• Zalo

Bé ung thư sống sót diệu kì khó qua khỏi 'cửa tiền'

Sức khỏeThứ Ba, 06/11/2012 07:09:00 +07:00Google News

(VTC News) – Khi Tri Thức đến được cửa bệnh viện K, toàn thân cậu xuất huyết, chảy máu mồm, máu mũi, nôn ồng ộc ra máu.


(VTC News) – Khi Tri Thức đến được cửa bệnh viện K, toàn thân cậu xuất huyết, chảy máu mồm, máu mũi, nôn ồng ộc ra máu. Bác sĩ tiên lượng, Tri Thức chỉ sống được cùng lắm 2 ngày nữa.

Nhập viện tưởng ngày mai sẽ chết

Cách đây hơn tám tháng, Tri Thức nhập viện K trong tình trạng nguy kịch, di căn. Hầu hết các bác sĩ đều không nghĩ rằng em có thể qua khỏi. Ấy thế mà Thức đã vượt qua cánh cửa tử được hơn 8 tháng.

Những ngày Tri Thức cùng bố điều trị tại Bệnh viên K cơ sở 2 

Bệnh của Tri Thức bùng phát vào khoảng tháng 3/2012. Cha mẹ em chạy chữa  khắp nơi. Trước khi đến với Viện K2, gia đình đã đưa Tri Thức đến bệnh viện đa khoa Thanh Hóa, rồi đến bệnh viện nhi Thanh Hóa, chuyển lên tuyến trên là bệnh viện nhi Trung Ương.

Cuối cùng, Tri Thức gia nhập gia đình ung thư của Bệnh viện K2. Khi đó, bệnh tình của em rất nặng, di căn vào phổi và trung thất.

Cũng như tất cả những bệnh nhân nhi mắc phải căn bệnh bạch cầu cấp, Tri Thức có nước da xanh xao, nhỏ bé. Hậu quả của việc thiếu máu, cộng với việc truyền hóa chất càng khiến cho Thức chỉ như cậu bé 9 tuổi, mặc dù năm nay em đã ở độ tuổi 14.
Ngày mới nhập viện K2, bác sĩ đều nghĩ Thức không thể sống quá 2 ngày 
Anh Bùi Văn Thắng, bố của Tri Thức kể lại: Năm 4 tuổi Tri Thức phải nhập viện, truyền máu do xuất huyết giảm tiểu cầu. Lúc nào cháu cũng mệt mỏi, hay nghỉ học. Đến khi bùng phát, Tri Thức bị viêm họng, điều trị không thấy hiệu quả. Sau đó gia đình thấy cháu da xanh, chán ăn, bệnh viện huyện xét nghiệm thấy bạch cầu bất ổn buộc phải chuyển lên tuyến trên. Lúc này ung thư đã di căn.

Cuộc chiến đấu của Tri Thức với bệnh ung thư. Nguồn: VTC14

TS. BS Phạm Thị Việt Hương, khoa ung bướu Nhi – Bệnh viện K kể lại: “Khi Thức được chuyển đến với chúng tôi đã trải qua mấy bệnh viện như vậy, ai cũng lo lắng. Cảm tưởng tiên lượng tử vong chỉ trong 1, 2 ngày tới.

Cháu đến vào ngày nghỉ, trong tình trạng xuất huyết toàn thân, chảy máu mồm, máu mũi, nôn ồng ộc ra máu. Đi ngoài phân đen, sốt xuất huyết ngoài da. Xét nghiệm thấy tiểu cầu rất thấp, gần như không còn gì. Trong khi đó bạch cầu lên hàng trăm”.  

Thế nhưng, Tri Thức đã vượt qua những giờ khắc sinh tử và chiến đấu với căn bệnh này đến tận bây giờ. Song cánh cửa đang dần khép lại khi tiền trong nhà đội nón ra đi theo những tháng ngày Tri Thức nằm viện.

