Bước qua cánh cổng vào đại bản doanh Huawei Technologies Co., khuôn viên rộng lớn ở miền Nam Trung Quốc, người ta sẽ thấy một lực lượng lao động khổng lồ đang trong guồng chuyển động điên cuồng. Những chiếc minivan màu xanh neon chở nhân viên di chuyển giữa các văn phòng liên tục. Đèn văn phòng làm việc sáng thâu đêm. Nhà ăn dành cho nhân viên cũng hoạt động đến tận đêm muộn.
Công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc đã phát triển dựa trên nền tảng mà một số nhân viên từng làm việc ở đây và giới công nghệ gọi là "văn hóa làm việc bầy sói". Sự khắc nghiệt trong môi trường làm việc của Huawei càng bùng lên sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc vào danh sách đen, cắt đứt nguồn cung công nghệ quan trọng cũng như khả năng tiếp cận thị trường.
Ngày 17/5, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen, ngăn chặn họ mua phần mềm và linh kiện của Mỹ cần để sản xuất sản phẩm.
Theo nguồn tin của Bloomberg, những ngày qua Huawei đã giao cho 10.000 nhà phát triển của họ làm việc trên ba ca một ngày tại các văn phòng ở Thượng Hải, Thâm Quyến và Tây An, để phát triển phần mềm riêng tránh sự phụ thuộc vào phần mềm và mạch điện của Mỹ.
Từ người bảo vệ đến tài xế, tất cả đều được huy động vào cuộc đấu tranh và được yêu cầu phải chuẩn bị trước sức ép chính trị và thị trường ngày càng leo thang. Huawei không tiết lộ gì thêm ngoài việc nói rằng họ có kế hoạch dự phòng cho tình huống như vậy.
Một nguồn tin giấu tên cho biết, nhiều kỹ sư ở một số nhóm không về nhà trong nhiều ngày nay. Người này tiết lộ các kỹ sư Huawei đang phát triển anten trạm thu phát sóng di động, loại thiết bị các công ty Mỹ như Rogers Corp sản xuất.
Đồng thời, kỹ sư Huawei đang điều chỉnh thiết kế của toàn bộ trạm thu phát sóng 4G, sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ phương Tây như Ericsson AB của Thụy Điển và Nokia Corp của Phần Lan.
Một kỹ sư giấu tên của Huawei nói: "Câu hỏi không phải là chúng tôi có thể thắng không - chúng tôi phải thắng. Đây là một cuộc chiến về việc Trung Quốc phải có một ngành công nghệ viễn thông độc lập."
Trên một diễn đàn nội bộ của công ty, thông điệp sau đây đã được đăng: "Những chiến binh mặc áo giáp vàng sẽ không bao giờ trở về nhà cho đến khi họ đánh bại Trump từ Mỹ".
Theo giới chuyên gia, những hành động của chính phủ Mỹ có thể ảnh hưởng lớn tới thời kỳ tăng trưởng của Huawei. Trước lệnh cấm của Mỹ, Huawei là nhà cung cấp thiết bị mạng hàng đầu thế giới và là nhà cung cấp điện thoại thông minh số 2 sau Samsung.
Lệnh cấm của Mỹ không chỉ khiến các nhà sản xuất chip từ Mỹ đến châu Âu hoang mang khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa, mà còn có thể làm chậm tiến trình triển khai mạng không dây 5G trên toàn thế giới, theo Bloomberg.
Ông Trump đã nói rằng lệnh cấm là một phản ứng cần thiết trước việc Huawei giúp Bắc Kinh do thám chính phủ các nước. Nhiều năm nay, Huawei bị buộc tội và bị kiện với cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ của một số công ty lớn, bao gồm cả Cisco Systems Inc. và T-Mobile; dù Huawei luôn phủ nhận mọi cáo buộc.
"Chúng tôi đang đi trước Mỹ. Nếu chúng tôi đứng sau, ông Trump sẽ không cần phải tấn công chúng tôi", người sáng lập của Huawei, Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) nói với Bloomberg hôm 24/5.
Trước Huawei, Bộ Thương mại Mỹ từng đưa ZTE Corp vào cơn khủng hoảng năm 2018, khiến công ty này phải trả khoản tiền phạt lên tới 10 con số và cho các nhà quan sát Mỹ tiếp cận các hoạt động nội bộ. Huawei khi đó nói rằng đã rút ra bài học và chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với chính quyền Trump.
"Chúng ta đang ở phía bên phải của lịch sử", công ty đã viết trong một bản ghi nhớ nội bộ sau khi lệnh cấm được công bố. "Sau mỗi cơn bão, có một cầu vồng. Chúng tôi hy vọng mỗi bạn sẽ tự tin, luôn tận tâm và siêng năng hoàn thành nhiệm vụ của mình."
Huawei cho biết đã dự trữ đủ chip và các thành phần quan trọng khác để duy trì hoạt động kinh doanh của họ trong ít nhất ba tháng. Nhiều người trong số 180.000 nhân viên của Huawei vẫn lạc quan rằng Bắc Kinh sẽ giải quyết tranh chấp với Washington. Những người khác tin tưởng chính phủ Trung Quốc sẽ can thiệp bằng vốn hoặc thay đổi chính sách để hỗ trợ công ty.
Vào ngày 17/5, cùng ngày Huawei bị đưa vào danh sách đen, Trung Quốc tuyên bố miễn thuế cho các công ty thiết kế chip và phần mềm nội địa. Điều đó có nghĩa là HiSilicon, bộ phận sản xuất chip bí mật để loại bỏ các sản phẩm của Mỹ, sẽ không bị yêu cầu phải trả bất kỳ khoản thuế nào trong hai năm tới.
Tuy nhiên, sự lo lắng đang lan rộng khắp các văn phòng Huawei từ Tokyo đến Sydney. Một nhân viên ở Nhật nói: “Không thể phủ nhận những tin tức không hay về Huawei được đăng mỗi ngày đang gây ra tác động tiêu cực. Thế nhưng các nhân viên ở Nhật đang tập trung lại và cố gắng tiếp tục làm việc như bình thường. Một số khách hàng thậm chí đang cổ vũ chúng tôi”.
Trong lúc Huawei đang kích động tinh thần của 180.000 nhân viên, Mỹ vẫn tiếp tục kêu gọi chính phủ các nước ngừng sử dụng thiết bị của công ty Trung Quốc. Australia và New Zealand cấm các sản phẩm của Huawei, Nhật Bản đã tiếp bước, trong khi những nước như Anh, Đức đang cân nhắc.
Tổng thống Trump nói rằng có thể dỡ bỏ lệnh cấm với Huawei nếu Mỹ - Trung đạt được một thỏa thuận trong đó bao gồm cả nội dung về công ty công nghệ này. Tuy nhiên, hiện các cuộc đàm phán đang bị đình trệ, chưa có một lịch trình nào cho các phiên đàm phán tiếp theo.
"Nếu lệnh cấm kéo dài, Huawei sẽ mất rất nhiều thị phần", nhà phân tích Chris Lane nhận định.
Bình luận