Được làm việc cho Apple là điều rất nhiều người mơ ước, nhưng làm công nhân lắp ráp iPhone cho hãng này tại các nhà máy đối tác của hãng lại là chuyện khác. Theo Dejian Zeng, một sinh viên đang theo học Đại học New York (Mỹ), quãng thời gian anh làm việc cho Apple thực sự đáng nhớ.
Chia sẻ với Business Insider, Zeng cho biết đã đăng ký làm thêm cho nhà máy lắp ráp iPhone Peragtron ở Trung Quốc - một công việc được nhiều sinh viên khác lựa chọn những lúc rảnh rỗi. Khi đó, anh được giao nhiệm vụ gắn nhãn và thêm ốc vít cho iPhone 6s - công đoạn gần như cuối cùng để hoàn thành một chiếc iPhone.
Khi Zeng làm việc tại đây, nhà máy Pegatron đã chuyển qua lắp ráp iPhone 7. Vì chưa ra mắt, an ninh được thắt chặt hơn bao giờ hết, độ nhạy của máy dò kim loại được tăng lên, nhân viên buộc phải bị kiểm tra nhiều lần. Tất nhiên, thiết bị điện tử, bất cứ là gì cũng không được mang vào bên trong.
Công nhân là tầng thấp nhất, tiếp đó là trưởng nhóm và quản lý tuyến, quản lý phân xưởng, giám đốc bộ phận rồi đến giám đốc nhà máy. Để thăng chức, những người này cần có thâm niên đủ lâu.
Làm thêm giờ trong nhà máy lắp ráp iPhone thường là bắt buộc, và thông tin công nhân bị trả lương thấp hơn so với giờ làm là đúng sự thật. Zeng đã làm 12 giờ mỗi ngày, nhưng chỉ được trả lương 10,5 giờ, còn 1,5 giờ không được tính. Công nhân cũng không được trả lương nếu nghỉ. Điều này trái với những hình ảnh hoa mỹ mỗi khi lãnh đạo Apple tới thăm nhà máy đối tác, và những lời tuyên bố rằng công nhân của họ không được làm quá 60 giờ mỗi tuần.
Dù làm việc nhiều, nhưng mỗi tháng Zeng chỉ lãnh được khoảng 450 USD. Trừ các khoản chi tiêu, số tiền còn lại không nhiều. Là một công nhân lắp ráp iPhone nhưng hầu hết không sử dụng thiết bị này vì không đủ tiền mua. Thay vào đó, họ lựa chọn các mẫu smartphone giá thấp hơn từ các nhà sản xuất Trung Quốc như Oppo, Vivo...
Chế độ ăn uống trong nhà máy cũng là điều mà Zeng cho là "khủng khiếp". "Một bữa ăn khoảng 5 - 8 tệ (16.000 - 26.000 đồng) nhưng cũng có khi lên tới 20 tệ (gần 66.000 đồng). Nhưng nhiều tiền chưa phải là ngon, bạn sẽ không bao giờ thấy một đĩa cơm gà có ức hay đùi gà, thay vào đó là những bộ phận khác khó ăn hơn", Zeng kể lại. Bên cạnh đó, công nhân gần như chỉ ăn và làm, thậm chí ít khi nói chuyện với nhau trong khi ăn.
Ngoài ra, còn rất nhiều quy định khắt khe khi làm việc trong nhà máy lắp ráp iPhone nhưng Zeng "không muốn kể ra". Chính những trải nghiệm thực tế đó đã thúc đẩy anh quyết tâm qua Mỹ học đại học. Anh cho biết, mình sẽ trở thành một nhà hoạt động nhân quyền để mang lại sự công bằng cho mọi người, đặc biệt là những ai đang bị đối xử như trong nhà máy lắp ráp iPhone cho Apple.
Video: Thói quen của người Việt khi tìm kiếm trên Google
Bình luận