Sắp hết bảo hiểm, sắp ngừng điều trị

Triệu chứng ung thư máu ở trẻ em: Sốt kéo dài, nhiễm trùng họng và dùng kháng sinh không thấy đỡ. Trẻ mệt mỏi, biếng ăn, da xanh do thiếu máu. Chấm nốt xuất huyết dưới da, đau xương, gan lách to, hạch to.
BS Mai Lan, Khoa ung bướu, viện huyết học và truyền máu trung ương
Cũng như những bệnh nhân ở nông thôn, việc điều trị cho các cháu dài ngày, cộng với việc một lao động trong gia đình phải đi theo chăm sóc sẽ khiến cho kinh tế gia đình khánh kiệt.
Không những vậy, với những gia đình khó khăn thì dường như sức ép về tiền bạc luôn thường trực. Gia đình Tri Thức cũng không phải là một ngoại lệ.
Sau hơn 8 tháng năm viện, kinh tế gia đình suy sụp. Với khoản viện phí là 20%, sức nặng đổ dồn lên vai của một người lớn trong gia đình, bởi một người có khả năng lao động phải đi viện chăm sóc con.

Chỉ tính sơ từ đầu năm, gia đình đã phải chi trả cả trăm triệu đồng. Với một gia đình thuần nông, gánh nặng ấy là quá lớn, khiến cho họ phải rơi vào cảnh nợ nần, túng bấn.

TS. BS Phạm Thị Việt Hương ngậm ngùi nói: “Tri Thức không được bảo hiểm hộ nghèo. Mặc dù đây là bệnh nhân được từ thiện nhiều nhưng không thể đủ được. Sắp tới hết bảo hiểm học sinh rồi, gia đình cũng đã có ý xin ngừng điều trị ở đây. Tôi có động viên bố mẹ rằng giai đoạn khó khăn nhất đã qua rồi. Chẳng lẽ bỏ cuộc?”

Điều đáng ngại hơn cả, em gái của Tri Thức cũng ốm đau liên miên. Năm nay học lớp 3, nhưng cô bé cũng có thể trạng còi cọc hơn các bạn cùng trang lứa. Đi khám, các bác sĩ cũng chẩn đoán em bị suy dinh dưỡng và thiếu máu.
Nỗi lo chồng chất lên vai anh Thắng chị Vinh khi đứa con gái thứ 2 cũng bắt đầu nổi hạch, hay ốm đau 
Không chỉ có vậy, bé Phương còn bị chẩn đoán là thấp tim, có hạch ở cổ, khiến cho anh chị Thắng Vinh càng thêm ám ảnh, càng muốn buông xuôi.

Đợt này, Tri Thức đang được truyền hóa chất tại Viện K2. Cánh tay vẫn chưa lành lặn sau nhiều lần lấy ven. Tóc lại bắt đầu rụng, cánh tay phù nề do hậu quả của việc truyền hóa chất. Các bác sĩ nói, lần sau truyền hóa chất sẽ lấy ven ở chân, bởi ven ở hai cánh tay vỡ và viêm hết cả.
Với anh chị, mọi việc bây giờ nằm ngoài tầm tay 
Theo lộ trình điều trị, Tri Thức còn 15 tháng nữa. Song chị Vinh và anh Thắng không biết mình có thể theo tiếp được lộ trình này không, vì còn phải phụ thuộc vào việc vay tiền. Những người thân quen anh chị đều đã gõ cửa. Với anh chị, mọi việc đã vượt ngoài tầm tay.
 Bệnh ung thư máu trẻ em hiện nay được xem là dạng ung thư có thể chữa trị khỏi ở các nước phát triển. Kế hoạch điều trị ung thư máu bao gồm 4 giai đoạn hóa trị: tấn công, củng cố, tăng cường và duy trì. Tổng thời gian kéo dài khoảng 24-30 tháng. Phác đồ hóa trị kết hợp nhiều thuốc đặc trị với kỹ thuật bơm thuốc vào tủy sống đã cho kết quả khả quan (80-85% trẻ sống hơn 5 năm sau điều trị)

Mọi giúp đỡ xin gửi về:  Anh Bùi Văn Thắng, thôn Kim Sơn, xã Hà Đông, huyện Hà Trung, THóa. SĐT: 01652.762.827

Hoặc Báo điện tử VTC News Số TK: 0021.0002.48991, Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Lạc Trung Hà Nội. Xin đề rõ: Đóng góp giúp bệnh nhân Tri Thức.

Hoặc kênh VTC14, Đài TH Kĩ thuật số VTC, 65 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Hiền Lê

Bình luận
vtcnews.vn