• Zalo

Bên trong 'thung lũng sản xuất đạn' của quân đội Việt Nam

Thời sựThứ Ba, 25/04/2017 15:57:00 +07:00Google News

Các thành phần để lắp ráp thành một đầu đạn (vỏ đầu đạn, lõi thép, lõi chì) đều phải được tẩy rửa, sấy khô và được chọn kỹ lưỡng rồi mới đưa vào chặng tiếp theo.

Nhà máy Z113 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) nằm lọt thỏm trong thung lũng, được bao quanh bởi dòng sông Lô và 3 phía còn lại là những dãy núi cao ngất. Nơi đây được gọi là “thung lũng sản xuất đạn”. Thung lũng sản xuất đạn trang bị cho bộ binh nằm trên khu vực rộng gần 800ha, trải dài trên địa bàn 4 xã của tỉnh Tuyên Quang.

Ở nơi khung cảnh hữu tình này, hằng ngày cho ra lò hàng trăm ngàn viên đạn đủ kích cỡ, cung cấp cho các đơn vị quân đội.

Một viên đạn 
qua 59 công đoạn

Trung tá Trần Quốc An (phó quản đốc phân xưởng đạn con) đưa chúng tôi đi tham quan phân xưởng P sản xuất các loại đạn K59, K56, K53, K51. Đó là những loại đạn dùng cho lực lượng bộ binh.

Cả phân xưởng rộng lớn, nhiều máy móc nhưng có rất ít người vận hành. Các công nhân trong bộ đồ màu xanh lính mỗi người một việc. Nhiều công đoạn đã tự động hóa.

Đạn K59 được bôi sơn - công đoạn cuối cùng của một viên đạn trước khi đưa vào hòm sắt chuyên dụng bảo quản. (Ảnh: MY LĂNG) 

Chỉ về phía các dãy máy móc, trung tá Trần Quốc An nói: để làm ra một viên đạn rất công phu. Sản xuất ra được một vỏ đạn phải trải qua 43 công đoạn.

Với đầu đạn thì phải trải qua 16 chặng nữa. Tổng cộng, để có một viên đạn xuất xưởng phải qua 59 công đoạn.

Các thành phần để lắp ráp thành một đầu đạn (vỏ đầu đạn, lõi thép, lõi chì) đều phải được tẩy rửa, sấy khô và được chọn kỹ lưỡng rồi mới đưa vào chặng tiếp theo. Đó là chưa kể phần thuốc phóng và hạt lửa.

Ở khu vực tổng lắp thành viên đạn, khi cánh cửa phòng hé mở, hơi lạnh từ trong phả ra. Máy điều hòa luôn ở chế độ 24/24 giờ để đảm bảo độ ẩm luôn từ 50 - 65%.

Trung tá Trần Quốc An cho biết, vỏ đạn sản xuất xong trước khi được đưa vào tổng lắp thành viên đạn thì được đưa lên đây lắp hạt lửa rồi chuyển cho công nhân bôi sơn bịt kín mối ghép giữa vỏ đạn với hạt lửa.

Đó là một căn phòng riêng biệt. Trong phòng có 5 công nhân, đó là một tổ của máy tổng lắp thành viên đạn gồm 4 công nhân và 1 nhân viên kiểm nghiệm.

Mỗi công nhân một nhiệm vụ: có người chỉ ngồi quan sát những vỏ đạn xoay tròn chạy qua để kiểm tra thuốc đong bên trong, có người phụ trách phần chạy máy, người thì làm nhiệm vụ đổ đầu đạn vào máng, người theo dõi vỏ đạn...

Từng viên đạn vàng óng ánh sau khi lắp hoàn chỉnh được rơi ra ở một ống nhỏ dưới chân máy và tới khay chứa sản phẩm.

Cầm những viên đạn óng ánh trên tay, trung tá Trần Quốc An cho biết: “Bây giờ đã là một viên đạn hoàn chỉnh rồi. Đây là đạn K59. Đạn được tổng lắp xong còn được mang đi cân, đo kích thước trước khi bôi sơn để bảo quản”.

Bôi sơn chính là công đoạn cuối cùng của một viên đạn. Hơn 20 nữ công nhân đang cặm cụi cầm hộp sơn nhỏ xíu tô sơn màu đỏ - như một dòng kẻ - vào cổ từng viên đạn.

Chị Thu Hà, một công nhân, cho biết phải bôi sơn cổ đạn để bịt kín mối ghép thì mới bảo quản được lâu dài. “Làm công việc này không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và chính xác. Chỉ cần bôi sơn lệch đầu tăm sơn ra khỏi vòng cổ viên đạn là không đạt rồi” - chị Thu Hà nói.

