3 tuổi - 2 năm sống trong bệnh viện
Cháu Nguyễn Đức Trung và mẹ đang ở viện điều trị.Bụng cháu ngày càng to ra vì gan và lách đang to dần.
Có mặt tại phòng 605, khoa Nhi, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương (14 Trần Thái Tông, Hà Nội) chúng tôi không thể kìm lòng trước những hoàn cảnh của các cháu bé phải nằm điều trị ở đây.
Ở chiếc giường sát cửa, một người mẹ trẻ đang cặm cụi cho con ăn. Thằng bé nhất định không chịu mở mồm. Đó là bé Nguyễn Đức Trung có đôi mắt to, hàng mi dài cong vút trên khuôn mặt khôi ngô. Nhưng đôi tay, đôi chân Trung thì nhỏ xíu, bé bỏng. Điều khiến người đối diện giật mình là Trung có cái bụng to bất thường. Trên bàn chân, bàn tay bé tí của Trung là những đốm xuất huyết.
Khi có người lạ hỏi, mắt Trung nhìn chằm chằm ra chỗ khác, cháu không nói gì…
Chị Hà Thị Hoa, mẹ Trung bảo: “Cháu đang giận em đấy chị ạ, nó dỗi vì ép nó ăn, mà nó có ăn được gì đâu”… Chỉ ngồi được một lúc, Trung lại nằm, hơi thở cháu nặng nề…
Chị Hoa chỉ biết thở dài: Trung bị mắc hội chứng thực bào máu. Lúc cháu 10 tháng tuổi bị sốt liên tục, co giật, uống thuốc giảm sốt chỉ là giải pháp tạm thời, Trung lại tiếp tục sốt khi ngừng uống.
Giờ, Trung nằm đó, cháu chỉ ngồi được một lúc rồi lại vật ra nằm, Trung chỉ nói nhát gừng vì có lẽ cháu mệt.
Trong ánh mắt người mẹ ấy thấy rõ sự mệt mỏi, chị kể: Con chị khám và nằm ở viện Nhi hơn 1 năm, bác sĩ xét nghiệm thấy thiếu máu, sinh thiết gan thì không ra bệnh. Khi da nổi mụn tím, cũng đi sinh thiết nhưng không có kết quả chính xác bệnh gì.
Rong ruổi hết viện nọ đến viện kia, cuối cùng, cháu cũng được đến điều trị tai Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.
Tại đây, cháu được chẩn đoán hội chứng thực bào máu. Lượng tiểu cầu rất thấp, men gan cao, Trung phải truyền máu, truyền huyết tương thường xuyên.
“Căn bệnh này chả có hy vọng gì chị ạ, sống với nó thôi… Em đã ở viện với cháu hơn 2 năm rồi, giờ Trung đã 3 tuổi”, người mẹ buồn bã nói. “Mấy hôm nay, người cháu mệt lắm, chả chịu ăn gì…, không biết sẽ thế nào”. Nói đến đây, người mẹ ấy lại im lặng.
Nỗi lo lắng oằn trên lưng chị nhưng dường như chị đã quá quen với nó. Dù cháu được nhà nước hỗ trợ rất nhiều, nhưng mỗi tháng, trung bình chi phí vẫn mất khoảng 2 triệu đồng/tháng. Chị phải chăm cháu, chồng thì xin làm bảo vệ ở Hà Nội mong kiếm được đồng nào hay đồng ấy, để dồn hết nuôi vợ con nằm viện.
Bác sĩ Đặng Thị Vân Hồng, điều trị cho cháu Trung nói: Trung bị mắc hội chứng thực bào máu, có nghĩa là cơ thể bé Trung sinh ra tế bào ăn hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu.
Về nguyên nhân gây bệnh có thể do ô nhiễm môi trường dẫn đến đột biến gen. Với cháu Trung, có thể do quá trình mang thai có vấn đề. Nhưng với những căn bệnh về máu này, trên thế giới nhìn chung chưa xác định rõ nguyên nhân.
