• Zalo

Bệnh đậu mùa khỉ bùng phát: Các triệu chứng cần lưu ý

Tin tứcThứ Ba, 24/05/2022 07:22:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở nhiều nước trên toàn cầu với các triệu chứng khá giống với bệnh đậu mùa.

Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm thường phổ biến ở vùng Tây hoặc Trung Phi. Tuy nhiên, gần đây các ca bệnh xuất hiện tại các nước châu Âu và nhiều nước khác.

Tính đến ngày 21/5, gần 100 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và 28 ca nghi mắc bệnh này tại 12 quốc gia thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – những nơi thường không ghi nhân căn bệnh này.

Các chuyên gia cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ người này đến người khác thông qua tiếp xúc gần, kể cả qua đường tình dục.

Ngoài ra, bệnh đậu mùa ở khỉ cũng có thể lây lan qua tiếp xúc gần với da của người bệnh hoặc qua việc chạm vào quần áo, khăn tắm hoặc giường của người bị bệnh đậu mùa khỉ.
Bệnh đậu mùa khỉ bùng phát: Các triệu chứng cần lưu ý - 1

Bệnh đậu mùa ở khỉ cũng có thể lây lan qua tiếp xúc gần với da của người bệnh. (Ảnh: Getty)

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, ở người, các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tương tự nhưng nhẹ hơn các triệu chứng của bệnh đậu mùa. Khác với bệnh đậu mùa, bệnh đậu mùa khỉ gây sưng hạch bạch huyết.

Các triệu chứng 

• Sốt

• Đau đầu

• Đau nhức cơ

• Đau lưng

• Sưng hạch bạch huyết

• Ớn lạnh

• Kiệt sức

Thời gian ủ bệnh (từ khi nhiễm bệnh đến khi phát triệu chứng) là 7-14 ngày. Các triệu chứng có thể kéo dài từ 5 - 21 ngày sau khi nhiễm bệnh.

Trong vòng 1 - 3 ngày (đôi khi lâu hơn) sau khi bị sốt, bệnh nhân sẽ xuất hiện phát ban, thường bắt đầu ở mặt và sau đó lan ra các bộ phận khác của cơ thể.

Biện pháp phòng ngừa bệnh

- Tránh tiếp xúc với động vật có thể chứa virus (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ).

- Tránh tiếp xúc với bất kỳ đồ vật nào, chẳng hạn như khăn trải giường đã tiếp xúc với động vật hoặc người bị bệnh.

- Cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh với những người khác để tránh nguy cơ lây nhiễm.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn, đặc biệt sau khi tiếp xúc với động vật hoặc người bị nhiễm bệnh.

- Sử dụng đồ bảo hộ khi chăm sóc bệnh nhân.

CTV Lương Trâm/VOV.VN(Nguồn: Express và CDC)
Bình luận
vtcnews.vn