Sau khi bôi sơn xong, đạn được bảo ôn trong 24 tiếng rồi xếp vào từng hộp giấy nhỏ trước khi bảo quản trong hộp sắt chuyên dụng. Trên từng hòm đạn đều có ký hiệu lô đạn của nhà máy, ký hiệu thuốc phóng, số lượng viên...

Gia đình nhiều thế hệ quân giới

Ở thung lũng sản xuất đạn này, nhà dân ở ngay trong lòng nhà máy. Thị trấn Tân Bình cũng ở ngay trong nhà máy. Thậm chí, thị trấn còn ra đời sau cả nhà máy.

Trong khuôn viên nhà máy có trường mẫu giáo, trường cấp I, cấp II, có chợ, có bệnh xá, bể bơi... Mọi người vẫn gọi đùa nơi đây là “làng quân nhân” hoặc “thung lũng Z113”.

“Thung lũng Z113” có hơn 2.000 hộ với hơn 10.000 nhân khẩu. Gần như đều là người của Nhà máy Z113. Rất nhiều gia đình có truyền thống con nối nghiệp cha mẹ vào nhà máy làm. Nhà nào ít thì 1 - 2 thế hệ, nhiều thì 3 thế hệ.

Gia đình thiếu tá Nguyễn Đức Thành (trưởng ban kỹ thuật Xí nghiệp 1) là một trong những gia đình có 3 thế hệ quân giới.

Ông cho biết: “Cha mẹ tôi là công nhân của nhà máy. Ba anh em tôi cũng theo ngành của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Không chỉ bố mẹ tôi mà cô dì chú bác tôi cũng làm trong nhà máy. Bên gia đình vợ tôi, từ bố mẹ vợ đến các anh chị em vợ cũng vậy.

Vợ tôi là công nhân phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm. Tuổi trẻ của các thế hệ trước trong gia đình đều gắn với Z113. Chúng tôi được sinh ra ở đây nên có sự gắn bó thân thiết với nhà máy”.

Rồi con thiếu tá Thành - chàng cử nhân Nguyễn Trung Đức - hai năm trước tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hà Nội, cũng về đây làm, đang là công nhân của phân xưởng sản xuất đạn con.

Anh chàng công nhân trẻ cho biết: “Khi thi đại học, mình chọn khoa cơ khí chế tạo của Đại học Công nghiệp Hà Nội với mong muốn sau này sẽ về nhà máy làm việc.

Khi mình mới vào nhà máy làm, bố dặn: gia đình mình bao đời nay trong ngành quân giới, cả đời cống hiến sức trẻ và trí tuệ cho nhà máy, con phải giữ gìn truyền thống gia đình và truyền thống của nhà máy mình”.

Những gia đình nhiều thế hệ cùng làm việc ở nhà máy như Đức rất nhiều, cả nhiều công nhân - cử nhân nữ cũng vậy.

Như Thùy Linh, tốt nghiệp khoa tài chính ngân hàng Đại học Kinh doanh công nghệ Hà Nội, chia tay Hà thành phồn hoa, về nhà máy làm công nhân phân xưởng sản xuất đạn con.

“Mình tự hào vì được làm trong nhà máy, dù chỉ là công nhân bình thường. Bố mẹ mình cũng làm nhà máy. Mình là thế hệ thứ hai trong gia đình làm việc ở đây” - Thùy Linh nói.

Chồng của Thùy Linh - thượng úy Nguyễn Nhuận Tuấn - là thế hệ thứ ba của đại gia đình 3 đời trong ngành quân giới.

Những thành tựu quan trọng

Không chỉ sản xuất các loại đạn con, Nhà máy Z113 còn sản xuất các loại đạn pháo. Đặc biệt, đội ngũ kỹ sư của nhà máy đã nghiên cứu chế tạo thành công đạn xuyên thép 7,62x54mm. Loại đạn này nếu nhập mua giá thành rất đắt.

Với thành công này, lần đầu tiên Việt Nam chế tạo thành công đạn xuyên thép 7,62x54mm và đang được sản xuất hàng loạt.

Trên cơ sở đó, nhà máy cũng đã nghiên cứu, chế thử thành công đạn xuyên áo giáp lõi hợp kim cứng cỡ 7,62x39mm (K56). Đây là một trong những loại đạn đầu tiên Việt Nam sản xuất bằng chất xám của người Việt.

Không những thế, các kỹ sư trẻ của nhà máy đã chế tạo thành công đạn 7,62x51mm kiểu 80 NATO bắn trên súng M14, M60 của Mỹ. Sắp tới, loại đạn này sẽ được trang bị cho súng trường M14 và súng máy M60 trong quân đội.

Video: Kho vũ khí 'khủng' trong nhà tên giang hồ khét tiếng tại Hà Nội 

(Nguồn: Tuổi Trẻ)
Bình luận
vtcnews.vn