteur TP.HCM đã kịp thời cập nhật tình hình dịch bệnh do virus Zika trên thế giới cũng như nhanh chóng xét nghiệm hơn 900 mẫu bệnh phẩm mà các đơn vị y tế của Sở Y tế TP.HCM và các địa phương gửi đến. Đồng thời, triển khai tập huấn cho các đơn vị và y tế dự phòng các địa phương về chuyên môn giám sát, điều tra dịch tễ đối với dịch do vi rút Zika… Tuy nhiên, hiện chưa có hàng rào kỹ thuật để kiểm soát các ca mắc Zika mà chưa có biểu hiện lâm sàng. Do đó, phải tăng cường phòng chống dịch bệnh. Một trong những biện pháp căn cơ lâu dài trong công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika là diệt lăng quăng và muỗi. Khó khăn của thành phố hiện nay là có nhiều bãi rác, công trình vừa giải tỏa xong, công trình đang thi công dở dang tạo môi trường thuận lợi cho muỗi và lăng quăng sinh sôi. Bên cạnh đó, một số hộ dân chưa có ý thức tốt trong công tác phòng, chống bệnh.
Theo đó, cùng với ngành tế, người dân cần tự bảo vệ mình để không bị muỗi chích bằng cách ngủ mùng (màn), mặc quần áo dài tay, sử dụng kem xua muỗi và bình xịt muỗi cầm tay. Dành 10 phút mỗi tuần để kiểm tra và dẹp sạch lăng quăng ở trong và ngoài nhà. Mở cửa nhà và hợp tác với chính quyền, y tế trong phun hóa chất diệt muỗi và tích cực tham gia diệt lăng quăng trong các chiến dịch ở địa phương để phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.
Người dân cũng cần lưu ý, biểu hiện của nhiễm vi rút Zika cũng khá giống với mắc sốt xuất huyết. Dấu hiệu nghi ngờ bệnh là phát ban và có ít nhất 2 trong 4 triệu chứng gồm sốt dưới 38 độ C, viêm kết mạc hoặc xung huyết kết mạc, đau khớp hoặc phù quanh khớp, đau cơ. Theo đó, người xuất hiện triệu chứng nghi ngờ có thể đến 30 bệnh viện tại TP.HCM để lấy máu xét nghiệm tìm vi rút Zika miễn phí. Các mẫu máu từ bệnh viện được chuyển tới Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận