Nhà xưởng bí mật
Trong một khu phức hợp tại địa điểm không được tiết lộ ở Ba Lan, hàng trăm kỹ thuật viên đang làm việc suốt ngày đêm để giải quyết một trong những thách thức lớn nhất của cuộc xung đột ở Ukraine: sửa chữa pháo và xe thiết giáp hạng nặng, sau đó đưa chúng trở lại tiền tuyến.
Bên trong nhà xưởng có kích thước bằng một sân bóng đá, nơi đang sửa chữa 3 khẩu pháo AHS Krab, không khí đặc quánh mùi bụi kim loại và dầu mỡ cơ khí, các thợ máy làm việc không ngơi tay. Hai trong số những khẩu pháo tự hành Krab 155mm đã mất một số bộ phận trên bánh xích, bị thủng nhiều vết đạn và phần thân bị móp méo.
Khẩu Krab còn lại trông khá sạch sẽ, đã sẵn sàng được đưa trở lại Ukraine dọc theo tuyến đường chuyển giao vũ khí lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II. Mỗi khẩu pháo có thể mất tới 2 tháng để sửa chữa.
Các kỹ thuật viên làm việc tại đây phải vượt qua nhiều lớp kiểm tra an ninh trước khi họ được phép vào bên trong khu vực nhà máy.
Ngoài công việc sửa chữa, những người thợ máy ở đây thường xuyên liên lạc với các kỹ thuật viên ở Ukraine - nhiều người trong số họ là dân thường trước khi xung đột bùng phát – hướng dẫn họ sửa chữa mọi thứ, từ xe tăng đến tên lửa thông qua các ứng dụng được mã hóa.
Kỹ sư Mirosław Surowaniec chỉ vào khẩu Krab đã được “hồi sinh”, một trong 10 khẩu được sửa chữa trong những tháng gần đây tại xưởng này, cho biết: “Khẩu pháo này được đưa tới đây trong tình trạng tồi tệ nhất mà chúng tôi từng thấy. Nó mất toàn bộ nòng súng, thân xe hư hỏng nặng”.
Trung tâm bảo trì và sửa chữa vũ khí cho Ukraine
Việc bảo trì và sửa chữa vũ khí, đạn dược là một thách thức lớn trong cuộc chiến mà vũ khí tiêu hao với tốc độ nhanh nhất trong gần 80 năm qua.
Cam kết viện trợ mới nhất của Ba Lan cùng các đồng minh khác cho Ukraine cho thấy những thách thức bảo trì sắp tới sẽ còn lớn hơn nhiều.
Ngày 25/1, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch gửi 31 xe tăng M1 Abrams tới Ukraine. Các đồng minh châu Âu cũng cam kết tới 100 xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất cho Kiev.
Giới chức Ba Lan cho biết họ dự kiến xe tăng Abrams sẽ được sửa chữa tại thành phố Poznan ở phía Tây. Điều này khiến quốc gia từng thuộc Liên Xô này đóng vai trò dẫn đầu trong hoạt động bảo trì trải dài đến Cộng hòa Séc, Romania và Bulgaria.
Ba Lan cũng có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc sửa chữa và bảo trì xe tăng Leopard, do ngành công nghiệp vũ khí của Warsaw có nhiều kinh nghiệm về loại xe tăng này.
Ông Tomasz Smura, một chuyên gia về công nghệ quân sự từ Quỹ Casimir Pulaski, một tổ chức tư vấn độc lập ở Warsaw, cho biết: “Có thể nói chắc chắn rằng Ba Lan sẽ là nước dẫn đầu trong việc bảo trì các thiết bị được quân đội Ukraine sử dụng trên chiến trường”.
Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky ngày 27/1 đã cảm ơn Ba Lan vì đã đồng ý chuyển giao 74 xe tăng, trong đó có 30 xe tăng PT-91 và 14 xe tăng 2.
Việc duy trì các loại vũ khí của Ukraine, bao gồm cả xe tăng, trở thành thách thức lớn khi cả Ukraine và Nga đều đang lên kế hoạch tấn công. Cho đến nay, Ukraine chủ yếu sử dụng các loại xe tăng như T-72 từ thời Liên Xô, bao gồm cả xe tăng do các nước từng thuộc Liên Xô trước đây chuyển giao, trong đó có Ba Lan.
Cuộc xung đột kéo dài gần 1 năm đã gây thiệt hại nặng nề cho xe tăng và pháo, khiến nòng pháo bị cong vênh do sử dụng với tần suất cao. Để duy trì hoạt động, trang thiết bị không chỉ cần sửa chữa mà còn cần thay thế một số bộ phận. Trong khi đó, nhiều loại vũ khí sử dụng đạn dược cỡ nòng của Liên Xô mà phương Tây không sản xuất với số lượng lớn.
Kiểm soát an ninh chặt chẽ và mã hóa tin nhắn
Tại Nga, nơi nền kinh tế đã được huy động để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh, trong một sắc lệnh hồi tháng 9/2022, Thủ tướng Mikhail Mishustin đã tuyên bố ông sẽ thành lập 2 trung tâm sửa chữa vũ khí mới ở khu vực Moscow và Rostov.
Tại Ba Lan, lựu pháo Krab - được sản xuất lần đầu vào năm 2017 - đang được bảo dưỡng tại một cơ sở thuộc sở hữu của Tập đoàn vũ khí Ba Lan.
Xưởng được các sĩ quan vũ trang thuộc Cơ quan An ninh Nội bộ giám sát. Lực lượng này được giao nhiệm vụ truy tìm các hoạt động phá hoại tiềm ẩn đã tấn công các nhà máy vũ khí ở các quốc gia khác, trong đó có Bulgaria.
Mỗi người trong số khoảng 400 nhân viên lắp ráp và sản xuất - và bất kỳ vị khách nào đến thăm cơ sở - phải là công dân Ba Lan. Quá trình sàng lọc nhân viên mới, bất kể cấp bậc, có thể mất vài tháng.
Các kỹ thuật viên làm việc theo 3 ca suốt ngày đêm và thường xuyên liên lạc với người Ukraine trên chiến trường. Họ chia sẻ thông tin về các kỹ thuật tốt nhất để sửa chữa thông qua tin nhắn được mã hóa và dùng ứng dụng HelpDesk để giải quyết vấn đề.
Các thợ máy Ba Lan cho biết họ từng sử dụng ứng dụng này để hướng dẫn một lính không chuyên Ukraine sửa chữa tên lửa.
Các quan chức Ba Lan cho biết xưởng có thể sớm mở rộng để sửa chữa và bảo trì các thiết bị được sản xuất ở nước ngoài, nhưng từ chối nêu chi tiết bất kỳ kế hoạch cụ thể nào.
Ông Sławomir Kapusta, quản đốc nhà xưởng cho biết, ông bắt đầu làm việc tại đây từ tháng 8/2022, khi một khẩu pháo gần như bị phá hủy được đưa tới.
“Người ta luôn tự hỏi điều gì đã xảy ra với kíp vận hành khi nhìn thấy một khẩu pháo ở trong tình trạng tồi tệ tới vậy”, ông nói.
Bình luận