• Zalo

Bé trai sơ sinh bị vứt thùng rác: Tranh nhau đến nhận xin con nuôi

Thời sựThứ Ba, 19/05/2015 12:15:00 +07:00Google News

Nhiều người đến phòng khám Bà Điểm, Hóc Môn (TP.HCM) xin nhận bé trai bị vứt trong thùng rác làm con nuôi.

(VTC News) – Nhiều người đến phòng khám Bà Điểm, Hóc Môn (TP.HCM) xin nhận bé trai bị vứt trong thùng rác làm con nuôi. 

Sau khi thông tin bé trai sơ sinh bị bỏ rơi trong thùng rác trước phòng khám Bà Điểm, Hóc Môn (TP.HCM) được đăng tải vào sáng 13/5, nhiều cặp vợ chồng đã đến xin nhận bé làm con nuôi.

 Vợ chồng chị H. (trái), chị Hà cùng bé trai bị bỏ rơi. Ảnh: Phan Cường

Lặn lội từ miền Bắc bay vào TP.HCM, vợ chồng chị H. đến phòng khám Bà Điểm và hạnh phúc khi được bế ẵm bé trai kháu khỉnh trên tay. Chị H. kể, vợ chồng chị kết hôn nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có con. Điều này khiến cả hai vợ chồng ngày đêm lo lắng.

Vợ chồng chị cũng đã đi khắp các bệnh viện từ Bắc chí Nam để chữa bệnh hiếm muộn, tốn kém nhiều tiền bạc, thời gian công sức nhưng vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.

Khi biết được tin có bé trai bị vứt thùng rác, chị H. vội vã cùng chồng gác bỏ thời gian làm việc từ Hà Nội vào TP.HCM xin nhận bé làm con nuôi.

“Sao có người lại nỡ lòng vừa sinh xong mang con vứt bỏ thùng rác. Tôi thương bé quá. Gia đình tôi rất mong muốn được nhận cháu làm con nuôi.” – chị H. mắt rưng rưng.

 Bé trai đã được 5 ngày tuổi. Ảnh: Phan Cường

Cùng ngỏ lời xin nhận bé trai làm con nuôi, có một cặp vợ chồng khác (xưng là bà con họ hàng với một lãnh đạo UBND xã Bà Điểm, Hóc Môn) đến tận trụ sở UBND xã Bà Điểm để “cạnh tranh” với cặp vợ chồng chị H. Ai cũng muốn chứng minh mình có đủ khả năng, điều kiện để xin nhận nuôi bé.

Trước sự việc này, chính quyền xã Bà Điểm, Hóc Môn cho biết sẽ làm theo luật định, đó là lập biên bản bàn giao cho chị Võ Thị Hà – hộ lý phòng khám Bà Điểm, Hóc Môn nuôi dưỡng bé trong vòng 1 tháng

“Trong vòng 1 tháng từ 15/5/2015 – 15/6/2015, UBND xã đăng tin trên đài truyền hình, thời gian này bà Hà không được giao bé cho ai. Bà Hà phải quản lý, trông nom, chăm sóc bé. Nếu bé bị thất lạc bà Hà phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sau thời gian 1 tháng không có thân nhân đến nhận, lúc này mới làm theo quy trình cho con nuôi” – văn bản ghi rõ.

 Biên bản bàn giao bà Hà nuôi dưỡng bé trai trong vòng 1 tháng.
Ảnh: Phan Cường

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, trường hợp nói trên, trước mắt bé trai được giao cho trung tâm y tế, người đứng đầu tạm thời nuôi dưỡng. Trường hợp không đủ khả năng, UBND xã sẽ tìm người khác thay thế hoặc đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội.

“Trường hợp nếu có nhiều người xin nhận con nuôi cùng lúc thì giải quyết theo thứ tự ưu tiên, bà con, quan hệ ruột thịt của bé, sau đó mới đến những người chứng minh được khả năng, điều kiện tốt nhất về tài chính, đạo đức để nuôi dưỡng bé” – Luật sư Hưng nói.

Nghị định số 144/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29/10/2013 cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Cụ thể, mức phạt tiền từ 10-15 triệu đồng được áp dụng đối với trường hợp bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng,bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Phan Cường

Bình luận
vtcnews.vn