Vì các tế bào máu bị ăn nên cơ thể bệnh nhân thiếu máu trầm trọng. Lá lách và gan là nơi chứa các tế bào bị thực bào ăn nên dần bị to dần. Tiểu cầu giảm nên gây xuất huyết dưới da.
Bác sĩ Hồng cho rằng bé Trung khá kiên cường khi sống với căn bệnh này hơn 2 năm nay.
14 tuổi: Sốt cao và căn bệnh ung thư máu cấp
Cũng trong phòng 605, cháu Nguyễn Ngọc Hoàng (xóm 3, Quỳnh Hồng, Thái Thụy, Thái Bình) cũng mới nhập viện đầu tháng 1 âm lịch.Cháu Nguyễn Ngọc Hoàng mắc bệnh máu trắng.
Nhìn cháu, khó có thể hình dung cậu bé khôi ngô, to cao ở lứa tuổi 14 lại đang mang trong mình bạo bệnh. Cái đầu trọc lóc ấy khiến người đối diện chạnh lòng.
Căn bệnh của Hoàng đến với gia đình anh Nguyễn Danh Thùy quá bất ngờ. Hoàng đang học lớp 8, trường Quỳnh Hồng, Thái Thụy, Thái Bình. Hàng ngày, cháu vẫn đi học như bao nhiêu trẻ em khác.
Đến một ngày, Hoàng sốt cao 39, 40 độ C, cơ thể mệt mỏi, chán ăn, hạch bạch huyết nổi khắp người. Gia đình cho đi xét nghiệm máu thì bạch cầu trong máu của cháu lên mức khủng khiếp: hơn 700 ngàn/mm³ máu (Ở người bình thường chỉ 4 ngàn - 10 ngàn/mm³ máu).
Hoàng được chọc tủy, kết quả em bị ung thư máu cấp. Đây là một cú sốc lớn cho gia đình Hoàng.
Vào viện, Hoàng được dùng máy để gạn bỏ tế bào bạch cầu ung thư. Cháu đã được gạn 4 lần, bạch cầu có giảm. Bác sĩ Hồng, khoa Nhi cho biết: Nếu không gạn, số lượng bạch cầu tăng cao sẽ làm tắc mạch máu não.
Với cháu Trung và cháu Hoàng, khả năng chữa khỏi bệnh rất khó. Chỉ có thể chữa để kéo dài sự sống ngày nào hay ngày ấy.
Nhà cháu Hoàng hiện rất khó khăn, thu nhập chủ yếu từ vài sào ruộng. Anh Thùy, bố cháu Hoàng tâm sự: Giờ cháu vào đây, dù được hỗ trợ nhưng những lần gạn bạch cầu cũng tốn kém lắm. Mỗi lần gạn là 5 triệu đồng. Rồi truyền hóa chất, truyền máu. Chưa biết ngày nào được về nhà, mà cũng chả biết sẽ thế nào…
Giờ thì đi vay mượn để có tiền chữa bệnh cho cháu, ai cho vay gì thì mượn đấy.
Hoàn cảnh của các cháu ở đây đều khó khăn, căn bệnh thì đeo bám với thời gian không biết đến bao giờ dứt.
Nói về triệu chứng cũng như hướng điều trị bệnh về máu, bác sĩ Hồng nói: Biểu hiện ban đầu của bệnh ung thư máu là sốt cao, hết thuốc giảm sốt lại sốt lại liên tục, sốt kéo dài. Thiếu máu, da xanh, nốt bầm tím xuất hiện dưới da tự nhiên, nốt xuất huyết không đau.
Khi trẻ có triệu chứng như vậy cần đi khám, xét nghiệm máu, tổng phân tích tế bào máu. Nếu phát hiện bệnh sớm sẽ có các biện pháp điều trị để kéo dài sự sống.
Nguyễn Tâm
Bình luận