• Zalo

Bệnh bạch hầu đang bị Bộ Y tế cảnh báo khẩn cấp nguy hiểm thế nào?

Sức khỏeThứ Năm, 14/07/2016 17:02:00 +07:00Google News

Sau khi phát hiện 3 trường hợp tử vong vì bệnh bạch hầu ở Bình Phước, Bộ Y tế đã phát đi thông báo khẩn, yêu cầu địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống căn bệnh nguy hiểm này, tránh nguy cơ phát triển thành ổ dịch.

Là căn bệnh nguy hiểm có thể gây chết người, nhưng bệnh bạch hầu dường như vẫn là khái niệm mơ hồ với rất nhiều người. Để giữ mình an toàn, tránh xa căn bệnh này, bạn phải nắm được những thông tin cơ bản sau: 

Bệnh bạch hầu là gì?

Giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thanh Bảo, Khoa Vi sinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bất cứ người nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị lây nhiễm. Người có khả năng miễn dịch thấp dễ bị bệnh hơn.Thông thường trẻ em từ một đến 10 tuổi dễ mắc bệnh nhiều nhất do không còn kháng thể từ mẹ truyền sang. 

benh-bach-hau

 Bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra

Dịch bạch hầu bùng phát không theo mùa rõ rệt, chỉ cần có nguồn bệnh sẽ lây nhiễm. Khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi, vi khuẩn phát tán ra xung quanh theo đường không khí và lây bệnh cho người lành. Ngoài ra, các tiếp xúc qua da khi bị trầy xước cũng dẫn đến lây lan vi khuẩn bạch hầu.

Triệu chứng của bệnh bạch hầu

Triệu chứng bệnh bạch hầu chủ yếu là viêm họng, có lớp màng giả màu trắng do các tế bào bị viêm bám vào trong vòm họng. Nếu không điều trị, màng này lan rộng lấp đầy đường hô hấp khiến bệnh nhân ngạt thở.

Bệnh bạch hầu thường gặp với những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.

benh-bach-hau2

 Bệnh bạch hầu thường gặp với những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn

Bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và gây tử vong trong vòng 6-10 ngày. Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt.

Bệnh bạch hầu lây lan qua đường nào?

Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người mắc bệnh sang người khác thông qua đường hô hấp (hắt hơi, ho) hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng. Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân có thể gây lây nhiễm cho người khác.

benh-bach-hau3

Bệnh bạch hầu có thể lây lan trược tiếp qua đường hô hấp hoặc gián tiếp 

Biến chứng của bệnh bạch hầu

Biến chứng của bệnh bạch hầu là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong ở trẻ.

- Biến chứng tim mạch: Đó là viêm cơ tim do nhiễm độc thường xảy ra vào ngày thứ hai đến ngày thứ bảy. Biểu hiện: nhịp tim nhanh, tim có tiếng thổi, đặc biệt có thể rối loạn dẫn truyền dẫn tới ngừng tim và tử vong.

- Biến chứng thần kinh: Bao gồm liệt cục bộ các dây thần kinh sọ (số 4, số 10), xuất hiện sớm nhất vào ngày thứ 5, có thể kèm nhìn mờ, khó nuốt, nói giọng mũi... Có thể xuất hiện suy tim và trụy mạch do thoái hóa các trung tâm vận mạch và liệt lớp cơ động mạch vào tuần lễ thứ hai hoặc thứ 3 sau phát bệnh.

- Biến chứng viêm dây thần kinh ngoại biên: Đây là biến chứng muộn có khi xảy ra 12 tuần lễ sau thương tổn cục bộ. Có khi liệt toàn thể hoặc đồng thời liệt dây thần kinh hoành, viêm dạ dày và viêm gan.

benh-bach-hau1

 Cách tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu là tiêm vacxin cho trẻ theo lịch tiêm chủng

Cách phòng tránh bệnh bạch hầu

Cách tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu là tiêm vacxin cho trẻ theo lịch tiêm chủng. Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng; Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng; Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi.

Người lớn cũng phải hường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Đối với người nhiễm bệnh bạch hầu, cần cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Ngoài ra cần vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi... bằng dung dịch sát khuẩn.

Video: Hoảng hồn 'lang băm' dùng dao lam rạch lưng chữa bách bệnh ở Quảng Ngãi

Hà Phương (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn